Tuyến tụy nhân tạo từ lâu đã là giấc mơ của các nhà nghiên cứu và những người bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 1. Cùng với tiến bộ công nghệ gần đây, giấc mơ này đang dần dần biến thành hiện thực.

Năm ngoái, tuyến tụy nhân tạo đầu tiên đã được sử dụng để tự động theo dõi và tiêm insulin ở bệnh nhân tiểu đường loại 1. Giờ đây, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã phát triển một hệ thống thông minh hơn, có khả năng kết nối với điện thoại thông minh và học hỏi từ hành vi của người bệnh.


Thiết bị này có tên MiniMed 670G,  do công ty Medtroni sản xuất. Nó được chấp thuận để sử dụng cho những người bị bệnh tiểu đường loại 1 ở độ tuổi trên 14.

Trước đây, bệnh nhân tiểu đường loại 1 thường phải tự theo dõi đường huyết của mình và tiêm insulin khi chỉ số quá cao. Insulin cũng có thể được tiêm khi bệnh nhân ăn.

Tụy nhân tạo sẽ kết hợp hai quá trình này làm một. Một thiết bị theo dõi đường huyết sẽ được đặt dưới da của bệnh nhân, kết hợp với một máy bơm insulin cho phép thiết bị kiểm soát nồng độ glucose một cách độc ​​lập. Điều này giúp cho người bệnh không phải thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu của họ nữa.



Tuy nhiên, phải sau khi tiêm 2 giờ insulin mới đạt nồng độ cao nhất trong máu, do đó tuyến tụy nhân tạo sẽ phản ứng chậm trễ với các biến đổi. Để cải thiện điều này, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã phát triển một thuật toán điều khiển dựa trên mô hình tiên đoán, tuyến tụy nhân tạo được định hướng để giữ mức glucose của bệnh nhân ở trong phạm vi rộng thay vì cố gắng duy trì một mức cố định.

Hệ thống sẽ được kết nối với điện thoại thông minh của người bệnh và học hỏi các thói quen sinh hoạt của họ, từ đó cung cấp insulin dựa trên giấc ngủ, bữa ăn, hoạt động thể chất và sự trao đổi chất. Hệ thống trở nên chủ động hơn, cho phép đón đầu bất cứ sự thay đổi lớn nào về lượng đường trong máu bệnh nhân.
                        Sơ đồ làm việc của các thành phần trong hệ thống.
Hiện tại hệ thống đã được thử nghiệm thành công trên 30 bệnh nhân tiểu đường loại 1. Đây là một tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y học, giúp cuộc sống của các bệnh nhân tiểu đường trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sơn Tùng-daikynguyen 18/10/2017