Trong
một lần tình cờ, một ông lão châu Á và ông lão châu Âu cùng ngồi xuống
hàn huyên, tâm sự. Và bởi văn hoá khác biệt, quan điểm mỗi người cũng
không giống nhau, cuộc đối thoại của họ thật khiến người ta phải suy
ngẫm
Viện dưỡng lão và người già
Ông lão châu Á: Đứa con tôi thật là bất hiếu!
Ông lão châu Âu: Chuyện gì xảy ra vậy?
Ông lão châu Á: Nó dám hỏi tôi rằng: “Ba có muốn vào viện dưỡng lão không?”.
Ông lão châu Á: Ông không đùa đấy chứ? Những nơi như thế ông cũng sống được sao?
Ông lão châu Âu: Tại sao lại không?
Ông lão châu Á: Nơi
ấy chỉ dành cho những người già neo đơn không nơi nương tựa mà thôi.
Tôi có con có cháu đàng hoàng, vậy mà lại phải đến đó ở, thể nào cũng
làm trò cười cho thiên hạ, rồi tôi sẽ khổ não mà tổn thọ mất.
Ông lão châu Âu: Không phải thế chứ? Đến một độ tuổi nhất định, sống ở viện dưỡng lão rất thuận tiện, sao có thể bị mọi người chê cười được?
Ông lão châu Á: Tôi
thì cho rằng khi đến tuổi, chúng ta nên sống cùng con cháu để được
chúng phụng dưỡng chăm lo. Sống ở viện dưỡng lão rất cô đơn và hiu
quạnh, chẳng phải là đáng thương lắm sao?
Người
Châu Á thường sống gần gũi với con cái, khi già đi con cái có trách
nhiệm chăm sóc cha mẹ già, đó là việc con cái báo hiếu cha mẹ. (ảnh minh
hoạ)
Ai cũng có cuộc sống của riêng mình
Ông lão châu Âu: Ông muốn sống cùng con cái sao? Tôi sống cùng với con trai mới có 2 tuần mà đã không thể chịu được rồi.
Ông lão châu Á: Sống với con cháu vui vẻ lắm mà, sao lại có thể khó chịu được chứ?
Ông lão châu Âu: Con
trai tôi đến 18 tuổi là đã phải ra ngoài sống tự lập rồi. Nó về chơi
vài ngày thì tôi rất hoan nghênh, nhưng nếu nó ở đây thời gian dài, lại
còn mang theo cả vợ con về thì cuộc sống của tôi sẽ đảo lộn hết cả.
Ông lão châu Á: Tôi
thật sự không thể hiểu nổi người phương Tây các ông, vì sao lại vô tình
đến như vậy? Con trai vẫn còn trẻ mà ông đã cho ra ngoài tự lập, lại
còn để nó đi vay tiền để chi trả học phí nữa. Chẳng trách vì sao đến
cuối đời các ông lại phải sống trong viện dưỡng lão!
Ông lão châu Âu: Nó
đủ 18 tuổi là đã trưởng thành và cần phải tự lập rồi.. Còn việc vay
tiền trả học phí là quyết định của cá nhân nó, chúng ta hãy để lũ trẻ
học cách làm chủ cuộc đời mình. Hơn nữa, chúng cũng cần phải có sự
riêng tư, ông nên cho chúng một không gian riêng của mình.
Ông lão châu Á: Người
Tây phương các ông thật kỳ lạ, thế này không được, thế kia cũng không
được. Chẳng nhẽ cứ phải cho con ra ở riêng, rồi mình thì sống trong viện
dưỡng lão mới là “được” hay sao?
Ông lão châu Âu: Tôi
có cuộc sống của tôi, con tôi có cuộc sống riêng của nó. Tôi sống ở
viện dưỡng lão cũng có rất nhiều bạn bè, khi gặp rắc rối thì có chuyên
gia giúp đỡ. Chúng tôi cần một cuộc sống thoải mái và tự do.
Thế nào là báo đáp công ơn sinh thành?
Ông lão châu Á: Lời
ông nói nghe thật phóng khoáng. Cho dù ông chỉ nuôi con đến 18 tuổi,
nhưng dẫu sao nó cũng đã kết hôn, đã trưởng thành, cũng tới lúc phải báo
đáp công ơn cha mẹ chứ?
Ông lão châu Âu: Báo đáp? Báo đáp gì cơ?
Ông lão châu Á: Đương
nhiên là đón ông về ở cùng, để ông an hưởng những ngày tháng cuối đời.
Nhưng tiếc là ông lại vào viện dưỡng lão rồi… Có vẻ như con trai và con
dâu ông quá thoải mái, chẳng phải gánh trách nhiệm gì với cha mẹ.
Ông lão châu Âu: Trách nhiêm nào cơ? Con tôi không cần có trách nhiệm gì cả.
Ông lão châu Á: Không có trách nhiệm sao? Nếu ông bị bệnh, chẳng lẽ con ông không cần đưa ông tới bệnh viện?
Ông lão châu Âu: Nếu tôi bị bệnh, viện dưỡng lão sẽ đưa tôi đi viện.
Ông lão châu Á: Nếu ông phải vào viện và cần người chăm sóc, chẳng lẽ người đó không phải là con ông?
Ông lão châu Âu: Người Âu châu chúng tôi không có khái niệm con cái phải chăm sóc ở viện. Con tôi chỉ cần tới thăm là tôi vui rồi.
Ông lão châu Á: Nếu ông không trả được viện phí, chẳng lẽ không cần con cái lo?
Ông lão châu Âu: Chúng tôi nằm viện miễn phí, không mất tiền.
Ông lão châu Á: Chà, xem ra các con ông không cần đưa ông đi viện, cũng không cần phải chăm sóc thuốc men. Thế chúng có biếu ông tiền không?
Ông lão châu Âu: Tiền gì? Tại sao phải biếu tiền?
Ông lão châu Á: Đó là cách chúng bày tỏ tấm lòng hiếu thảo với ông.
Ông lão châu Âu: Không,
không, không… Tôi không cần con cái phải cho tiền. Tiền của chúng là để
nuôi con cái, là để trả các khoản tiền vay, còn nếu có nhiều hơn thì
chúng có thể đi du lịch. Chúng tự lo được cho bản thân là tôi hạnh phúc
rồi, chứ tôi không cần đến tiền của chúng.
Chăm sóc cháu có phải là trách nhiệm của người già?
Ông lão châu Âu: Nuôi
con, dưỡng già có nghĩa là gì? Tôi sinh con là vì tôi yêu trẻ nhỏ, tôi
chưa bao giờ hy vọng nó sẽ chăm sóc cho tôi lúc cuối đời. Bây giờ con
trai và con dâu tôi đang ở giai đoạn gây dựng sự nghiệp, cần cố gắng làm
việc, cần tự lập để có thể tận hưởng cuộc sống.
Ông lão châu Á: Tôi
cũng rất yêu con, tôi cũng hiểu khi nó gây dựng sự nghiệp thì rất vất
vả. Bởi vậy tôi mới trông con cái cho chúng. Tôi đã hy sinh bao nhiêu
cho chúng như vậy, cuối cùng chúng lại muốn tôi vào viện dưỡng lão..
Ông lão châu Âu: Ông còn trông con cho chúng? Thật không thể tin được.
Ông lão châu Á: Sao lại không thể tin?
Ông lão châu Âu: Trông con là việc của cha mẹ chúng, có liên quan gì đến người già chúng ta?
Ông lão châu Á: Các con tôi phải đi làm kiếm tiền, dù gì tôi cũng đã nghỉ hưu thì nên giúp đỡ chúng một chút.
Ông lão châu Âu: Chúng
ta cả đời bôn ba, đến tuổi già mới là lúc nghỉ ngơi. Sao ông không tận
hưởng thời gian này mà đi nghỉ mát, uống cafe, chơi bóng, đọc sách, làm
những việc mà ông thích?
Ông lão châu Á: Nếu tôi không giúp chúng chăm sóc con cái, thì chúng xoay sở thế nào được?
Ông lão châu Âu: Chúng
ta cần có cuộc sống riêng của mình. Chúng ta đã nuôi con khôn lớn,
trông trẻ không phải là trách nhiệm của chúng ta. Ông vì con vì cháu mà
làm bao nhiêu việc như vậy, dường như không có cuộc sống riêng của bản
thân, chẳng lẽ tất cả chỉ là để lúc về già có người nuôi dưỡng thôi
sao?
***
Có
lẽ sau khi xem xong cuộc đối thoại giữa ông lão châu Âu và châu Á ở
trên, ít nhiều sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Quả đúng là, hai nền văn
hóa khác nhau đã dưỡng nên trong họ hai quan điểm hoàn toàn khác nhau.
Tuy
nhiên, dù phương Tây hay phương Đông, dù có khác biệt đến đâu, thì vẫn
có những điểm tương đồng mà phận làm con chúng ta cần phải nhớ:
Người
già cũng muốn cuộc sống của mình được trân trọng. Cho dù có sống cùng
con cùng cháu hay không thì cha mẹ vẫn cần có những khoảng không riêng:
Được ra ngoài tản bộ một chút, hít thở bầu không khí trong lành, hay
đôi lúc là gặp gỡ những người bạn già để cùng hàn huyên tâm sự… Là con
cái, bạn hãy thấu hiểu và trân trọng những khoảnh khắc quý báu này.
Con
cái cần phải báo đáp công ơn sinh thành, đó là giá trị đạo đức, cũng là
một nét văn hoá đẹp của người phương Đông. Nhưng “tiền bạc” có phải là
thước đo của lòng hiếu thảo hay không? Trong các kinh điển Nho giáo,
chữ Hiếu được tóm lược ở ba điều là: “Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ
đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng
cha mẹ” (“Lý Hoặc Luận” – Mâu Tử). Bởi vậy, không cần biếu tiền biếu
bạc, mà luôn tôn kính và phụng dưỡng cha mẹ bằng tấm lòng thành kính,
đó đã là người con có hiếu rồi.
Vì
con cái, cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình, những mong tháng năm cuối
cùng ấy có con cháu sum vầy làm hạnh phúc. Thế nhưng, có khi nào bạn
chợt nhận ra rằng: Ta đang biến “niềm vui” ấy thành “trách nhiệm” của
người già? Có khi nào ta mải mê với công danh và sự nghiệp, để rồi phó
thác tất cả việc nhà cho mẹ cha gánh vác?
Ai
ai cũng có cuộc sống của riêng mình, hãy để những ngày tháng tuổi già
của cha mẹ là ngày tháng đẹp nhất và ấm áp tình thương yêu…
Bình Nhi(bài do bạn Bá Trần giới thiệu)