Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015
Bệnh nhiễm trùng hô hấp nào cần trụ sinh?
Ôi chao, mùa lạnh, sao mà cực quá. Đã lạnh, còn hắt xì, sụt sịt, ho hắng, khò khè... Chẳng biết bị cái gì đây, cảm hay cúm, viêm xoang quanh mũi, viêm tai giữa, sưng hạch hầu, viêm ống phổi, sưng phổi, hoặc chỉ “allergy”, ..., dùng trụ sinh hay không dùng trụ sinh?
Nhiều tài liệu y học than phiền các bác sĩ hay dùng trụ sinh không đúng chỉ định. Có lẽ, nay trong mùa các bác sĩ phóng tay biên toa trụ sinh, tác giả những tài liệu này mong các bác sĩ, nể lời kêu gọi của họ, may ra có chùn tay bớt chăng. Hoặc, vì một sự kiện đang được báo độngđỏ: hiện nhiều vi trùng, đã kháng nhiều loại trụ sinh, do việc trụ sinh được sử dụng hăng quá, cả khi không cần thiết. Người ta lo ngại, có những bệnh nhiễm vi trùng (bacterial infection) nguy hiểm sẽ không còn trụ sinh hiệu nghiệm để trị.
Trụ sinh/ kháng sinh ( antibiotics) là loại thuốc quí, cứu mạng bao người. Song, trụ sinh chỉ diệt được các vi trùng (bacteria), chẳng ăn thua gì với siêu vi trùng (virus). Đem trụ sinh ra đe siêu vi trùng, siêu vi trùng cười. Chúng “siêu” hơn vi trùng.
Người trông xinh xắn, nõn nà nhất, cũng đầy những vi trùng, trên da, trong mũi, miệng, cổ họng, trong dạ dày, ruột, ... Chúng sống chung hòa bình với ta, và ta cứ để chúng đấy. Chỉ khi nào chúng làm loạn, gây chuyện, ta mới dùng trụ sinh đập cho chúng một trận, bắt chúng phải lui. Song khi dùng trụ sinh để “trị” bệnh siêu vi trùng (virus), ta đã phô vũ khí, các vi trùng (bacteria) đứng ngoài vỗ tay xem cuộc chiến “dùng trụ sinh để đánh siêu vi trùng”, đã học và biết hết các chiêu thức của ta, tìm cách chống đỡ trước, đến khi chúng gây loạn, ta lại dùng trụ sinh, chúng đã biết tỏng, và kháng lại. Tình trạng vi trùng kháng thuốc này, hại cho ta, hại cho cả những người khác quanh ta: nhiều khảo cứu cho thấy, trong một cộng đồng hiếm có người dùng trụ sinh, hiện tượng vi trùng kháng thuốc trong cả cộng đồng ít xảy ra hơn.
Vậy, trong mùa này, khi hàng lũ siêu vi trùng và vi trùng cùng rủ nhau lượn quanh, chọn mục tiêu, rồi tấn công ta, theo các tài liệu y học, trường hợp nào phải dùng trụ sinh, trường hợp nào không?
Cảm hoặc cúm
Trong mùa này, không mấy ai thoát khỏi sự tấn công của những siêu vi trùng gây cảm (cold) hoặc cúm (flu). Chảy mũi (nước mũi đôi khi có màu), nghẹt mũi, hắt hơi, rát cổ họng, ho hắng, khan tiếng, sốt nhẹ,..., cảm rồi. Bị cúm, thêm vào đấy, còn sốt cao đột ngột, đầu nhức như búa bổ, người đau như dần, rũ ra.
Cảm và cúm gây do siêu vi trùng, dùng trụ sinh không ăn thua, nhưng theo những tài liệu than phiền nhiều bác sĩ sử dụng trụ sinh không đúng, đến 36% các bác sĩ còn chữa cảm hoặc cúm với trụ sinh.
Phân tích ra, người ta thấy rằng có lẽ lòng mong mỏi được chữa bằng trụ sinh của người bệnh là yếu tố quan trọng khiến bác sĩ biên toa trụ sinh để “chữa” cảm, cúm. Mặc những nỗ lực luôn được thực hiện để hướng dẫn cho mọi người hiểu, trụ sinh không trị được các bệnh gây do siêu vi trùng, dùng trụ sinh sớm cũng không ngừa được các biến chứng của cảm, cúm, nhiều người vẫn tin rằng khi bị cảm, cúm, dùng trụ sinh, cảm, cúm mới mau hết. Thế là bác sĩ chiều lòng. Biên một toa thuốc trụ sinh, rồi mau mau cho người bệnh đi ra, để còn xem người khác, có lẽ đỡ tốn thì giờ hơn việc đem khoa học giải thích lôi thôi, có khi thêm mất lòng. Lỡ cho trụ sinh một lần để “chữa” cảm, cúm, lần sau người bệnh đến vì cảm, cúm, không cho trụ sinh nữa, đâm khó ăn khó nói. Thôi, đã phóng lao đành theo lao, lại biên trụ sinh. Một năm mỗi người lớn bị cảm, cúm khoảng 3-4 lần, lần nào cũng dùng trụ sinh để “chữa”, tính ra tốn kém biết bao nhiêu, không cần thiết, còn tạo cơ hội cho nhiều vi trùng kháng thuốc.
Thực ra, khi nhiễm cảm ta chỉ cần dùng thuốc để chữa các triệu chứng, trong lúc chờ cơn cảm từ từ bỏ ta ra đi trong vòng 7 đến 10 ngày. Thuốc Tylenol tốt, lại lành, giúp làm giảm các triệu chứng nóng sốt, ớn lạnh, đau nhức. Chảy mũi và nghẹt mũi ư, ta dùng thuốc uống Sudafed cũng được, hoặc các thuốc xịt mũi Afrin, Atrovent, ... Nước mũi hơi có màu chút chẳng sao, không nhằm nhò gì. Rát cổ họng chút, đã có thuốc xịt hay ngậm như Vicks Chloraseptic. Còn ho, các thuốc ho như Delsym, Robitussin-DM dùng được. Dù có lúc khạc ra đàm có màu, bạn cũng chớ vội lo (ống phổi bị viêm cấp tính ấy mà, xin bạn đọc tiếp phần dưới, sẽ rõ hơn về vụ này). Rủi bị cúm (với nóng sốt cao, đầu nhức dữ dội, thân mỏi ơi là mỏi), thêm vào các cách chữa trên, nếu triệu chứng mới xảy trong vòng 48 tiếng, các thuốc Amantadine, Rimantadine, Tamiflu, Relenza sẽ giúp ta sớm hết đau khổ vì cúm.
Như vậy, cảm (cold) nhẹ thôi, bạn có thể tự chữa lấy ở nhà, với những thuốc kể trên nếu cần. Sau 3 đến 5 ngày, chưa thuyên giảm, hoặc có thêm triệu chứng mới, bạn đi khám bác sĩ vẫn còn kịp. Còn bị cúm (flu), với sốt cao, đầu nhức dữ, thân mỏi nhừ, bạn nên đến sớm trong vòng 48 tiếng (2 ngày), bác sĩ biên toa cho bạn dùng Amantadine, Rimantadine, Tamiflu, hoặc Relenza, cúm sẽ ra đi nhanh hơn. Trụ sinh ư, như “Ampi”, không cần đâu bạn ạ.
Viêm ống phổi cấp tính
Viêm ống phổi cấp tính (acute bronchitis) khác với viêm ống phổi kinh niên (chronic bronchitis) những người hút thuốc lá hay bị. Viêm ống phổi kinh niên khiến người hút thuốc lá quanh năm ho hắng, khạc nhổ. Còn chúng ta, những người không hút thuốc, thỉnh thoảng có thể bị viêm ống phổi cấp tính, ho khạc ra chút đàm có màu, nhất là khi ta nhiễm cảm hoặc cúm. Nếu viêm ống phổi có dạng suyễn (asthmatic bronchitis), ta còn khò khè, khó thở như người hen suyễn.
Viêm ống phổi cấp tính khiến ta ho khạc ra đàm có màu, vàng hoặc xanh, thường gây do nhiễm trùng (infection). 90% các trường hợp viêm ống phổi cấp tính do nhiễm siêu vi trùng.
Các siêu vi trùng có thể gây viêm ống phổi cấp tính: siêu vi trùng cúm (influenza virus), hai siêu vi trùng hay gây cảm (coronavirus và rhinovirus), các siêu vi trùng khác như parainfluenza virus, adenovirus. Ít nhất 7 khảo cứu đã cho thấy, dùng trụ sinh để chữa viêm ống phổi cấp tính, ở người có hai buồng phổi khỏe mạnh, bệnh chẳng mau hết hơn tí nào, so với không dùng trụ sinh.
Thường, viêm ống phổi cấp tính sẽ đội nón ra đi trong vòng 10-14 ngày, tuy một vài người ho lâu đến 6-8 tuần. Ta không cần trụ sinh, chỉ cần thuốc ho và chút kiên nhẫn. Nếu cần, ta dùng thêm thuốc làm dãn ống phổi (bronchodilators). Ampicillin, Amoxil không giúp gì.
Viêm xoang quanh mũi
Chung quanh mũi có nhiều xoang (sinuses) lắm, ăn thông với mũi qua những ống dẫn. Viêm xoang quanh mũi (paranasal sinusitis) thường là biến chứng của cảm, cúm hoặc bệnh dị ứng mũi, do màng mũi sưng lên khi ta bị cảm, cúm hoặc dị ứng mũi, làm tắc các ống dẫn từ các xoang quanh mũi.
Viêm xoang quanh mũi gây các triệu chứng sau: cảm, cúm đã quá 7 ngày, mà mũi vẫn còn nghẹt nhiều, dùng thuốc chữa nghẹt mũi như Sudafed không thấy bớt; nước mũi một bên ra vàng hoặc xanh như mủ; đau mặt, nhất là khi cúi thấp đầu; ấn thấy đau ở một vùng xoang chung quanh mũi; nóng sốt trên 102 độ F (38.8 độ C); đau răng phía hàm trên (viêm xoang hay tạo cảm giác đau răng). Viêm xoang hay xảy ra ở người trước đã từng viêm xoang hoặc ở người có những bất thường trong mũi.
Nếu có 2 (hay hơn) các triệu chứng kể trên, bạn bị viêm xoang rồi. Các thuốc trụ sinh được dùng để chữa viêm xoang quanh mũi: Bactrim, Augmentin, Ceftin, Vantin, Cefprozil, Loracarbef, Biaxin, Zithromax, Ketek, Levaquin, ... (dùng 10 ngày, riêng thuốc Zithromax, chỉ cần dùng trong 5 ngày). “Ampi”, Amoxil của bạn xưa rồi, nay không còn được dùng nhiều để chữa viêm xoang (hậu quả của việc dùng chúng bừa bãi, khiến nhiều vi trùng đã kháng thuốc).
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa (otitis media) hay xảy ra nhiều ở trẻ con hơn người lớn. Viêm tai giữa gây nóng sốt, đau tai, chảy nước lỗ tai, tai nghe kém, tai kêu lắc rắc (ear popping), cảm giác đầy đầy trong tai (ear fullness), và chóng mặt.
Các vi trùng gây viêm tai giữa cùng là những con hay gây viêm xoang quanh mũi, nên các trụ sinh dùng cũng không khác mấy. Chữa bằng trụ sinh, trong vòng 48 tiếng đồng hồ, các triệu chứng, nhất là nóng sốt và đau tai, thường sẽ thuyên giảm. Sau 48 tiếng, nếu các triệu chứng chẳng bớt tí nào, có lẽ vi trùng đã kháng thuốc, ta nên nghĩ đến việc đổi trụ sinh khác để chữa viêm tai giữa. Đã dùng một trụ sinh khác để chữa, nhưng vẫn không ăn thua, lúc ấy ta sẽ nhờ bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng chọc màng nhĩ (làm tympanocentesis), lấy nước từ tai giữa đem cấy trùng, xem con vi trùng nào đang gây loạn, mà cứng đầu thế, và nó “chịu” thứ trụ sinh nào.
Đau cổ họng
Có lẽ, đau cổ họng (sore throat) là nguyên nhân khiến nhiều người chúng ta dùng trụ sinh lung tung nhất. Hơi rát cổ họng chút, vội đem “Ampi” trữ sẵn trong nhà, bỏ nhanh vào miệng. Thêm viên Tylenol.
Đau cổ họng, nếu không có nóng sốt, nổi hạch ở cổ, có mủ trong cổ họng hoặc trên các hạch hầu, thường do nguyên nhân lành, không cần đến trụ sinh. Như lúc nhiễm cảm, cúm, ta cũng đau rát cổ họng vài ngày vậy, rồi nó cũng hết, có sao đâu.
Chỉ khi bạn đau cổ họng với những triệu chứng kể trên, và khám thấy hạch hầu của bạn sưng đỏ, có mủ, nghi gây do vi trùng Streptococcus (Mỹ họ hay gọi là “strep throat”), ta mới cần đến trụ sinh để chữa. Những trụ sinh đúng: Penicillin, Erythromycin, Ceftin, Vantin, Cefprozil, Biaxin, Zithromax, ... Trong các trụ sinh vừa kể, Penicillin vẫn là nhất, vừa hữu hiệu, vừa rất rẻ.
Sưng phổi
Sưng phổi khiến bạn ho dữ lắm, khạc đàm, rồi nóng sốt, đau một bên ngực, có khi khó thở, ngực như thắt chặt (chest tightness). Phim ngực (chest X-Ray, ta hay quen miệng gọi “phim phổi”) có thể xác định bạn bị sưng phổi hay không. Việc thử đàm có thể giúp tìm xem vi trùng nào đang làm loạn.
Với sưng phổi (pneumonia), không có mấy bàn cãi, ai cũng đồng ý phải dùng trụ sinh để chữa. Trụ sinh nào cần thiết, tùy vào tuổi của bạn, bạn có thêm bệnh gì khác không (như bệnh phổi), mức độ nặng nhẹ của sưng phổi, và sưng phổi xảy ra ở nhà hay lúc bạn đang nằm nhà thương vì một vấn đề khác.
Các thuốc trụ sinh dùng chữa sưng phổi rất nhiều, chỉ xin kể ra đây một ít, để bạn quen thuộc với tên của những thuốc trụ sinh đang trên vòm trời danh vọng trong thế giới y học ở Mỹ. Cho người dưới 60 tuổi, Erythromycin, Biaxin, hay Zithromax là những thuốc tốt. Với người trên 60 tuổi: Biaxin, Zithromax, Augmentin, Ceftin, levofloxacin, sparfloxacin, ... (có khi phải dùng đến hai trụ sinh phối hợp để chữa). Với những người sưng phổi nặng quá, phải vào nhà thương, sự chữa trị còn phức tạp hơn nữa, kể ra sợ làm bạn rối trí. Bạn lại thấy, “Ampi”, hay Amoxil của bạn đã thuộc thế hệ cổ, không còn vai trò gì trong việc chữa sưng phổi.
“Ai bảo chữa cảm, cúm là dễ; chữa cảm, cúm khó lắm chứ”. Cảm (cold) hay cúm (flu) đây, hay đau cổ họng do sưng hạch hầu vì vi trùng Streptococcus, hoặc ồ, chỉ là viêm mũi do dị ứng (allergic rhinitis). Cảm (hoặc cúm) này đơn thuần, chưa sao, hay đã gây biến chứng (viêm ống phổi cấp tính, viêm xoang quanh mũi, viêm tai giữa, sưng phổi, ...). Rồi, dùng trụ sinh hay không dùng trụ sinh, và trụ sinh nào cho đúng?
Nói tóm lại, chỉ khi chúng ta bị viêm xoang quanh mũi, sưng phổi, viêm tai giữa (những bệnh thường do vi trùng), trụ sinh mới cần đến. Khi bác sĩ cho chúng ta trụ sinh, chúng ta nên hỏi tại sao; nếu câu trả lời của bác sĩ là, “Bác bị cảm, tôi cho trụ sinh để bác mau hết cảm”, thì thực không đúng, không chấp nhận được.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
http://www.thegioimoionline.com/tm.php?recordID=4063