Mận giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người bệnh tiểu đường.
Mận có vị ngọt thanh, hơi chua, mọng nước với lớp vỏ mỏng, bên ngoài được bao quanh bởi một lớp cám trắng mỏng. Ở Việt Nam, mận hậu được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nên được gọi là mận Bắc. Mận hậu vào mùa khoảng tháng 3 và nở rộ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Vitamin C trong mận giúp người tiểu đường nâng cao sức đề kháng. Hầu hết các loại mận đều giàu chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin C, beta-caroten (tiền chất của vitamin A).
Riêng mận đỏ, tím như mận hậu có thêm chất chống oxy hóa khác là anthocyanin và phytochemical. Các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng này góp phần kiểm soát triệu chứng bệnh tiểu đường type 2. Chất chống oxy còn giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và mô có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, Alzheimer, Parkinson và ung thư.
Quả mận có nhiều chất xơ, ít đường. Một cốc mận cắt lát (100 g) có thể đáp ứng khoảng 8% nhu cầu chất xơ của cơ thể, làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Loại quả này còn giàu prebiotic – chất xơ thực vật nuôi dưỡng các vi khuẩn tốt trong ruột. Đường ruột ổn định, cân bằng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và cải thiện bệnh tiểu đường. Ăn mận thường xuyên có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất adiponectin, một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
100 g mận chứa khoảng 16 g đường, xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết thấp nên không làm tăng lượng đường trong máu. Kali trong mận còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp, bằng cách loại bỏ natri khi người bệnh đi tiểu, giảm căng thẳng ở thành mạch máu, hạn chế nguy cơ biến chứng do tiểu đường.
Căng thẳng là một trong những yếu tố khiến đường huyết biến động. Trong khi đó, người ăn mận có thể giảm lo lắng, giúp đường huyết duy trì ở mức ổn định nhờ vào chất chống oxy hóa. Chất phytochemical và chất dinh dưỡng trong mận làm giảm viêm, tình trạng dễ xảy ra ở người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường nên thêm mận vào chế độ ăn uống. Bên cạnh các tác dụng có lợi cho đường huyết, mận có thể làm giảm tình trạng mất xương, góp phần bảo tồn xương. Sorbitol trong đường còn có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.
Bạn có thể ăn mận trực tiếp hoặc ăn chế biến thành các món như salad. Cắt mận thành miếng nhỏ, loại bỏ hạt và làm món salad chung với các loại quả khác. Sữa chua, sinh tố hoặc làm nước ép mận cũng mang đến nhiều lợi ích. Lưu ý không ăn mận với quá nhiều muối hoặc đường vì có thể ảnh hưởng đến đường huyết, huyết áp.
Theo WebMD, Healthline)-Anh Chi-/ anle20