Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Còn đâu tình người như xưa!

 Từ cậu bé mê sách báo đến ông chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng Sài Gòn trước 1975               

                   Mấy ngày nay một số Facebook chia sẻ lại câu chuyện về cô Bé “Ăn Cắp” 2 cuốn sách ở môt nhà sách ở Gia Lai. Thay vì cảm thông cho cô bé ham đọc sách và tặng thêm sách sau khi chỉ bảo điều hơn lẽ thiệt, người ta đã bắt cô bé lại, trói 2 tay vào thành lan can, đeo tấm bảng ghi chữ “Tôi Là Người Ăn Trộm” trước ngực, rồi chụp hình và bêu rếu lên Mạng Xã hội.

                     Cách làm Bất Nhơn, không chút tình Người của những Người Quản Lý ở đây đã thể hiện phần nào môt xã hội không tình không nghĩa, phản giáo dục, đi ngược lại sự tiến bộ, văn minh của loài người.

                Nói chính xác hơn thì đây là hành vi man rợ của những con người vô văn hoá, những cái xác biết đi chứ không biết cư cử đúng mực con người!

 

                 Âu con người cũng là sản phẩm của nền giáo dục của xã hội đó!

Chợt nhớ lại câu chuyện cậu bé 14-15 tuổi cũng ăn cắp sách trong tiệm sách Khai Trí của Bác Nguyễn Hùng Trương mà người đời hay gọi là ông Khai Trí.

                Khi thấy lùm xùm do nhân viên nhà sách định làm dữ với cậu bé, một vị khách ôn tồn hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, tỏ vẻ khâm phục cậu Bé vì học giỏi mà không tiền mua sách nên phải ăn cắp, Ông đã ngỏ lời xin tha và trả tiền sách cho cậu bé ấy.

                 Ngay lúc đó thì ông Khai Trí bước vào...

               Thấy chuyện lạ, Ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân.

                Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói:

                   – Phải Học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới.              Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…

                Ông Khai Trí trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu bé và nói:

                 – Từ nay hễ cần sách gì , Cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông Quản lý hay cô Thâu ngân, họ sẽ lấy cho cháu. Ngày trước, bác cũng là học sinh Trường Pétrus Ký mà…

                 Ông Khai Trí bắt tay, cám ơn ông Khách rồi đi vào trong.

 

                Ba năm sau, nghe nói cậu bé đậu Tú tài phần II được học bổng du học nước ngoài, hình như sang Canada.

               Một buổi chiều sau 1975 khá lâu, Người ta thấy một “Ông Già” khoảng ngoài 70 tuổi, ăn mặc theo lối Việt kiều, đứng ngắm trước cửa nhà sách Sài Gòn với nét mặt buồn buồn rồi bước vào hỏi thăm các cô bán sách về ông Khai Trí, các cô nói hình như ông ấy đã mất cách đây đến hàng chục năm.

               “Ông già Việt kiều” lại ra đứng ngắm trước cửa tiệm sách hồi lâu, lấy khăn giấy lau nước mắt, chắp tay hướng lên trên trời khẽ vái 3 vái rồi đi.

                Không Ai biết ông ta là ai cả…

 

              Đọc chuyện xưa, ngẫm chuyện nay mà sao ngao ngán cho cái tình người trong cái xã hội nhiễu nhương này.  Chẳng lẽ sau hơn 49 năm “Giải Phóng”, đạo đức con người, đạo đức xã hội này không có chút tiến bộ nào, ngược lại còn suy đồi đến mức bất nhân?

(bài do bạn Bá Trần giới thiệu)