Dịch từ “Mixing prescriptions andover-the-counter medicines can be dangerous—especially for older adults. Here’s how to protect your health-Liz Seegert- February 1, 2023”
.
Từ thuốc giảm đau và thuốc cảm, đến vitamin và thuốc ngủ, nhiều sản phẩm bạn mua ở tiệm thuốc gần nhà có thể gây ra những hậu quả có hại cho sức khỏe khi bạn già đi. Người lớn tuổi hấp thụ và chuyển hóa thuốc khác với người trẻ tuổi, điều này ảnh hưởng đến cách chúng hoạt động trong cơ thể. Ngay cả những loại thuốc mua tự do (OTC) dường như vô hại cũng có thể gây trở ngại cho thuốc kê toa, khiến những thuốc kê toa này kém hiệu quả và có thể dẫn đến tổn hại sức khỏe lâu dài.
Làm thế nào để biết những gì an toàn và những gì không
Dươc sĩ Patty Slattum-- giám đốc Chương trình Dược lý Lão khoa tại Đại học Virginia Commonwealth-- cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng một số loại thuốc, chỉ vì được bán không cần toa bác sĩ ,nên có thể đươc dùng an toàn. Thế nhưng không phải chỉ có sự lão hóa thay đổi cách cơ thể chúng ta xử lý thuốc, mà ngay cả việc sử dụng lâu dài thuốc hoặc việc kết hợp các loại thuốc khác nhau cũng có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe.”
Hiện tình tiêu dùng thuốc
Khoảng 83% người trưởng thành tại Hoa Kỳ, ở độ tuổi 60 và 70, sử dụng ít nhất một loại thuốc kê toa trong vòng 30 ngày qua và trong số đó khoảng chừng một phần ba sử dụng năm loại thuốc kê toa hay nhiều hơn, phổ biến nhất là để điều trị cao cholesterol , cao huyết áp cao và tiểu đường, theo báo cáo củaTrung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC)
Tuy nhiên, nhiều người cao niên cũng còn dùng những thuốc không kê toa cho mọi thứ bệnh , từ đau khớp đến táo bón, và không phải lúc nào họ cũng thảo luận trước khi dùng với bác sĩ hoặc dược sĩ. Một báo cáo từ Đại học Northwestern cho thấy rằng trong khi 86% bệnh nhân nghĩ rằng bác sĩ của họ biết về tất cả các loại thuốc không kê toa mà họ dùng thường xuyên, thì chỉ có 46% nói rằng họ thực sự đã nói chuyện với bác sĩ về những sản phẩm này .
Khi trộn cùng với thuốc kê toa, các hoạt chất trong thuốc trị cảm lạnh, dị ứng và các loại thuốc thông thường khác có thể là gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Theo dược sĩ Slattum “Bạn sẽ có thể uống quá nhiều các thuốc này mà không nhận ra điều đó, khiến các loại thuốc khác kém hiệu quả hơn và có khả năng dẫn đến tổn thương nội tạng nếu điều này xảy ra thường xuyên”
Tác dụng phụ tiềm ẩn
Thuốc giảm đau thông thường, như ibuprofen hoặc aspirin, dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác, có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, các vấn đề về dạ dày và thận. Thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi và thuốc ngủ có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, gây khô miệng và bí tiểu. Những sản phẩm này cũng có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, dẫn đến các vấn đề về thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã. Thuốc thông mũi cũng có thể làm tăng huyết áp và có thể cản trở quá trình bài tiết natri.
Dươc sĩ Slattum nói: “Não của chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với nhiều thành phần trên và điều đó có thể dẫn đến điều mà một số người đã mô tả là hiệu ứng nôn nao và lú lẫn vào ngày hôm sau.
Một số loại vitamin và khoáng chất bổ sung cũng có thể gây hại. Nếu dùng quá nhiều chúng có thể dẫn đến độc tính; hoặc cản trở hiệu quả của thuốc kê toa.
Quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến yếu xương; quá nhiều vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh; và quá nhiều vitamin B12 có thể làm hẹp động mạch vành. Vì cả lão hóa và một số loại thuốc kê toa có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng từ thực phẩm của cơ thể nên tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Những vấn đề sức khỏe khác có thể đến từ kẽm (zinc) có chứa trong nhiều loại thuốc cảm lạnh và chất kết dính răng giả. Ở liều lượng cao, kẽm có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và có liên quan đến nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt.
Các chất bổ sung vitamin D-- được khuyên dùng cho nhiều người lớn tuổi không nhận đươc đủ chất này một cách tự nhiên--có liên quan đến sỏi thận, nhịp tim không đều và chứng lẫn khi dùng quá mức
Cẩn trọng với sản phẩm “tự nhiên”
Còn các thảo dược “tự nhiên” thì sao? Theo chuyên gia dinh dưỡng Melinda Hemmelgarn thuộc Đại học Missouri thì : “Tự nhiên không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn.
“Không phải chỉ vì một sản phẩm được bầy bán không có nghĩa là nó đã được thử nghiệm về tính hiệu quả hoặc tính an toàn, kể cả về sự hiện diện của những chất gây ô nhiễm.
Một số loại thực vật và thảo mộc có thể gây hại nghiêm trọng nếu dùng cùng với một số loại thuốc kê toa—chẳng hạn như tăng nguy cơ chảy máu ở những người dùng thuốc làm loãng máu hoặc ảnh hưởng tới nồng độ insulin. Một số khác có thể làm chậm quá trình hấp thụ của cơ thể và do đó tăng lượng những chất đó trong cơ thể.
FDA không phê duyệt các chất bổ sung chế độ ăn uống về tính an toàn và hiệu quả trước khi chúng được bán ra cho công chúng. Các nhà sản xuất có trách nhiệm tự đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn do pháp luật ấn định .Vì vậy dược sĩ Hemmelgarn khuyên người dùng hãy cẩn thận.
Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào và đảm bảo rằng mọi người có trách nhiệm về sức khoe của bạn đều biết về những gì bạn đang dùng, bất kể đó là thuốc kê toa hay bán tự do
Dươc sĩ Slattum lưu ý “Không phải mọi tác dụng phụ hoặc cảnh báo tiềm ẩn đều có thể được ghi trên nhãn dán của thuốc và danh sách các thành phần hoạt động và không hoạt động chứa trong thuốc có thể gây nhầm lẫn. Chúng tôi có thể giúp bạn tìm các giải pháp thay thế sẽ giảm thiểu rủi ro và tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra.”
NBNtintuccaonien