Văn minh khoa học hiện nay đem lại cho chúng ta rất nhiều tiện nghi trong cuộc sống. Đặc biệt là do sự phát triển vượt bực khó thể tưởng tượng của kỹ thuật điện tử giúp thu hẹp khoảng cách không gian và thời gian để con người truyền thông cho nhau với tốc độ ánh sáng.
Ngày xưa, để gọi một cú điện thoại viễn liên với khoảng cách vài trăm dặm đã phải chờ khá lâu và âm thanh không mấy rõ; ngày nay gọi từ Hoa Kỳ đi nửa vòng trái đất đến Australia, chỉ một giây sau là đã nối liên lạc trò chuyện, cứ như là đang nói với người ngồi sát bên. Ngày xưa, gửi lá thư trong nước mất vài ngày đến tuần lễ; ngày nay gửi email chỉ vài giây sau khi bấm nút ‘send’ là đến máy người nhận, tha hồ viết dài ngắn tùy nghi.
Nhưng bên cạnh tiện nghi đó, cũng mang lại nhiều bực mình và nguy hiểm. Bực mình là vị bị quấy rầy mỗi ngày bởi hàng chục cú điện thoại gọi đến để quảng cáo. Nguy hiểm là nhiều kẻ gian dùng các phương tiện truyền thông này để gài bẫy, truy tìm các chi tiết về nhân thân nhằm làm những điều phi pháp mang lại hậu quả xấu cho chúng ta, nhất là về phương diện tài chánh.
Tiếng Anh gọi những cú lừa gạt này là ‘scam’. Theo định nghĩa, ‘scam’ là sự bất lương, gian dối. Cần phân biệt với ‘Spam’ là về những quảng cáo thương vụ hay dịch vụ gửi đến hàng loạt đối tượng qua các phương tiện đại chúng như điện thư, trang facebook. Gọi là ‘spam’ vì các quảng cáo này bị coi là không thích ứng (inappropriate, unsolicited).
Lưu ý: trong bài chúng tôi xin phép sử dụng một số từ ngữ tiếng Anh nhằm bớt phần giải thích dông dài nếu chỉ viết bằng tiếng Việt.
Để có thể an vui sinh hoạt, gạt bớt sự phiền toái và nguy hiểm, chúng ta cần có một hiểu biết tối thiểu để nhận chân giả và né tránh những sự lừa gạt qua các phương tiện mà chúng tôi liệt kê ra như sau:
A.- Lường gạt qua trò chuyện trên mạng (Chat Scams), cũng có thể qua điện thoại.
Trên các trang web, các phương tiện như twitter, facebook… có một ứng dụng gọi là ‘Chat’; trong điện thoại cellular (cell phone) thì có ứng dụng ‘text message’, cho phép hai hay nhiều người cùng lúc trò chuyện bằng cách gửi và nhận các lời nhắn trực tiếp với nhau. Những kẻ gian thường gửi những text message để hỏi về các chi tiết cá nhân như mật khẩu (password), số tài khoản (account number); ký danh (ID, thậm chí cả số An sinh Xã Hội (Social Security number). Sau đây là vài sự lường gạt thông dụng:
1. Giả tạo việc giao, nhận hàng (Fake package delivery)
Lời nhắn về một món hàng được chuyển tới cho các bạn và cần các bạn xác nhận vài chi tiết về account và về cá nhân các bạn bằng cách bấm vào một cái ‘link’ họ cho sẵn đó. Cái link này là cái bẫy để khi các bạn bấm vào, sẽ yêu cầu các bạn cho những chi tiết về mình. Nó cũng sẽ gài những malware (spyware hay virus) vào máy của bạn để nằm chực chờ đánh cắp chi tiết của bạn
Làm thế nào để tránh? Nên nhớ rằng, trong trường hợp các bạn có mua hàng (ví dụ qua ebay, Amazon…)., các cơ sở này sẽ liên lạc với khác qua email về những gì liên quan, chứ không bao giờ dùng điện thoại hay message. Chú ý: có vài cơ sở có thể liên lạc với khách qua text message về món hàng hay dịch vụ nào đó mà bạn đang chờ đợi; họ làm điều này do sự ưng thuận của bạn trước đây. Nếu các bạn không hề đặt mua hàng trên mạng, thì biết chắc ngay đó là sự lừa gạt.
2. Tiền cho không! (Free prizes)
Người Mỹ có thành ngữ “too good to be true” để nói về những khoản tiền thưởng, giải thưởng hiện vật giá trị béo bở mà bạn không hề chi đồng xu nào để tham gia vào cuộc chơi. Ngày trước, các gia đình thường nhận những thư báo tin họ trúng thưởng chiếc xe 40 ngàn đô la, và yêu cầu gọi lại cho họ ở số điện thoại x-xx-xx. Mục đích là kéo dài điện đàm, chờ phút sơ hở của bạn để moi tin tức.
3. Giúp giải quyết nợ đi học (Student loan assistance)
Nhiều cú điện thoại nhắn sẽ giúp bạn hoàn trả món nợ vay khi đi học. Cẩn thận, nên truy dò xem có phải đó là cơ sở tài trợ hợp pháp không. Tốt nhất là không trả lời gì cả.
4. Giúp giải quyết trở ngại khi trả tiền (Payment processing problems)
Lời nhắn cho hay việc trả tiền của bạn không hoàn tất, yêu cầu bạn cho thêm chi tiết hay xác định vài chi tiết để họ thông qua việc chi trả. Nên nhớ, các cơ sở tài chánh, không bao giờ gửi message về chuyện này; hãy dùng điện thoại gọi trực tiếp đến cơ sở bạn đang có dịch vụ.
Làm sao để tránh bị lừa gạt?
1.- Dùng một phương tiện khác để tìm hiểu, xác định cái message. Gọi hay gửi điện thư ngay cho bạn bè, thân nhân, ngân hàng hay cơ sở dịch vụ liên quan xem có phải là chính họ gửi message cho mình hay không.
2.- Dè dặt tuyệt đối với những số điện thoại gọi đến mà bạn không biết, không có trong sổ điện thoại (contact list).
3.- Tốt hơn hết là không trả lời. Các cơ sở bạn có liên quan sẽ tìm các phương tiện khác để liên lạc với bạn trong trường hợp cần thiết. Khi biết các message là lừa gạt thì ngăn chặn (block) số điện thoại đó và xoá (delete) hết messages của họ.
B.- Lừa Gạt qua Điện Thoại (Phone Scam)
Kẻ gian sẽ làm mạo nhận những cơ sở với dịch vụ mà bạn có thể đang mong chờ. Có khi họ nói rất thân mật, có khi thúc bách; thường là thuyết phục cho bạn xiêu lòng. Mục đích của họ là moi móc tin tức cá nhân và làm tiền. Có các hình thức sau:
1.- Yểm Trợ Kỹ Thuật (Tech scam): Thường nhắm vào các cao niên là những người ít hiều biết về kỹ thuật computer. Họ đề nghị giúp giải quyết những trở ngại kỹ thuật mà bạn không rành.
2.- Giúp Giải Quyết các Món Nợ (Credit repair scams): Kẻ lừa đảo sẽ hứa giúp giải quyết những món nợ thẻ tín dụng và lấy lại tiền cho bạn.
3.- Lợi Dụng Lòng Nhân Ái (Charity scam): Kêu gọi lòng nhân ái của bạn đóng góp một khoản tiền để giúp đỡ cho những kẻ đang cần đến một cách rất khẩn thiết .
4.- Gia Hạn Bảo Hiểm Xe (Extended car warranty): Nhằm thuyết phục bạn mua những khoản bảo hiểm không cần thiết hoặc rất cao giá.
Làm sao để tránh bị lừa gạt?
1.- Không bấm nhận phone lạ gọi tới, cứ để cho nó reo đến khi ngừng reo. Nếu bạn bấm nút tắt hay bắt phone, bạn vô tình cho kẻ gian biết họ đã gọi đúng bạn và từ đó, bạn sẽ bị tiếp tục nhận những cú gọi từ máy đã set sẵn (robocall).
2.- Dùng cách “block” chặn số điện thoại, không cho họ gọi các lần sau.
3.- Chớ quá tin vào “caller ID” vì kẻ gian cũng rất thông minh. Họ có thể tạo một ID có vẻ lương thiện.
C. - Web Scam
Bọn gian sử dụng các dịch vụ internet và software nhằm moi tiền bạc và tin tức cá nhân.
1.- Tạo trang web công ty không có thật (fake commerce sites) để gạt khách mua những thứ hàng phẩm chất tồi không đáng giá; hoặc lấy tiền người mua rồi không gửi hàng. Những loại lừa gạt này cũng thấy xuất hiện trên facebook và ngay cả trên các đài truyền hình.
2.- Lừa gạt về thẻ tín dụng (Credit card fraud). Kẻ gian sẽ hỏi các bạn chi tiết về thẻ tín dụng của bạn để tiến hành việc giao dịch trên mạng với họ.
3.- Dùng Malware (viruses, spyware, worms, trojans, vân vân) gài vào máy bạn nhằm xâm nhập phá hủy máy computer của bạn vì lý do nào đó (thù ghét chính trị).
Làm sao để tránh?
1.- Nên nhớ vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Bọn gian cũng tiến theo đà tiến của khoa học, vì thế phải thường xuyên cập nhật (update) những software (Operating System, web browsers, apps…) trong máy computer. Máy computer luôn phải được bảo vệ bởi các lập trình bảo vệ (antivirus, internet security) như McAfee, Norton….
2.- Chỉ mua hàng trên mạng với những công ty có uy tín. Nếu bạn có McAfee, McAfee Web Advisor sẽ giúp bạn biết những website nào là an toàn khi bạn muốn vào trang web đó.
D.- Phishing Scams.
Chữ Phishing này khó dịch, chỉ có thể giải thích là một cách mà bọn gian mạo danh những công ty khả tín nhằm gạt bạn cung cấp cho chúng tin tức về cá nhân, thẻ tín dụng, ký danh (ID), mật khẩu … Bọn gian này sử dụng emails, những pop ups đột ngột hiện ra trên trang web và ngay cả các ứng dụng trên cell phone (mobile apps). Những cách phishing thường gặp:
1.- Qua cell phone (mobile phish). Bọn gian tạo ra những ứng dụng (apps) giả để khi bạn gài (download) vào cell phone, chúng lấy lý lịch cá nhân chứa sẵn trong bộ nhớ của cell phone bạn hoặc gửi đến bạn những messages có kèm những cái links rất nguy hiểm.
2.- Hình thức chia sẻ hồ sơ và ký tên trên mạng (File sharing & DocuSign). Bọn gian gửi lời yêu cầu bạn tham gia vào cái Dropbox và Docusign để bạn có thể vướng bẫy và mở ra những links nguy hại. Dropbox là một hình thức mà chúng ta có thể chia sẻ cho bạn bè những hồ sơ lớn mà không thể gửi kèm qua các email
3.- Tham khảo ý kiến (Surveys). Chúng gửi ra những câu hỏi để tham khảo ý kiến của bạn về một vấn đề xã hội, chính trị, hay về những món hàng nào đó. Thường có kèm những cái link để lừa bạn bấm vào đó. Nếu bạn bấm vào link, máy computer bị xâm nhập bởi các malwares.
4.- Mạo xưng. Bọn gian gửi email như thể gửi ra từ ban giám đốc tổ chức của bạn để hỏi về những tin tức tế nhị như mức lương, tài khoản, số anh sinh xã hội, hồ sơ khách hàng…
5.- Tìm bạn tình (The romance scam). Thường xảy ra trên mạng, qua điện thoại khi kẻ gian tự tạo một account giả mạo rao trên mạng tìm bạn tình, có khi mạo nhận là bạn trong nhóm bạn của các bạn trên trang mạng xã hội. Dần dần chúng sẽ đi đến việc xin tiền hay những món quà đắt giá. Việc này thấy vậy mà rất quyến rũ, dễ lừa gạt những kẻ nhẹ dạ, háo sắc.
6.- Gửi những đính kèm với lời thúc bách (The urgent email attachment). Bọn gian gửi email yêu cầu bạn mở hồ sơ đính kèm để xác nhận điều gì đó (ví dụ: món hàng được giao, chương trình một chuyến du lịch, một sự trúng giải…)
Cách nào để tránh:
1.- Trước khi trả lời một message, hãy đặt câu hỏi “Tôi có biết người này không?” Bạn có biết rõ tên và địa chỉ email của người này, Ngay cả khi bạn đang trò chuyện với nhân viên một cơ sở mà bạn có liên quan, luôn đặt câu hỏi rằng người ta có hỏi mình quá nhiều tin tức cần thiết hay không? Cái link họ gửi kèm có hợp pháp không (dùng con chuột rà mũi tên vào cái link (khoan bấm đã) và xem địa chỉ trang web nó hiện lên bên trái ở dưới monitor. Nếu nó hiện lên những dãy chữ hay số kỳ lạ thì đúng là cái link nguy hiểm)
Nếu những câu nói hay viết trong ‘chat, message’ sai văn phạm, thì có xác suất cao là bọn gian đang từ các nước ngoài (phần lớn là từ Phi Châu)
2.- Khi cần nhập (log in) vào trang web của công ty, cơ sở mình giao dịch, nên kiểm soát thật kỹ cái địa chỉ trang web thật chính xác (nên bookmark các link này vào web browser, save luôn các password cho tiện dụng và an toàn)
3.- Đặt câu hỏi “Is it too good to be true?” đối với những lời dụ dỗ các thứ cho không hay giá quá hời.
D.- Lừa gạt qua điện thư (Email Scams)
Lừa gạt qua điện thư là hình thức thông dụng nhất. Bọn gian thường gửi ra những điện thư trông có vẻ rất hợp pháp. Chúng có thể mạo danh những công ty không xa lạ với bạn để khai thác tin tức tài chánh và cá nhân của bạn. .
1.- Các giải thưởng (lottery scam), đề nghị giúp chuyển số tiền lớn có khi từ ngoại quốc - đa số từ Phi Châu - mà điều kiện để nhận là bạn phải trả trước một số tiền làm sở phí.
2.- Tham khảo (cũng như đã nói ở phần D)
3.- Dịch vụ tài chánh (Banking scam). Rất thường gặp khi bạn nhận điện thư loan báo có những trở ngại, thiếu sót trong hồ sơ ngân hàng, Paypal mà bạn cần phải điều chỉnh ngay.
Bạn sẽ bị chúng lừa bấm vào một cái link vào một trang web giả mạo rồi dùng ID và password của bạn để ký nhập. Thế là chúng có được các thứ này rồi dễ dàng dùng đánh cắp lấy tiền trong ngân hàng hay Paypal của bạn.
Cách tránh né:
1.- Nếu bạn không có dịch vụ với các công ty này hay không hề yêu cầu họ về bất cứ gì thì tuyệt đối không bấm vào các links hay tham gia vào cuộc tham khảo ý kiến.
2.- Xem kỹ địa chỉ email của người gửi có phù hợp với nội dung trong thư không. Nếu không, tránh ngay, xóa ngay mà không trả lời hay làm gì khác.
3.- Tránh ngay những thư mà lời chào hỏi có vẻ ‘tổng quát’ (ví dụ: “Dear valued customer” thay vì viết đích danh bạn.
4.- Xem cái link có hợp pháp không ( Đã nói ở phần D trên)
E.- Lừa gạt trên mạng (Online
Scams)
Loại này thường thấy trên mạng, có khi cũng thấy ở những phương tiện khác.
1.- Trúng giải (Prize scams) Như phần D-1 nói trên.
2.- Quyên tiền đầu tư (Crowdfunding scams). Người khởi xướng việc này hứa hẹn nếu bạn góp một phần đầu tư vào dự án, sau này sẽ nhận một khoản tiền lời (return). Bạn có tin họ không?
3.- Dịch vụ “tiền ảo” (Payment through cryptocurrency). Nhiều vụ lừa gạt lớn nhất nhì thế kỷ này đã bị phanh phui (tháng 11 năm 2022) với hàng triệu nạn nhân trên khắp toàn cầu mất trắng hàng chục tỉ đô la qua các dịch vụ tiền ảo.
Cách tránh:
Không bao giờ gửi tiền hay thẻ tiền (gift cards) cho một người mà bạn chưa hề gặp.
Tìm hiểu ngọn ngành về những chiến dịch crowdfunding để xem các phản ứng (feedback) của những người khác để xem cơ sở quyên tiền này có hoàn trả như đã hứa hay không.
F.- Lừa Gạt các Bậc Cao Niên (Senior Citizen Scams).
Cơ quan Điều Tra Liên Bang (FBI) có lập một danh sách những tổ chức lừa gạt nhắm vào các vị cao tuổi. Các kiểu lừa gạt:
1.- Giả mạo là con cháu để xin tiền cho những như cầu khẩn cấp.
2.- Tìm bạn tâm giao. Nhắm vào nhu cầu tình cảm của các cụ già cô đơn, bọn gian giả mạo người khác giới tính xin kết bạn tâm tình, hẹn hò qua các trang mạng xã hội, trang web tìm bạn tình (dating website)
3.- Giúp đỡ kỹ thuật (Tech support scam). Bọn gian giả mạo chuyên viên kỹ thuật để giúp sửa chữa các trục trặc không hề có trong computer các cụ. Chúng sẽ thâm nhập vào máy các cụ (remote access) để lấy tài liệu cá nhân, gửi biên lại đòi tiền cho những việc mà các cụ không cần đến, và bọn gian cũng chẳng hề làm.
4.- Giả mạo công quyền (Government impersonation scam). Bọn gian mạo nhận là nhân viên công lực đe doạ sẽ bắt giữ hay đưa ra toà nếu bạn không chịu trả tiền nợ nào đó. Dĩ nhiên, bạn không nợ ai thì chẳng có gì phải sợ. Nhưng trong đời, ai cũng có dính món nợ nào đó, nên thường hoảng hốt, thiếu suy nghĩ mà lầm kế gian. Nhất là các cụ mà tâm trí không còn minh mẫn nữa.
Bạn sẽ phải làm gì khi gặp các trường hợp trên?
- Chống lại các áp lực buộc minh phản ứng ngay một cách thiếu suy nghĩ vì bọn gian nắm vững tâm lý hốt hoảng của nạn nhân mà thúc bách liên tục. Sáng suốt, suy nghĩ cặn kẽ để phân biệt gian ngay. Chấm dứt chuyện trò với bọn gian.
Nói chung:
- Cẩn thận phân định những cú điện thoại, điện thư mình không mong đợi.
- Không bao giờ tiết lộ các tin tức liên quan cá nhân, tài chánh cho người lạ.
- Không bao giờ gửi tiền, vàng bạc, thẻ gift cards, chi phiếu hay tin tức về tín dụng cho những người hay những cơ sở mà bạn không biết.
- Chỉ dùng các lập trình bảo vệ máy tính(anti-virus software) có mức khả tín cao.
- Rất cẩn thận mỗi khi download các hồ sơ từ trên web.
- Không bao giờ mở ra đọc những email gửi từ ngươi bạn không hề quen biết. Nhất là không động chạm đến những hồ sơ đính kèm theo email (attachment)
- Trong trường hợp bạn nghĩ rằng kẻ gian tìm cách lừa gạt, hãy thông báo ngay cho cơ quan FBI qua trang web FBI’s Internet Crime Complaint . https://www.ic3.gov/
- Ghi danh số điện thoại của mình (register your phone) vào trang web của Federal Trade Commission để báo cáo mỗi lần nhận các cú điện thoại mình không muốn nhận (report unwanted calls) cho https://www.donotcall.gov/
- Báo cáo cho các cơ sở dịch vụ mà các bạn đang sử dụng. ví dụ: spoofing@amazon.com, spoof@paypal.com.
Kính chúc các bạn may mắn.
Đỗ Văn Phúc/nguoiphuongnam