Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Những điều nghịch lý



      1.  Tình Người
Tới  trại, lên gặp phái đoàn  phỏng vấn, khăng khăng nói mình là người tỵ nạn chính trị.
Định cư,  được “quê hương thứ hai” tận tình giúp đỡ để xây dựng lại cuộc sống, con cái được nuôi ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.
Trở vế lại VN, nói rằng cuộc sống ở “quê hương thứ hai” rất buồn vì “thiếu tình người"!!??
          
      2. Trù dập:
Bài giảng Pháp của một Ni Sư ở VN, được thu vào đĩa và được truyền tay, đề cập đến câu chuyện của một thiếu nữ vừa đạt được vương miện hoa hậu tại Mỹ (không nghe nêu tên gì và năm nào). Sau khi đoạt chức hoa hậu thì cô nầy liền bị đánh rớt trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông do sự ganh tỵ của các cô giáo. Tìm việc làm thì  không có ông nào dám nhận vì bị các bà vợ không phê chuẩn, vì “ghen”…

Có lắm điều chướng tai gai mắt ở gần bên mà sao không nghe lên tiếng, cớ gì lại nói toàn “chuyện tưởng tượng” tận xứ trời Âu như vậy, làm sao mà người nghe có thể  tin vào bài giảng pháp của mình nữa!? Hay là giả tu để phá đạo!?
 
       3. Hy sinh suốt đời:

     -  Các bậc cha mẹ VN luôn tự hào và thường nhắc nhở câu nói “suốt đời hy sinh cho con cháu”
Tới tuổi già, dù sức khỏe vẫn còn nhưng lại muốn được con cháu săn sóc, muốn con cháu phải trả ơn bằng tiền bạc (dù cha mẹ vẫn có tiền riêng, nhưng bởi muốn cho người khác biết con mình đang trả hiếu?)
          -  Các bậc cha mẹ Tây phương, không bao giờ nhận là "suốt đời hy sinh cho con cái". Họ sinh con, nuôi con lớn, khi các con có công ăn việc làm, có gia đình riêng tư thì họ bắt đầu cuộc sống độc lập không muốn lệ thuộc, không muốn làm phiền đến con cái. Họ cố gắng giữ gìn sức khỏe bản thân, tìm vui với cái vui của tuổi già cho tới khi không tự chăm sóc được bản thân thì họ vào nhà dưỡng lão. Họ muốn con cái của họ có niềm vui riêng và có đủ thì giờ để lo lắng cho những đứa cháu mình.
Như thế thì ai mới là người  suốt đời hy sinh cho con cháu!?
  
       4. Nhớ quê: 

Có ai xa nhà mà không nhớ nhà, có ai xa quê mà lại không nhớ quê!                       
    
    -  Cớ gì không chịu dọn về sống luôn bên đó cho hết nhớ, mà lắm người cứ mãi làm thơ để ca tụng “nỗi nhớ quê nhà”!?
     
    -  Có biết bao người thân, người bạn bên đó đang đói khổ, có mấy ai làm thơ nhớ họ, chẳng lẽ họ không là một phần của quê hương mình!?
Tại sao!?
Dối lòng chăng!?

      5. Văn hóa Đông và Tây:
     - Nhiều người Việt khi thấy một đứa trẻ Tây phương gọi cảnh sát đến can thiệp một khi bị cha /mẹ của nó hành hung. Cha/mẹ có thể gặp rắc rối vế mặt pháp luật và mất quyền nuôi con. Kết luận rằng, luật pháp Tây phương can thiệp vào chuyện gia đình riêng tư, văn hóa Tây phương không dạy cho con trẻ phải biết tôn trọng cha mẹ! 
          
     -  Người Tây phương chứng kiến một đứa trẻ VN bị chửi mắng ,đánh dập bởi người cha "sáng xĩn chiều say" của nó thì lại cho rằng, luật pháp & văn hóa Đông phương không bảo vệ đứa trẻ!?
     
    Đinh Tấn Khương/quinhon11_______________________________________