Nước gừng đang trở thành thức uống xu hướng trên mạng xã hội với tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, chống cảm cúm và giảm buồn nôn.
Đây cũng là thức uống yêu thích của các nữ diễn viên nổi tiếng Selena Gomez, Eva Longoria và Anna Kendrick. Các đầu bếp trên thế giới cũng sử dụng gừng trong các món ăn để kích thích vị giác của thực khách.
Trong nhiều thế kỷ, các bác sĩ y học cổ truyền Ayurveda Ấn Độ đã dùng gừng để điều trị buồn nôn, cảm lạnh, viêm khớp, đau bụng kinh và say xe.
Theo chuyên gia Ayurvedic Bharti Raghav ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), mạng xã hội đã giúp nước gừng trở nên phổ biến.
"Trong đại dịch Covid-19, nước ép từ rễ gừng tươi trở nên rất phổ biến vì mọi người đều muốn tăng cường khả năng miễn dịch của mình", cô nói.
Nước gừng có tác dụng chống viêm hiệu quả. Vì vậy, trong y học Ayurvedic gừng được dùng để chữa viêm khớp dạng thấp, rối loạn đường ruột, hen suyễn và thậm chí một số bệnh ung thư.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho rằng nước gừng hỗ trợ giảm cân. Theo cô Raghav, uống nước gừng vào buổi sáng là cách tuyệt vời để khởi động cơ thể.
"Nó giúp tăng cường trao đổi chất, kích thích sự thèm ăn trước bữa sáng và làm thức ăn ngon miệng hơn", cô nói thêm.
Công thức nước gừng của Raghav bao gồm nước dừa hoặc nước lọc, gừng đã gọt vỏ, một thìa cà phê nước cốt chanh và mật ong. “Hãy uống nước gừng mỗi ngày, tốt nhất là khi bụng đói”, cô khuyên.
Một số người thích thêm rau mùi, bạc hà và bột bạch đậu khấu để tăng hương vị của thức uống này.
Kamla Priya, 66 tuổi, nội trợ tại Bangalore, cho biết nước gừng bạc hà đã thay thế cà phê buổi sáng của bà trong thời kỳ đại dịch. “Nó giúp tôi cảm thấy khỏe hơn và giữ ấm cơ thể từ bên trong”, bà nói.
Priya nói thêm gừng luôn là nguyên liệu ưa chuộng của gia đình bà để nấu ăn, pha trà cũng như các loại đồ uống khác.
Gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: SCMP).
"Nhiều người mua nước gừng nhưng tôi thích tự pha ở nhà vì nó rẻ hơn, tươi hơn và đảm bảo chất lượng", bà nói.
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Nutrition cho thấy kết hợp gừng vào chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạn tính hoặc huyết áp cao.
Các nhà nghiên cứu viết: “Gừng có khả năng ngăn ngừa cao huyết áp và bệnh tim mạch vành. Xác suất mắc bệnh giảm khi lượng gừng nạp vào cơ thể tăng”.
Hợp chất hoạt tính sinh học chính của gừng là gingerol. Các chuyên gia cho rằng đó là chìa khóa mang lại lợi ích y học và tiềm năng điều trị của gừng.
Chuyên gia dinh dưỡng Aditi Pathak ở Mumbai cho biết: “Gingerol có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột. Gừng tươi chứa nhiều gingerol hơn gừng khô”.
Trong những năm gần đây, đặc tính chống ung thư của gừng và tác dụng của gừng trong giảm buồn nôn, mệt mỏi do hóa trị liệu cũng đã được nghiên cứu.
Gừng cũng giúp trị ho và cảm lạnh nên nó trở thành một bài thuốc hiệu quả trong mùa cúm. Ngoài ra, nó cũng là một nguồn cung cấp vitamin C, kali, magie, canxi và phốt pho giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra vai trò đặc tính chống viêm của gừng trong việc chống lại hoặc làm giảm các triệu chứng của các bệnh như hen suyễn, dị ứng, tiểu đường, viêm đại tràng và bệnh Alzheimer.
Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng năm 2009 trên Journal of Complementary and Alternative Medicine cho thấy gừng có thể mang lại hiệu quả tương tự thuốc giảm đau ibuprofen và axit mefenamic trong việc giảm đau bụng kinh. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu quả của gừng trong giảm đau xương khớp và các triệu chứng.
Nước gừng là thức uống lành mạnh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nếu vị gừng quá đậm, hãy thêm nước cốt chanh để cân bằng. Điều này cũng sẽ làm tăng thêm lợi ích của nó.
Chanh giúp duy trì cân bằng độ pH của cơ thể và tăng cường sức khỏe răng miệng. Nó cũng có vitamin C tăng cường miễn dịch, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và cúm, đồng thời chứa chất chống oxy hóa để giải độc gan.
Khoahoc.tv
----------------------------------------------------------------
Đoc thêm