Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Những tấm lòng vàng

Bác sĩ NHÂT Hattori Tadashi  : Chuyện thật tưởng như THẦN THOAI !

See the source image

Định đến Việt Nam 3 tháng, bác sĩ Hattori đã đi 20 năm, đem lại ánh sáng cho gần 20.000 người.

Trong suốt thời gian 1/3 cuộc đời này, bác sĩ Hattori Tadashi đã không lấy bất cứ tiền công nào, thậm chí còn bỏ tiền túi cho người bệnh .

Chiều tối  26/10/2022, trong khuôn viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, một nhóm khoảng 20 người cả Việt Nam lẫn Nhật Bản đang đứng quanh một người đàn ông da ngăm, gương mặt và mái tóc đã nhuốm màu thời gian.

Ông chính là giáo sư, bác sĩ Hattori Tadashi, một trong bốn người vừa nhận được Giải thưởng Ramon Magsaysay 2022, thường được gọi là "Giải Nobel của châu Á" do Quỹ Rockefeller Brothers tài trợ.

Họ vinh danh vị bác sĩ Nhật Bản vì đã tham gia phẫu thuật và điều trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân có nguy cơ mù lòa tại Việt Nam kể từ năm 2002. Không chỉ không nhận tiền công, bác sĩ Hattori còn tự bỏ tiền túi để chi trả cho các bệnh nhân khó khăn tiền bạc và hỗ trợ một số bệnh viện Việt Nam các trang thiết bị y tế về nhãn khoa.

Bỏ việc lương cao, dành tiền mua nhà cho bệnh nhân Việt Nam

Bác sĩ Hattori vẫn nhớ như in cơ duyên đưa ông đến Việt Nam: tháng 10-2001, Trường đại học Y khoa Kyoto, nơi ông từng theo học, tổ chức một hội nghị. Tại đây ông đã gặp một bác sĩ Việt Nam, người đã đề nghị ông đến Việt Nam phẫu thuật mắt giúp các bệnh nhân khó khăn và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ địa phương.

Sau nửa năm suy nghĩ, bác sĩ Hattori quyết định xin nghỉ việc tại một bệnh viện lương cao và lên đường sang Việt Nam với tâm thế chỉ đi tình nguyện trong ba tháng, từ tháng 4-2002 đến hết tháng 6 cùng năm.


Nhưng những gì ông chứng kiến ở Việt Nam đã níu chân vị bác sĩ.

"Tôi đã rất bất ngờ khi thấy nhiều bệnh nhân đã mất đi một mắt từ lâu, chỉ khi mắt còn lại bị bong võng mạc hay gì đó khiến họ không nhìn thấy gì mới đến bệnh viện khám. Có trường hợp nếu không phẫu thuật thì không thể cứu được nhưng bệnh nhân cứ nhất quyết về nhà vì không có tiền phẫu thuật.

Tôi thực sự rất đau lòng khi đối mặt với thực tế không thể cứu được bệnh nhân trong khi bản thân mình có thể làm được chỉ vì thiếu vật tư và thiết bị phẫu thuật", bác sĩ Hattori chia sẻ tại buổi tiệc nhỏ ở Đại sứ quán Nhật tối 26-10.

Trở về Nhật Bản, bác sĩ Hattori vẫn đau đáu với những gì đã thấy ở Việt Nam. Ông tìm đến một công ty bán thiết bị y tế quen biết nhưng bị khước từ vì ông đã xin nghỉ việc ở bệnh viện nổi tiếng.

Thất bại với người ngoài, bác sĩ Hattori bắt đầu chuyển sang người trong nhà chính là vợ mình, người đã phản đối ông tham gia chuyến đi tình nguyện đến Việt Nam. Không nghĩ gì nhiều đến bản thân, ông đề nghị vợ sử dụng số tiền mấy triệu yen mà cả hai đã tích cóp để mua căn hộ chung cư cho các bệnh nhân Việt Nam.

"Tôi bảo với vợ: Anh có thể sống trong một căn nhà thuê cũng được, nhưng nếu không được phẫu thuật ngay, bệnh nhân có thể sẽ bị mù. Nếu dùng số tiền này mua kính nội soi mắt và dụng cụ y tế mới nhất thì một năm cũng có thể cứu được hơn 2.000 người, làm được cả những ca phẫu thuật khó. Vì vậy hãy cho phép anh sử dụng số tiền ấy", bác sĩ Hattori kể lại.

Lần thứ hai quay trở lại Việt Nam, đi cùng với bác sĩ Hattori là những thiết bị, vật tư y tế mà nhờ đó số người được phẫu thuật đã tăng lên nhanh chóng.
 

"Chạy show" tại Nhật vì Việt Nam

Nhưng tiền tích lũy rồi cũng cạn dần. Để tiếp tục theo đuổi mục tiêu giúp đỡ bệnh nhân khó khăn ở Việt Nam, bác sĩ Hattori bắt đầu di chuyển như con thoi giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Cứ sau hai tuần ở Việt Nam, ông lại trở về Nhật Bản làm việc cật lực để tích cóp tiền mua nhà chung cư và dành các khoản còn lại để mua trang thiết bị y tế phẫu thuật giúp bệnh nhân ở Việt Nam.

Trong một bộ phim tài liệu ngắn do Nhật Bản sản xuất, Hattori hành nghề với tư cách là một bác sĩ tự do - tức không thuộc về một bệnh viện nào. Trong hai tuần ở Nhật Bản, ông liên tục "chạy show" để thực hiện các ca phẫu thuật ở các bệnh viện thuộc nhiều tỉnh.

Những hộp cơm bento trong cửa hàng tiện lợi và qua đêm trên xe lửa trở nên quen thuộc với ông. "Hồi nhỏ tôi thích xe lửa lắm. Lúc còn học tiểu học tôi còn ước sau này sẽ trở thành người lái xe lửa nữa", vị bác sĩ nhớ lại.

Sau một lần cùng đồng nghiệp Việt Nam xuống vùng nông thôn khám mắt cho người dân, bác sĩ Hattori quyết định dành những ngày cuối tuần dậy thật sớm đến các vùng xa xôi hẻo lánh để khám, phẫu thuật và điều trị cho những người bị đục thủy tinh thể nhưng thiếu tiền.

Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, những người cần phẫu thuật được tập hợp đầy đủ và sớm nhìn thấy lại ánh sáng nhờ bàn tay của bác sĩ Hattori mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào.

Số lượng bác sĩ tham gia hoạt động thiện nguyện này dần tăng lên và hiện có năm bác sĩ cùng một số nhân viên cơ yếu khác. Hoạt động của nhóm dần nhận được sự chú ý, mở đường cho sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

"Các ca phẫu thuật do học trò của tôi thực hiện đã vượt xa mốc 100.000 người. Tôi tin bằng cách đào tạo một người, nhiều người khác sẽ được giúp đỡ. Tôi mong học trò phải là người giỏi hơn mình nên đã hết lòng hướng dẫn các bác sĩ trẻ.

Đôi khi có xảy ra tranh cãi nhưng vì là đất khách nên tôi thường nhường nhịn. Từ bỏ niềm kiêu hãnh của mình mà mọi việc được suôn sẻ thì cũng không sao. Các học trò của tôi phải cam kết truyền thụ lại những gì đã được học cho thế hệ sau", bác sĩ Hattori kết thúc câu chuyện trong tiếng vỗ tay thán phục của những người có mặt tại Đại sứ quán Nhật tối 26-10.

Nguồn : Tuổi Trẻ