Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Cảnh báo hàng loạt loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống

Theo bác sĩ, có nhiều nguy hại từ ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống khi ngộ độc nặng có thể gây khó thở, co giật, đe dọa tính mạng.

 

See the source image

                                                           Ma túy đá ngụy trang trong lô hàng quà biếu gửi về Việt Nam

Thời gian gần đây, nhiều loại ma túy ngụy trang dưới dạng đồ ăn, thức uống đang trở thành mối hiểm họa len lỏi vào học đường. Điều đáng nói, nhìn bề ngoài bao bì sản phẩm, hầu hết mọi người đều cho rằng đây là gói nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường chứ không phải ma túy.

Người dùng cũng không cần dụng cụ mà có thể sử dụng ở bất cứ đâu, không cần kín đáo, che giấu.

Vì vậy, ma túy tổng hợp dễ dàng xâm nhập vào học đường, khu vui chơi, quán bar… với tác hại khôn lường mà cơ quan chức năng khó phát hiện, ngăn chặn.

Những triệu chứng dễ nhận biết khi dùng ma túy, cần sa

Cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện, thường được sử dụng bằng cách cuốn vào tờ giấy trắng hoặc nhồi trong điếu thuốc lá, điếu thuốc lào để hút.

Trong cần sa có chứa một số cannabinoid với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não, có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng.

Ngoài ra, THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).

Cảnh báo hàng loạt loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống - Ảnh 1.

Nhiều loại ma túy mới núp bóng thực phẩm chức năng và đồ uống, bánh kẹo được công anh cảnh báo.

Khi sử dụng cần sa, người dùng thường có triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh thậm chí có những hành vi và hành động tiêu cực tự gây hại cho mình và người khác.

Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, sốc đe dọa tính mạng.

Cảnh báo loạt loại kẹo, nước giải khát chứa ma túy

Mới đây, Công an TP Hà Nội đưa ra cảnh báo, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống... là thủ đoạn tinh vi của tội phạm, nhằm che giấu cơ quan chức năng, để vận chuyển, mua bán trót lọt.

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tại thời điểm hiện tại có tổng cộng có tới 559 chất được đưa vào danh mục là chất ma túy. Với sự ra đời ngày càng nhiều loại ma túy, danh mục ma túy chắc chắn sẽ được bổ sung.

Người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại hàng hóa này, biết là ma túy nhưng khi bị bắt, thường khai nhận không biết nhằm chối tội.

Tháng 10/2020, Công an quận 5 (TP Hồ Chí Minh) phát hiện vụ mua bán trái phép loại ma túy mới tên Bromazepam, ngụy trang trong gói nilon có dòng chữ "Crispy Fruit Mango", còn gọi là "nước xoài", bên trong chứa bột màu vàng. Loại bột này pha vào nước để uống sẽ tạo ảo giác, nâng cao khả năng sinh lý, mục đích nhắm vào giới trẻ...

"Crispy Fruit Mango" có chứa Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ).

Gần đây, một loại ma túy mới, thường được các đối tượng gọi là "nước vui" và được đóng thành từng gói bột nhỏ với bao bì có hình ảnh, màu sắc bắt mắt, đã bị lực lượng chức năng tại các tỉnh như Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển.

Đáng lưu ý, chai "nước vui" nhỏ, gọn, chỉ có chiều cao 10,5cm, đường kính 5cm nên có thể dễ dàng mang tới các tụ điểm để bán cho dân chơi. Chỉ cần một giọt nhỏ "nước vui" được pha vào các loại nước giải khát đã có thể giúp người nghiện đạt đến độ "phê" chỉ trong thời gian ngắn.

"Nước vui" chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ), là chất được tạo nên bởi tiền chất Gammabutyro lactone (GBL). Nhiều dạng ma túy "núp bóng" dưới tên các loại nước khác như "nước nho" Ribena chứa ketamin, "trà chanh", nước giải khát "Tropicana Twister" chứa chất ma túy (Ketamin, MDMA).

Đây là một dạng ma túy tổng hợp, có thể hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.

Cảnh báo hàng loạt loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống - Ảnh 2.

"Nước vui "có ma túy.

Cảnh báo hàng loạt loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống - Ảnh 3.

Loại kẹo chứa cần sa.

Bên cạnh các loại ma túy tổng hợp "núp bóng" dưới dạng các loại nước giải khát, còn xuất hiện các loại ma túy được ngụy trang dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử, thảo mộc.

Được biết, thực phẩm (các loại bánh, kẹo) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép ở một số nước trên thế giới, các loại này được sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.

Trong thời gian qua, các đối tượng lợi dụng, lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đối tượng mua kẹo từ siêu thị ở Mỹ mang về cho người thân sử dụng nhưng không nói rõ là có chứa chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn, dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng…

Cảnh báo hàng loạt loại ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm, nước uống - Ảnh 4.

"Nước nho ma túy" là loại ma túy mới xuất hiện tại Đà Nẵng. Ảnh: Hải Định.

Hay như vụ một nhóm học sinh tại Hoành Bồ, Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma túy, bị ngộ độc phải cấp cứu (tháng 10/2021); vụ sử dụng socola nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ) tại Đông Anh, Hà Nội (tháng 6/2022).

Nhiều loại ma túy tổng hợp "mới xuất hiện" được các đối tượng tẩm vào thảo mộc rồi đóng gói dưới dạng "điếu thuốc lá" (tiếng "lóng" là thuốc lá thơm, hoặc thuốc lá tobacco) có nhãn hiệu như: Amsterdam, Dominix...

Đáng lưu ý, một số loại được sản xuất và đóng gói dạng sợi thuốc lá cuốn nhưng ngụy trang bằng nhãn hiệu thuốc lá bình thường như Marlboro… Ngoài ra, một số loại không đóng nhãn mác nhưng đóng túi như gói thuốc lào bình thường. Về cảm quan thông thường không phân biệt được những loại thảo mộc tẩm ma túy này với thuốc lá hoặc thuốc lào.

Tháng 9 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội (zalo, telegram…) liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship cod, phần mềm… với mặt hàng là chất ma túy tẩm trong thuốc lá điện tử, thảo mộc, hiện đang được giới trẻ ưa chuộng.

(theo soha.vn)