Cụ Lý Khánh Viễn cuối cùng bảo cho mọi người biết rằng: Đói rét ngứa đau, cha mẹ không thể làm giúp, già yếu bệnh chết, vợ con chẳng thể chịu thay. Chỉ có Đạo yêu quý giữ gìn mình mới là phép tắc và cốt lõi của dưỡng sinh…

Lý Khánh Viễn (1677 – 1933) hưởng thọ 256 tuổi. Cụ vốn là nhà y dược học Đông y cuối thời nhà Thanh, đầu thời Dân Quốc, và cũng là người trường thọ nổi tiếng trên thế giới. Khi 100 tuổi, do có những thành tựu xuất sắc về y dược nên cụ đã được chính quyền trao thưởng đặc biệt. Khi 200 tuổi, cụ vẫn thường đến Đại học giảng dạy. Trong thời gian này, cụ đã tiếp rất nhiều các học giả phương Tây đến thăm.

Năm 1933, cụ Lý Khánh Viễn rời xa nhân thế ở tuổi 256. Cụ có 24 vợ, 180 con cháu. Tờ “Thời báo New York” và “Tạp chí Thời đại” đương thời đều đăng bài về cụ. Cụ sinh vào năm Khang Hy thứ 16 nhà Thanh (năm 1677), lần lượt trải qua 9 đời hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính, Càn Khôn, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống, và thời Dân Quốc. Cụ tại thế 256 năm, là người trường thọ cực kỳ hiếm thấy trên thế giới.

Bí quyết trường thọ

“Giữ một tâm thái bình lặng, ngồi như rùa, đi như chim sẻ, ngủ như chó cún”– Đây chính là bí quyết trường thọ mà cụ Lý Khánh Viễn để lại cho hậu nhân. Cụ cho rằng, giữ được tâm thái bình lặng, yên tĩnh là điều bắt buộc để trường thọ. Ăn uống hàng ngày của cụ chủ yếu là cơm và một chút rượu nho.

Cụ cho rằng có 3 nguyên nhân giúp mình khỏe mạnh trường thọ, đó là:

  1. Ăn chay trường.
  2. Tĩnh tâm, vui vẻ cởi mở.
  3. Quanh năm đun cẩu khởi (còn gọi là câu kỷ tử, câu kỷ, kỷ tử) làm nước uống thay trà.

 

Cuộc đời Lý Khánh Viễn

Lý Khánh Viễn quê gốc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Năm 90 tuổi đến định cư ở huyện Khai, tỉnh Tứ Xuyên và ở đó cho đến lúc qua đời, cụ quả thực là “con cháu đầy nhà”.

Do Lý Khánh Viễn có trình độ và thành tựu phi thường về y dược Đông y, nhất là về dưỡng thân, khỏe người, nên cụ được mọi người ca ngợi, gọi là “Thần Tiên”. Trong huyện tịch huyện Khai tỉnh Tứ Xuyên có ghi chép, Lưu Thành Huân đã đến thăm cụ vào năm 1925. Bài viết hồi ức của Lưu Thành Huân được đăng trên tạp chí “Khí công” kỳ thứ 6 năm 1986. Đồng thời còn đăng lời tự thuật của Lý Khánh Viễn – khoảng 1000 chữ về “bí quyết trường sinh bất lão”. Sau khi cụ qua đời, một số báo chí ở Bắc Kinh đã đưa tin với tiêu đề: “Người trường thọ nhất trên trái đất”.

Khi còn sống, Lý Khánh Viễn đặc biệt thích câu nói của Lục Lũng Kỳ – học giả đời nhà Thanh rằng: “Đủ củi đủ gạo, không lo không nghĩ, sớm nộp thóc quan, không kinh không nhục, không thiếu nợ người ta để có lợi, không vào cửa hiệu cầm cố, chỉ dùng trà nhạt cơm nhạt, là có thể trường thọ”. Cả đời Lý Khánh Viễn tuân thủ theo “bí quyết” này, cụ nói: “Đây thực sự là bí quyết trường sinh, là phương châm trường thọ. Có được nó thì có thể trường sinh, không cần hái linh dược, luyện kim đan làm gì”.

Lý Khánh Viễn cho rằng, thọ mệnh của con người có dài có ngắn, đó là do nguyên khí làm chủ. Nguyên khí, là nhận từ tiên thiên và nhờ vào dinh dưỡng hậu thiên bồi bổ. Cụ đã ví von hình tượng việc giữ gìn và không giữ gìn nguyên khí với vị trí để ngọn nến. Nếu để ngọn nến đã thắp vào trong cái chụp thì thời gian cháy sẽ dài. Nếu để ngọn nến đó trong mưa gió thì thời gian cháy ắt sẽ ngắn hoặc bị tắt. Đạo dưỡng sinh cũng là như thế.

Đạo trường sinh

Nếu để ngọn nến đã thắp vào trong cái chụp thì thời gian cháy sẽ dài. Nếu để ngọn nến đó trong mưa gió thì thời gian cháy ắt sẽ ngắn hoặc bị tắt. (Ảnh: Pixabay)

Cụ rất tán thưởng lời Lão Tử: “Chớ làm thân thể mệt nhọc quá, chớ làm tinh thần dao động, chớ suy nghĩ liên miên. Ít suy tư để dưỡng thần, ít ham dục để dưỡng tinh, ít nói năng để dưỡng khí”. Cụ nói, yếu chỉ tuyệt diệu trong câu này thường bị những người bình thường không giỏi dưỡng sinh xem nhẹ.

Cụ căn cứ theo lý luận dưỡng sinh của Phố Ông (cụ già giỏi dưỡng sinh thời cổ đại), đặc biệt nhấn mạnh rằng, người giỏi dưỡng sinh ắt phải lấy 4 chữ Tư (nuôi dưỡng), Kiệm (tiết kiệm), Hòa (bình hòa) và Tĩnh (yên tĩnh) làm căn bản.

Cái gọi là Tư tức là nuôi dưỡng lòng Nhân, lòng yêu thương, đó là tâm địa thiện lương, không hại vật cũng không tổn hại người, một cái tâm từ bi hòa ái. Tâm tình vui vẻ hiền từ, nhân ái này đủ để chế ngự các loại tai họa, tự nhiên có thể khiến con người khỏe mạnh, trường thọ, nuôi dưỡng tuổi Trời.

Cái gọi là Kiệm tức là tiết kiệm và tiết chế. Tiết kiệm ăn uống thì nuôi dưỡng tỳ và dạ dày. Tiết kiệm ham dục thì tụ được tinh thần. Tiết kiệm nói năng thì nuôi dưỡng được khí, ngăn ngừa chuyện thị phi. Tiết kiệm giao du thì chọn được bạn ít lỗi lầm. Tiết kiệm tửu sắc thì thanh tâm quả dục. Tiết kiệm suy tư thì tránh được phiền não và nhiễu loạn. Sự việc gì nếu giảm được một phần thì thọ ích thêm một phần.

Cái gọi là Hòa tức là bình hòa vui vẻ. Vua tôi hòa thì quốc gia hưng thịnh. Cha con hòa thì gia trạch an lạc. Anh em hòa thì thủ túc đề huề. Vợ chồng hòa thì khuê phòng êm đẹp. Bằng hữu hòa thì bảo vệ lẫn nhau. Đây chính là Đạo cát tường vậy.

Cái gọi là Tĩnh tức là thanh tĩnh, trầm tĩnh, an nhiên. Cũng chính là nói thân không quá lao lực, tâm không quá loạn tưởng. Thần tổn thương nguy hại hơn thân thể tổn thương, “Thần mà không giữ gìn được thì thân thể không khỏe mạnh được”.

                                      Cái gọi là Tĩnh tức là thanh tĩnh, trầm tĩnh, an nhiên. (Ảnh: Pixabay)

Cụ Lý Khánh Viễn khi đề cập đến sinh hoạt ăn uống của mình thì nói rằng: “Ăn không được quá no, ăn no quá thì ruột và dạ dày bị tổn thương. Ngủ không được quá lâu, ngủ lâu quá thì tinh khí hao tán. Cuộc đời ta hơn 200 năm, chưa từng ăn một bữa quá lượng, cũng chưa từng ngủ một giấc quá dài”.

Cụ còn nói đến những điều chú ý chi tiết trong cuộc sống, cụ nói: những chuyện nhỏ mọn, mọi người thường dễ nóng vội, như thế ắt sẽ tổn thương thân thể. Cụ khuyên mọi người rằng: Nóng lạnh bất cẩn, đi bộ quá nhanh, tửu sắc dâm lạc, đều tổn thương thân thể, cực kỳ tổn hại, có thể mất mạng. Do đó chiểu theo thuật dưỡng sinh của tiền nhân, đi không gấp, mắt không nhìn lâu, tai không nghe âm cực độ, cực đoan, ngồi không để đến khi mệt mỏi, ngủ không để đến khi đẫy mắt. Cần mặc áo ấm trước khi lạnh, cần giải nhiệt trước khi nóng, cần ăn trước khi đói, cần uống trước khi khát, cần ăn nhiều bữa mà ít, chớ ăn một bữa thật nhiều. Phải không có hỉ nộ ai lạc vương vấn trong tâm, không động niệm phú quý vinh nhục. Đó chính là Đạo trường thọ.

Cụ Lý Khánh Viễn cuối cùng bảo cho mọi người biết rằng: Đói rét ngứa đau, cha mẹ không thể làm giúp, già yếu bệnh chết, vợ con chẳng thể làm thay. Chỉ có Đạo yêu quý giữ gìn mình mới là phép tắc và cốt lõi của dưỡng sinh.

Theo NTDVN/songdep.tv