Khi bị Viêm gan C, người bệnh thường không nhận thấy các triệu chứng đặc trưng của bệnh, nếu để kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan hoặc biến chứng thành ung thư gan, vì vậy cần tầm soát hàng năm để phát hiện bệnh.
Triệu chứng viêm gan C ở giai đoạn cấp tính
Viêm gan C là căn bệnh lây qua đường máu với thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 tuần đến 6 tháng. Trong giai đoạn đầu, khoảng 80% người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng viêm gan C nào. Giai đoạn này được gọi là viêm gan C cấp tính.
Nếu các triệu chứng phát triển, các biểu hiện của bệnh thường xảy ra một vài tuần sau khi nhiễm virus, bao gồm những triệu chứng như:
- Đau bụng
- Phân màu đất sét
- Nước tiểu sẫm màu
- Buồn nôn và nôn mửa
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Sốt
- Vàng da và lòng trắng của mắt
Triệu chứng của bệnh viêm gan C mãn tính
Nếu bệnh viêm gan C tái đi tái lại hoặc kéo dài do virus gây bệnh tồn tại trong cơ thể nhiều năm thì sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, triệu chứng viêm gan C có thể khác so với giai đoạn cấp tính, bao gồm những biểu hiện như:
- Thường xuyên mệt mỏi
- Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu
- Sụt cân
- Đau nhức cơ khớp
- Cổ trướng – tình trạng chất lỏng tích tụ trong bụng
- Dễ bầm tím
- Vàng da và lòng trắng mắt
- Nổi mề đay hoặc phát ban
- Ngứa da
- U mạch máu hình nhện
- Bệnh não gan (Hepatic Encephalopathy) là một sự thay đổi trạng thái ý thức do suy gan. Từ đó gây ra tình trạng kém tập trung, lú lẫn, trí nhớ kém và hay buồn ngủ.
Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào gan sẽ bị tổn thương và các mô sẹo sẽ liên tục thay thế các mô đã bị tổn thương dẫn đến xơ gan. Các dấu hiệu điển hình của xơ gan bao gồm nôn ra máu, phân sẫm màu, vàng da, tích tụ chất lỏng ở chân hoặc bụng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến gan bị suy giảm chức năng nghiêm trọng?
Khi nào bạn nên đi khám và xét nghiệm?
Hầu hết các trường hợp mới nhiễm virus HCV thường không có triệu chứng bệnh viêm gan C nên rất ít người phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu. Hơn nữa, không phải lúc nào người nhiễm HCV cũng cần điều trị do hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể tự loại bỏ virus gây bệnh viêm gan.
Tuy nhiên, khi viêm gan C phát triển thành bệnh mãn tính thì việc điều trị là rất cần thiết. Bởi vì chữa khỏi bệnh là cách tốt nhất để tránh những biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.
Ngoài ra, có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng về vấn đề khi nào nên đi khám vì các triệu chứng viêm gan C thường không biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu. Lời khuyên ở đây là bạn nên đi xét nghiệm máu định kỳ. Đồng thời, hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu trước đó bạn từng quan hệ đồng giới, tiêm chích không an toàn hoặc bị thương, chảy máu do va chạm với các vật sắc nhọn nơi công cộng.
Biện pháp phòng ngừa viêm gan C
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C hiệu quả. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh sẽ phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus ở các cơ sở y tế và nhóm đối tượng có nguy mắc bệnh cao. Những nhóm này thường là người tiêm chích ma túy, nam giới đồng tính, người nhiễm HIV hoặc người đang điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV.
Những biện pháp can thiệp, phòng ngừa viêm gan C do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bao gồm:
- Đào tạo nhân lực ngành y tế sử dụng thuốc tiêm an toàn và phù hợp.
- Chú ý an toàn khi tiêu hủy, xử lý chất thải và các vật sắc nhọn.
- Cung cấp các dịch vụ giảm tác hại toàn diện cho người tiêm chích ma túy.
- Nhân rộng các dịch vụ khám sàng lọc, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân viêm gan.
- Xét nghiệm máu của người hiến máu nhân đạo để tìm các ca nhiễm viêm gan B và viêm gan C (có thể bao gồm cả bệnh HIV và giang mai).
- Nâng cao nhận thức về quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh qua đường máu.
Viêm gan C là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan nhưng sự lây nhiễm ban đầu lại diễn ra rất “âm thầm” đối với hầu hết người bệnh. Vì vậy, bạn không nên chủ quan nếu nhận thấy các triệu chứng viêm gan C hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Thay vào đó, hãy đi xét nghiệm càng sớm càng tốt để được chữa trị bệnh viêm gan C kịp thời.