Thống kê trên thế giới và những công trình nghiên cứu trong cộng đồng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ người suy thận mạn tính ở vào khoảng 13%. Có nghĩa là cứ 10 người sẽ có khoảng 1 người suy thận mạn tính.
Suy thận mạn tính diễn tiến rất âm thầm. Đa phần các trường hợp bệnh nhân tới bệnh viện khi thận đã bị suy ở giai đoạn cuối.
Bệnh thận hiện nay ngày một gia tăng là do hệ quả của các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì... Suy thận mạn còn gặp ở những bệnh nhân viêm cầu thận, mắc bệnh tự miễn. Một số bệnh nhân dùng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng có thể dẫn tới suy thận.
"Cuộc sống tĩnh tại ít vận động, những bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì... ngày càng tăng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thận. Ngoài ra, người dân Việt thường có thói quen dùng thuốc giảm đau, thuốc truyền miệng, thuốc mua trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc thành phần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận"
Do thận là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có nhiệm vụ sản xuất ra nước tiểu để đào thải các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể, tất cả các loại thuốc từ thuốc tây, thuốc lá đều ảnh hưởng tới thận.
Ngoài đào thải chất độc, thận còn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng khác như giữ cho môi trường bên trong cơ thể luôn cân bằng nước, điện giải, khoáng chất, kiềm toan và cùng với tủy xương tạo hồng cầu cho cơ thể. Trường hợp thận suy sẽ ứa đọng độc chất, phù, rối loạn kali.
Theo chuyen gia bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thường có biểu hiện phù, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, da xanh xao, thiếu máu, mất tập trung, trí nhớ kém… Bệnh thận thường có những biến chứng của tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
5 đối tượng nguy cơ mắc bệnh thận
Một số nhóm người có nguy cơ cao bị suy hỏng thận là người tăng huyết áp, tiểu đường, người cao tuổi, dùng thuốc giảm đau kéo dài, gia đình có người mắc bệnh lý về thận...
Đối với nhóm nguy có này cần phải tầm soát bệnh thận định kỳ qua bộ 3 xét nghiệm: xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm.
Việc tầm soát phát hiện bệnh thận sớm sẽ giúp bệnh nhân có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh nhân không may phát hiện suy thận mạn, hiện có rất nhiều phương pháp điều trị mang nhiều lợi ích cho bệnh nhận để bệnh nhân có cuộc sống khỏe nhất.
Nếu bệnh nhân bị suy thận cấp sẽ được lọc máu để bào tồn 2 quả thận. Trường hợp bệnh nhân suy thận sẽ có thuốc làm chậm diễn biến suy thận.
Hội chứng thận hư (hỏng thận) là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên.
Người hỏng thận sẽ có triệu chứng đặc trưng như phù, protein trong nước tiểu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu.
Hội chứng thận hư bản chất là một bệnh mạn tính, diễn biến đột ngột theo từng đợt. Việc điều trị sẽ giúp làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, do bản chất là bệnh thường tái phát, người bệnh phải theo dõi điều trị lâu dài trong nhiều năm và tuân thủ theo chế độ điều trị đã vạch ra. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, kéo dài thời gian lui bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận.
Cách phòng ngừa bệnh thận
Phòng ngừa bệnh lý thận không hề khó, trong đó, có 8 nguyên tắc "vàng" bảo vệ thận:
Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Theo đó, người dân có thể chọn các loại hình thể dục theo sở thích và phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, yoga… Nguyên tắc tập luyện là phải ra mồ hôi và tiêu hao năng lượng.
Chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ các chất và giảm muối: Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Bác sĩ Phương Thảo cho biết không có thực phẩm tốt cho thận, nhưng ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất bảo vệ hai quả thận, tránh bị tổn thương.
Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cho thận hoạt động tốt, nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Lưu ý với người phù, tim mạch thì uống nước phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Kiểm soát đường huyết: Khoảng 50% người bệnh không hề biết mình mắc bệnh tiều đường nếu không xét nghiệm hoặc cho đến khi xảy ra biến chứng. Khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tổn thương thận, nếu không được điều trị tốt sẽ suy thận và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.
Luôn kiểm tra huyết áp: Bệnh nhân có huyết áp cần phải kiểm soát để giảm nguy cơ diễn tiến tới suy thận. Hiện nay, có một nửa bệnh nhân có huyết áp rất cao mà không hề có triệu chứng, và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận.
Không sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau thường xuyên, đặc biệt là các thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid, nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng thận, thậm chí có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Những loại thuốc không rõ nguồn gốc dù chỉ là cây cỏ, thực phẩm chức năng cũng cần chuyển hóa và đào thải qua thận. Vì vậy, trước khi dùng bất cứ loại sản phẩm nào, chúng ta nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Dừng hút thuốc lá: Hút thuốc gây xơ hóa mạch máu và dẫn tới suy hỏng thận.
Tầm soát với đối tượng nguy cơ cao: Người mắc bệnh tiều đường, tăng huyết áp, béo phì, gia đình có tiền căn suy thận mạn cần đi tầm soát bệnh.
"Khi tuân thủ 8 nguyên tắc trên thì chúng ta sẽ luôn có 2 khỏe thận khỏe mạnh",
BS Phương Thảo /soha