5 bài học nuôi dạy con thành đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và biết quan tâm tới mọi người từ chuyên gia tâm lý hàng đầu của Đại học Harvard.
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng Richard Weissbourd của Đại học Harvard đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu về sự phát triển tinh thần, thể chất và não bộ của trẻ em. Một trong số những cuộc khảo sát quan trọng nhất của ông là cuộc khảo sát hơn 10.000 trẻ em ở các trường Trung học và Phổ thông tại Mỹ.
Qua cuộc khảo sát Richard Weissbourd cho biết: "Hơn 80% trẻ em cho biết, phụ huynh dành rất nhiều sự quan tâm chú ý và thường hỏi han đến thành tích của con có tốt hay không, con có niềm vui mới và hứng thú với việc gì, rất ít trong đó có cha mẹ quan tâm tới việc con làm được bao nhiêu việc tốt, quan tâm giúp đỡ được bao nhiêu người, hay đóng góp được gì cho cộng đồng."
Từ cuộc khảo sát này, chuyên gia tâm lý Richard Weissbourd cho biết các bậc phụ huynh thường rất quan tâm đến việc giáo dục con mình trở thành người có tính độc lập, có nhiều kỹ năng để có thể đạt được thành công trong tương lai. Nhưng chính vì quá quan tâm tới những việc kể trên nên đôi khi lại quên đi mất tầm quan trọng của việc uốn nắn con mình thành những đứa trẻ tử tế, lễ phép và lịch sự.
Chính vì vậy, ông cùng các chuyên gia khởi xướng dự án "Making Caring Common" tạm dịch "Lan tỏa sự quan tâm" với sứ mệnh hàng đầu là nuôi dạy trẻ thành những đứa trẻ ngoan, lớn lên thành người tử tế, biết quan tâm, tôn trọng và có trách nhiệm. Từ dự án này, chuyên gia tâm lý Richard Weissbourd đã đưa ra 5 lời khuyên giúp cha mẹ nuôi dạy con ở độ tuổi 3 - 7 tuổi thành đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và biết quan tâm tới mọi người.
5 lời khuyên giúp cha mẹ nuôi dạy con thành đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và biết quan tâm tới mọi người
1. Hãy hỏi con: "Hôm nay con đã giúp được những ai?"
Hàng ngày, sau khi đón con từ trường về nhà, rất nhiều cha mẹ thường hỏi con mình rằng: "Hôm nay con được mấy điểm 10?" hay như "Hôm nay có gì vui ở trường, kể cho bố (mẹ) nghe nào...". Những câu hỏi này thường dùng để thể hiện sự quan tâm của cha mẹ dành cho các con, nhằm kéo gần khoảng cách, để con chủ động chia sẻ với cha mẹ mình. Đồng thời, đây cũng là câu hỏi để cha mẹ đánh giá năng lực học tập của con.
Tuy nhiên, bên cạnh những câu hỏi này, chuyên gia tâm lý cho biết, cha mẹ hoàn toàn có thể hỏi thêm những câu nói như: "Hôm nay con giúp đỡ được những ai?", "Nay mẹ quên chìa khóa, con đã lấy giúp mẹ phải không? - Cảm ơn con đã giúp mẹ nhé". Những câu hỏi này giúp trẻ dần hình thành nên tư duy quan tâm những người xung quanh và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Đồng thời cũng dạy con hiểu được giá trị và ý nghĩa của 2 từ "cảm ơn" cùng niềm vui khi được giúp đỡ người khác.
2. Tạo cho trẻ cơ hội để làm người tử tế, lịch sự
Sự tử tế cùng cách ứng xử lịch sự không phải bỗng nhiên mà có, nó là một quá trình lặp đi lặp lại của hành vi quan tâm người khác đúng mực và biết cách thể hiện lòng biết ơn chân thành.
Những đứa trẻ giống như những trang giấy trắng, trẻ em sinh ra chưa có khả năng tư duy và hành xử một cách tử tế và lịch thiệp. Chính vì vậy, ngay từ khi con còn bé, cha mẹ nên tạo những cơ hội, hoặc gợi ý để con hình thành nên tư duy và thói quen tốt này.
Đơn giản như việc cha mẹ để con giúp đỡ mình làm một việc nhà, gợi ý con giúp bạn cùng lớp làm bài tập về nhà. Mỗi lần con làm việc tốt, cha mẹ đáp trả bằng những cái ôm và lời cảm ơn chân thành, cứ như vậy ngay từ khi con còn nhỏ sẽ giúp con hình thành nên tư duy và lối sống tốt đẹp.
Việc cha mẹ khích lệ con làm những việc tốt không chỉ tốt cho những người xung quanh mà còn cho chính con.
Chuyên gia tâm lý Richard Weissbourd khẳng định, theo các nghiên cứu cho biết, những đứa trẻ có tấm lòng bao dung và biết cách thể hiện lòng biết ơn thường có xu hướng trở nên rộng lượng, có khả năng thấu cảm cao và dễ tha thứ, đây đều là những thứ sẽ đem lại cho con niềm vui, sự lạc quan, hạnh phúc, rất tốt cho con về phương diện sức khỏe tinh thần, phần nào giúp con tránh được những căn bệnh tâm lý sau này.
Do đó, hãy tạo thật nhiều cơ hội và trao nó cho con một cách khéo léo, tinh tế và hợp lý.
3. Mở rộng vòng tròn quan tâm
Thông thường, các con khi còn nhỏ thường đặt sự chú ý của mình trong phạm vi gia đình, bạn bè và thầy cô. Đây cũng là "vùng an toàn" đối với các con vì mọi thứ đều rất thân thuộc. Tuy nhiên việc cha mẹ gián tiếp hoặc trực tiếp giúp con mở rộng "vùng an toàn" sẽ giúp trẻ rất nhiều trong khả năng giao tiếp và khả năng học tập sau này.
Vì khi chúng ta đưa con tới những nơi nằm ngoài "vùng an toàn" như ga tàu, sân bay, thư viện, hoặc là những chuyến đi khám phá nơi con sống vào lúc rạng sáng, con có thể gặp gỡ những người lạ không quen như một chị gái đang soát vé, chú tài xế xe buýt, cô lao công quét rác... Điều này sẽ giúp con có học được cách quan sát thế giới xung quanh, đồng thời hướng dẫn con hình thành tư duy luôn đặt các câu hỏi và chủ động đi tìm câu trả lời mỗi khi gặp khúc mắc.
Thêm vào đó, cha mẹ có thể để con mang theo những món quà nhỏ như bánh hoặc kẹo và khích lệ con đem tặng những món quà này cho những người lạ. Từ đó dạy con cách chào hỏi và giao tiếp với thật nhiều người.
Tuy nhiên, vì đảm bảo an toàn cha mẹ nên liên tục đồng hành cùng con trong quá trình khám phá và mở rộng "vùng an toàn" này. Hãy cùng con tham gia vào các cuộc nói chuyện, dẫn dắt và chia sẻ để con tăng sự cảm thông tới mọi người.
4. Trở thành tấm gương cho con, khẳng định giá trị của sự tử tế
Con nhỏ luôn là tấm gương phản chiếu cha mẹ của mình, vì cha mẹ là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời của con. Mọi hành động, lời nói của cha mẹ sẽ trở thành tấm gương để con học tập và bắt chước. Chính vì vậy, muốn con là người trách nhiệm, lịch thiệp, cha mẹ cũng cần là người như vậy. Cha mẹ cần dũng cảm nói lời "xin lỗi" và thừa nhận sai lầm, cùng thiếu sót của bản thân.
Ngoài ra, thay vì nói với con rằng "làm điều gì cũng được, miễn điều đó làm con vui" hãy nói rằng "làm điều gì cũng được nhưng trước hết con hãy làm người tử tế". Cha mẹ cần phải dạy cho con biết rằng, mọi hành động lời nói cùng quyết định của con có thể sẽ ảnh hưởng tới người khác, vì vậy con cần cân nhắc trước khi quyết định bất cứ điều gì.
5. Dạy con cách làm chủ các cảm xúc tiêu cực
Trạng thái cảm xúc như ghen tị, xấu hổ, giận dữ cùng hàng loại các cảm xúc tiêu cực khác là nguồn cơn dẫn tới những hành động thiếu lý trí không chỉ với riêng người lớn mà trẻ con cũng vậy.
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy hướng dẫn và giúp con có thể làm chủ được những cảm xúc tiêu cực này.
Theo chuyên gia tâm lý Richard Weissbourd cho biết, điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm đó là khẳng định với con rằng những cảm xúc kể trên đều là những cảm xúc bình thường, con có thể thể hiện nói mà không cần cố kìm nén. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, con cần cân nhắc một chút đến cảm xúc của người xung quanh. Hãy chắc rằng, việc mình thể hiện toàn bộ cảm xúc tiêu cực có ảnh hưởng xấu tới mọi người hay không.
Chuyên gia tâm lý Richard Weissbourd chia sẻ cho cha mẹ cách đơn giản nhất để giúp con kiểm soát cơn giận và những cảm xúc tiêu cực bằng cách điều chỉnh nhịp thở của mình.
Phương pháp này được thực hiện vô cùng đơn giản, đó là mỗi khi con nóng giận hoặc tiêu cực hãy nhắc con dừng lại, hít một hơi thật sâu qua mũi và thở ra bằng miệng, tiếp đó chậm rãi đếm từ 1 đến 5. Phương pháp này rất đơn giản, những cần cha mẹ cùng trẻ thực hành ở giai đoạn đầu và để con hình thành thói quen. Khi con đã quen, cha mẹ nên để con thực hiện phương pháp này một mình. Dần dần, trẻ sẽ biết cách điều tiết cảm xúc cá nhân cũng như có thêm thời gian để xử lý cảm xúc của mình.
Trên đây là 5 bài học nuôi dạy con thành đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và biết quan tâm tới mọi người từ chuyên gia tâm lý hàng đầu của Đại học Harvard. Mong rằng các bậc phụ huynh sẽ thu được cho mình những kiến thức hữu ích.
Tieu Lam/soha.vn