Một nghiên cứu mới cho thấy tính cách cá nhân có thể giúp bảo vệ khả năng nhận thức hoặc làm già đi bộ não củachúng ta
Ảnh: BSIP/UIG Via Getty Images
Cá tính có vai trò trong lão hóa não bộ
Một nghiên cứu mới cho thấy một số đặc điểm cá tính là yếu tố then chốt báo hiệu một người có thể phát triển chứng suy giảm nhận thức sau này. Theo một nghiên cứu được công bố Ngày 11 Tháng Tư trên Journal of Personality and Social Psychology, việc sống có lương tâm và hướng ngoại hơn sẽ giúp kéo dài thời gian suy giảm nhận thức; ngược lại mức độ rối loạn thần kinh cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tomiko Yoneda, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Victoria ở Canada, giải thích: “Các đặc điểm cá tính của một người – phản ánh các kiểu suy nghĩ và hành vi tương đối lâu dài của người đó – có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tham gia vào các hành vi và kiểu suy nghĩ lành mạnh và không lành mạnh trong suốt cuộc đời”. Bà lưu ý: “Việc tích lũy kinh nghiệm suốt đời có vai trò trong việc dễ mắc các bệnh hoặc rối loạn cụ thể, chẳng hạn như suy giảm nhận thức nhẹ, hoặc góp phần vào sự khác biệt của cá nhân về khả năng chịu đựng những thay đổi thần kinh liên quan đến tuổi tác”.
Tiến sĩ Richard Isaacson, Giám đốc Phòng tầm soát Alzheimer thuộc Trung tâm Sức khỏe Não tại Đại học Y Schmidt thuộc Đại học Florida Atlantic, bổ sung:
“Mối liên quan này được thấy trong thực tế lâm sàng, nhưng thật khó để biết cái nào sinh ra cái nào, gà hay trứng? Những đặc điểm cá tính cụ thể làm tăng nguy cơ là do tính cách tồn tại trong suốt cuộc đời khiến một người phát triển suy giảm nhận thức hoặc bệnh Alzheimer, hoặc tác động sinh học trực tiếp dẫn đến các bệnh lý sớm. Suy nhược thần kinh là một đặc điểm cá tính xuất hiện trong tâm trí và các phân tích tổng hợp trong quá khứ cũng chứng minh điều này. Lo lắng có liên quan đến khối lượng não nhỏ hơn. Không rõ liệu căng thẳng/viêm thần kinh có thúc đẩy quá trình suy nhược không? Vì không có dấu ấn sinh học của quá trình nên rất khó trả lời”.
Những đặc điểm tích cực của cá tính
Nghiên cứu đã phân tích cá tính của gần 2,000 người tham gia Dự án Trí nhớ và Lão hóa nhanh (Rush Memory and Aging Project), một nghiên cứu về những người lớn tuổi ở khu vực thành phố Chicago bắt đầu vào năm 1997. Nghiên cứu đã xem xét vai trò của ba đặc điểm cá tính chính – sự tận tuỵ với tha nhân, hướng ngoại và rối loạn thần kinh – trong cách con người vượt qua sự suy giảm nhận thức trong cuộc sống sau này.
Rối loạn thần kinh là một đặc điểm cá tính liên quan đến việc một người đối phó với căng thẳng như thế nào. Những người rối loạn thần kinh tiếp cận cuộc sống trong trạng thái lo lắng, tức giận và thường quá quan trọng hóa và buông thả trước cả những thất vọng nhỏ. Yoneda nói: “Những người tận tuỵ với tha nhân có xu hướng kỷ luật tự thân cao, sống có tổ chức và có mục đích, trong khi những người nhiệt tình với cuộc sống thường quyết đoán và hướng ngoại. Trong quá trình nghiên cứu, những người đạt điểm số cao về sự tận tuỵ và điểm số thấp về rối loạn thần kinh ít có nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Cứ thêm sáu điểm trên thang đo mức độ tận tuỵ sẽ kéo giảm được 22% nguy cơ nhận thức bị chuyển từ bình thường sang suy giảm nhận thức nhẹ”.
Nghiên cứu nhấn mạnh: Một người 80 tuổi có điểm số tận tuỵ vì tha nhân cao sẽ sống thêm hai năm với nhận thức bình thường, không bị mất trí nhớ so với những người có điểm số thấp. Hướng ngoại và tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội không chỉ giúp tăng thêm một năm sống “tỉnh táo” mà còn tăng cường khả năng phục hồi nhận thức sau khi được chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ. Đó là một trong những lợi ích của cuộc sống tận tuỵ vì tha nhân và xã hội hóa.
Khi mức độ rối loạn thần kinh tăng, nguy cơ suy giảm nhận thức cũng tăng. Cứ thêm bảy điểm trên thang điểm, nguy cơ tăng 12%, tương đương với mất một năm nhận thức khoẻ mạnh. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa cá tính và não bộ. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng những người cởi mở hơn, sống tận tuỵ hơn và thần kinh cân bằng hơn có nhận thức tốt hơn trong các bài kiểm tra và ít bị suy giảm nhận thức hơn theo thời gian. Bệnh giảm trí nhớ nếu có cũng đến chậm hơn với họ.
Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ/anle20