Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Sự kỳ thú của các loài chim tiêu quyên ở châu Phi

Họ Tiêu quyên (Musophagidae) gồm những loài chim ăn quả độc đáo, đặc hữu của châu Phi. Chúng có màu lông bắt mắt và cái mào dựng đứng trên đầu, nhiều loài có lông cánh đỏ rực chỉ lộ ra khi bay.

Tiêu quyên mào đỏ (Tauraco erythrolophus) dài 40-43 cm, phân bố ở Angola. Nhiều loài chim tiêu quyên có sắc tố đỏ đặc trưng ở mặt dưới cánh, chỉ ít loài có mào màu đỏ như loài này.

Tiêu quyên Ethiopia (Tauraco ruspolii) dài 40 cm, là loài chim đặc hữu trong các khu rừng nam Ethiopia. Loài chim mày xanh có mào trắng này là loài phân bố hẹp nhất trong họ Tiêu quyên.

Tiêu quyên mào lam (Tauraco hartlaubi) dài 43 cm, sống trong sinh cảnh rừng vùng cao ở Đông Phi. Như các họ hàng khác trong chi Tauraco, chúng chỉ để lộ màu đỏ rực rỡ dưới cánh khi bay.

Tiêu quyên xanh (Tauraco persa) dài 40-43 cm, phân bố từ Senegal tới Angola. Đây là loài phân bố rộng rất trong nhóm tiêu quyên lông xanh.

Tiêu quyên Knysna (Tauraco corythaix) dài 45-47 cm, là họ hàng gần của tiêu quyên xanh, phân bố ở Nam Phi. Đặc điểm phân biết chúng với tiêu quyên xanh là rìa đỉnh mào trắng.

Tiêu quyên mào tím (Tauraco porphyreolophus) dà 42-46 cm, được ghi nhận ở Đông và Nam Phi. Những chiếc lông bay màu đỏ của loài này có vai trò quan trọng trong các nghi lễ ở vương quốc Eswatini, nơi chúng được coi là quốc điểu.

Tiêu quyên xanh lớn (Corythaeola cristata) dài 70-75 cm, phân bố ở Tây và Trung Phi. Loài tiêu quyên có mào như chiếc quạt này là loài lớn nhất và dễ nhận biết nhất trong họ Tiêu quyên.

Tiêu quyên Ross (Musophaga rossae) dài 41-54 cm, phân bố ở Đông Phi. Là loài lớn thứ hai trong họ Tiêu quyên, chúng được nhận dạng bằng cái mào đỏ dựng đứng và bộ lông tím bóng bẩy.

Tiêu quyên tím (Musophaga violacea) dài 45-50 cm, phổ biến ở các khu rừng Tây và Trung Phi. Cùng với tiêu quyên Ross, chúng là một trong hai loài tiêu quyên có bộ lông màu tím.

Tiêu quyên báo đông mặt đen (Corythaixoides personatus) dài 48 cm, sống trong rừng xavan Đông Phi. Loài này có tập tính dựng mào lên khi bị kích động.

Tiêu quyên báo đông xám (Corythaixoides concolor) dài 45-50 cm, phân bố ở miền Nam châu Phi. Thường xuất hiện vào mùa đông với tiếng keei “kay-waaay”, chúng là loài tiêu quyên báo đông điển hình.

 Ảnh: eBird.org.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG/anle20