Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Bàn về thơ "Thanh mà Tục"


Thơ Việt ngữ dùng chữ Hán Nôm để nói lẫn lộn "thanh và tục" có 2 kỹ thuật chính:
Tả một sự vật "thanh" (hay "không tục") nhưng làm cho độc giả nghĩ tới hay thấy như một sự vật "tục" khác. Thí dụ như tả Cái Quạt nhưng làm cho độc giả thấy cũng giống như Âm Hộ. Thí dụ như tả Đá Gà nhưng làm cho độc giả nghĩ tới Giao Hợp (nam nữ).
Dùng từ ngữ có thể nói lái được. Thí dụ: "Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?" (trong bài Chơi Chùa Quán Sứ). Đáo nơi neo = đến nơi nào (có nghĩa không tục); nhưng "Đáo nơi neo" nói lái là "Đéo nơi nao" (có nghĩa tục).
 
***
Bài Cái Quạt của Hồ Xuân Hương trong văn bản chỉ có 4 câu (theo bản Quốc Văn tùng ký)
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
.
Các bản chữ quốc ngữ sau này có thêm 4 câu nữa:
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa.
 
Đây là bài thơ dùng kỹ thuật 1: tả một sự vật "thanh" (Cái Quạt) nhưng làm cho độc giả nghĩ tới một sự vật "tục" khác (Âm hộ).
Tuy nhiên, 2 câu Luận (5 và 6) tả Cái quạt không đúng: Cái quạt làm gì có "da" và nhất là làm gì có "thịt". Âm hộ thì có da và có thịt, như vậy bà Hồ Xuân Hương không có tả Cái Quạt mà tả Âm Hộ một cách rõ ràng. Và như vậy không còn nghệ thuật "thanh mà tục" nữa!
Có thể 4 câu sau (bản chữ Quốc ngữ) là thơ của hậu thế thêm vô?
 
***
Hồ Xuân Hương làm thơ dùng chữ Hán Nôm thường chỉ có 2 kỹ thuật nầy nhưng không làm được kỹ thuật thứ ba.
 
Thơ Việt ngữ dùng chữ Quốc ngữ dùng được cả 3 kỹ thuật.
Kỹ thuật thứ ba là dùng 1 chữ Quốc ngữ có 2 nghĩa (vì chữ Quốc ngữ là tượng thanh). Thí dụ: chữ "Cu" có 2 nghĩa.
Thi nhân thơ Quốc ngữ có dùng kỹ thuật mới nầy mà bà Hồ Xuân Hương không làm được vì thời của bà (cuối thế kỷ 19) chưa có chữ Quốc ngữ trong quần chúng.
 
Đây là những bài thơ "thanh và tục" theo kỹ thuật thứ ba.
Cu = thằng cu - con cu (penis)
 
CU CỤ (Độc vận - Nguyên Bản)
Thế sự đảo huyền chuyện Cụ Cu
Lộn sòng “thằng Cụ” với “ông Cu”
Cu “Quân Tử Kiếm” là Cu Cụ (*)
Cụ “Lão Ngoan Đồng” ấy Cụ Cu (*)
Ra chốn đình trung ưng gọi Cụ
Giữa vòng hương phấn muốn là Cu
Giai nhân có hỏi Cu hay Cụ
“Lục thập niên tiền…” Cụ vốn Cu.
(Vô Danh Thị)
 
(*) Chú thích:
Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần tự thiến để luyện võ công (Tiếu Ngạo Giang Hồ/Kim Dung).
Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông lớn tuổi nhưng tánh vẫn như con nít (Anh Hùng Xạ Điêu/Kim Dung).

CU CỤ (Độc vận - Họa)
Tuy khác danh xưng: Cụ hoặc Cu
Tính tình vui vẻ, Cụ như Cu
Thà tiêu xí quách Cu theo Cụ
Biết sướng cuộc đời Cụ chỉ Cu
Cu tưởng lão làng lên giọng Cụ
Cụ ham già dịch tại thằng Cu
Cu không thế phát thành Sư Cụ
Như Cụ hồn nhiên cứ “Cúc Cu”.(*)
(Phan Thượng Hải)
4/18/12
(*) Chú thích: Cúc cu có 2 nghĩa: Nắm cu (cúc = nắm) và tiếng con chim kêu "cúc cu".

CU CỤ (Độc vận - Họa)
Bàn loạn cho vui chữ Cụ Cu
Vợ thương vợ gọi: “bố anh Cu”
Thằng Cu nặng lớn thành ra Cụ
Ông Cụ nhẹ già chuyển hóa Cu
Người Việt phân chia Cu với Cụ
Dân Tây lẫn lộn Cụ và Cu
Tơ vò rắc rối Cu hay Cụ
Cu Cụ giống nhau chỗ có Cu.

(Hp-Trương Ngọc Thạch)
10/20/13

 
BS Phan Thượng Hải / thanhphogío
Biên soạn và giữ bản quyền