Để hiểu sợ hãi, ta phải nói về sự so sánh trước. Tại sao ta so sánh? Về mặt kỹ thuật, so sánh phát hiện sự tiến triển, tương quan với nhau. Năm chục năm trước chưa có bom nguyên tử, chưa có máy bay siêu âm, bây giờ chúng ta co những cái đó, và trong tương lai năm chục năm nữa, chúng ta sẽ có những cái mà hiện nay chúng ta không có.
Cái đó được gọi là sự tiến bộ, luôn luôn so sánh, tương quan, và tâm trí chúng ta bị vướng mắc vào cái lối suy nghĩ kiểu đó. Không phải chỉ từ ngoại cảnh, mà ngay từ trong nội tâm, trong cái cấu trúc về tâm lý của chúng ta, chúng ta suy nghĩ theo kiểu so sánh. Chúng ta nói :” Tôi thế này, trước kia tôi thế này, và tôi sẽ khá hơn trong tương lai”.
Cái lối suy nghĩ kiểu so sánh như vậy, chúng ta gọi là sự tiến bộ, sự phát triển, và cuộc đời chúng ta, từ phẩm hạnh, đạo đức, tôn giáo cho dến làm ăn buôn bán, giao dịch trong xã hội, chúng ta đều dựa trên nền tảng đó. Chúng ta quan sát bản thân chúng ta một cách so sánh với cái xã hội vốn dĩ cũng thoát thai từ một sự phấn đấu trong so sánh như chính chúng ta.
So sánh sản sinh ra sợ hãi, bạn hãy tự quan sát sẽ thấy. Tôi muốn trở thành nhà văn viết hay hơn, hoặc trở thành người đẹp và thông minh hơn. Tôi muốn có nhiều kiến thức hơn mọi người. Tôi muốn thành công, muốn trở thành nhân vật quan trọng, muốn có danh tiếng trên thế giới. Thành công và danh tiếng là những điều so sánh rất căn bản về mặt tâm lý, mà do đó, chúng ta liên tục sản sinh ra sự lo sợ . Và sự so sánh cũng làm tăng thêm những mâu thuẫn, phấn đấu vốn được coi như những điều quan trọng.
Bạn nói rằng bạn phải cạnh tranh để sinh tồn trong cái thế giới này, do đó bạn so sánh và thi đua trong công việc làm ăn, trong gia đình và cái-gọi-là nội dung có tính cách tôn giáo . Bạn phải vào được thiên đường và ngồi ngay bên cạnh Chúa, hoặc một đấng cứu độ đặc biệt nào đó của bạn. Sự so sánh về tâm linh phản ảnh trong sự vị linh mục muốn trở thành giám mục, hoặc hồng y, hay cuối cùng tiến lên tới giáo hoàng. Suốt đời, chúng ta mài miệt trau giồi cái loại tâm linh đó một cách siêng năng, cần mẫn, phấn đấu để khá hơn, hoặc đạt được vị trí cao hơn người khác. Cấu trúc của đời sống xã hội và đạo đức của chúng ta đặt nền tảng trên những cái đó.
Cho nên trong cuộc đời chúng ta, cái tình trạng so sánh, cạnh tranh và sự phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một nhân vật hay trở thành người vô danh, thì cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng chính cái đó là cội rễ của toàn bộ sự sợ hãi, bởi vì chính nó đã sản sinh ra lòng thèm muốn, tật đố kî, thói ghen tị, căm thù.
Ở đâu có sự căm thù thì ở đó chắc chắn là không có tình thương yêu và sẽ càng ngày càng tăng thêm sự sợ hãi.
(Trích On Fear) / Saigon nhỏ/anle20