Mỗi người luôn có mỗi phương hướng để bước đến thành công cho riêng mình. Nhưng thành công đòi hỏi bạn phải trang bị đầy đủ năng lực, mối quan hệ và sức khỏe.
Vậy thì bạn đã thật sự đầu tư đúng đắn cho những yếu tố trên chưa? Cùng xem 3 sự thật dưới đây để nhận ra những gì thật sự đúng đắn cho mình
1. DÙNG VẬN ĐỘNG ĐỂ ĐẦU TƯ SỨC KHỎE
Con người chúng ta từ nhỏ đến lớn đều loay hoay giữa những cái gọi là địa vị, tiền bạc, thân phận và gia đình.
Thật vậy! Nhiều người phấn đấu bạt mạng cả đời để có được những thứ trên. Họ dành tất cả trí óc, sức lực, tiền bạc để đầu tư cho những mục tiêu đã đề ra vì họ quan niệm chỉ có những thứ đó thì cuộc sống mới có ý nghĩa.
Thế nhưng, mấy ai có thể nhận ra trên đời này có một thứ còn quan trọng hơn cả địa vị, tiền bạc, thân phận… Đó chính là sức khỏe.
Thử nghĩ lại xem, nếu không có sức khỏe thì những thứ trên có còn nghĩa lý gì nữa không? Sức khỏe mới là căn nguyên của cuộc sống, xứng đáng để đặt lên vị trí đầu tiên trong tất cả những thứ quan trọng của đời người.
Con người ta thường ngó lơ đi sức khỏe vì họ cho rằng sức khỏe vốn đã có sẵn nên không cần phải trau dồi và cải thiện thêm.
Khi tìm hiểu theo chuyên môn về thể dục thể thao, chúng ta mới biết quan niệm của nhiều bậc vận động viên nổi tiếng chính là: Trong cuộc đời của một vận động viên, tập luyện thể dục đều có tác dụng song song và tương đương đối với sức khỏe và sự nghiệp của họ.
Nếu như bạn muốn thực hiện một việc gì đó thì trước tiên hãy tăng cường thể lực của bạn. Nếu bạn muốn thắng thì trước tiên hãy bảo đảm sức khỏe của bạn có thể chịu đựng và khắc phục những thử thách sắp tới. Sức mạnh tinh thần nếu không có sức mạnh thể lực chống đỡ thì cũng bằng không mà thôi.
Chính vì vậy, vận động chắc chắn là sự đầu tư cơ bản tốt nhất của mỗi người. Có được sức khỏe thì con người cũng coi như nắm được một nửa phần thắng của đời mình.
2. DÙNG TRÁI TIM CHÂN THÀNH ĐỂ ĐẦU TƯ CHO MỐI QUAN HỆ
Có một câu hỏi thường hay được đặt ra là: Tại sao mối quan hệ giữa người với người thường vị nhạt nhòa đi theo thời gian?
Trước hết, chúng ta hãy chú ý đến chữ “thường” được sử dụng trong câu nghi vấn trên. Trong xã hội bộn bề của ngày nay, con người ta chú trọng trong xã giao để tạo dựng và móc nối những mỗi quan hệ càng nhiều càng tốt. Từ đó, những mỗi quan hệ dần trở nên nhạt nhòa và biến chất để tư lợi, lừa gạt, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Vậy thì những mối quan hệ giả tạo đó có thật sự đúng đắn và có thể mang lại lợi ích cho bạn mãi mãi hay không?
Quan hệ cũng có nhiều loại: Xã giao, tình bạn, tình yêu, tình thương… Mỗi loại sẽ chứa từng mức độ tình cảm mà chúng ta đặt vào nó.
Thế nhưng nhiều người lại không hề nhận ra rằng nếu muốn một mối quan hệ được kéo dài bền lâu thì cái cốt lõi phải là chân tâm (trái tim chân thành). Tất nhiên, điều này phải xuất phát từ hai phía. Một mối quan hệ mà chỉ có một người cho đi thật tâm thì đến cùng cũng sẽ đổ vỡ và mang lại nhiều tổn thương.
Trên thương trường cũng vậy, dù rằng chỉ là quan hệ xã giao đối tác làm ăn, nhưng một khi đã xuất hiện sự dối trá không chân thành thì sẽ bị đào thải rất nhanh. Tình bạn và tình yêu càng đòi hỏi con người phải dùng chân tâm để duy trì hơn.
“Người có thể đồng hành cùng ta một chặng đường, ta gửi lời cảm ơn đến họ. Người có thể đồng hành với ta cả một đời, ta cảm ơn chân thành đến ông trời”. Đời người là một thế giới muôn màu. Hãy dùng con tim chân thành để cảm nhận và đối đáp nhân tâm. Nếu như có lỡ bị tổn thương thì cũng không sao, chí ít bạn cũng không hối hận và không tự ghê tởm chính mình.
3. DÙNG HỌC TẬP ĐỂ ĐẦU TƯ CHO NĂNG LỰC
Ở HongKong, một cô bé tên Diệp San Hi đã trở thành CEO của phần mềm ứng dụng học tập khi chỉ mới 13 tuổi.
Trong cuộc phỏng vấn, cô bé cho biết sở thích lớn nhất của cô bé chính là đọc sách và biện luận. Đọc sách giúp cô bé tạo dựng nên năng lực tư duy trừu tượng vô cùng mạnh mẽ. Biện luận lại có thể mang cô bé đến với những thứ lớn hơn trên thế giới.
Diệp San Hi không hề bỏ thói quen học tập và tìm hiểu của mình sau khi trở thành CEO. Những người tài giỏi sẽ có thói quen duy trì nếp sống học tập cả đời.
Đường đời của mỗi con người đều đầy rẫy những chông gai và khó khăn. Cho dù bạn có vấp ngã vì thất bại thì trái đất vẫn quay. Thay vì chỉ biết nằm đó than khóc thì hãy đứng lên bước tiếp để sửa chữa sai lầm.
Sửa chữa sai lầm không phải ngày một ngày hai mà có khi còn là cả quá trình dài. Thế giới luôn không ngừng đổi thay và thực hiện chức năng “chọn lọc tự nhiên” của nó. Chính vì vậy, hãy đầu tư thời gian và cơ hội để học tập, vì chỉ có học tập mới có thể nâng cao năng lực. Chỉ cần bạn không ngừng học hỏi và cải thiện bản thân thì thế giới sẽ không cách nào đào thải được bạn.
(Nguồn: Zhihu) /Đại Lâm Mộc / Pháp luật & bạn đọc/anle20