Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

Sáu cách thoát khỏi nỗi bình thường mới

cuoc song binh thuong moi anh 2

Nhiều người gặp khó khăn khi quay lại với nhịp sống, công việc cũ sau thời gian dài nghỉ dịch. Họ cần ổn định cảm xúc, lấy năng lượng để bắt đầu cuộc sống hậu giãn cách.

  1. Lo lắng, mất kết nối sau thời gian dài phong tỏa là điều tự nhiên.
  2. Làm việc có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng giúp công việc hiệu quả hơn.
  3. Kiểm soát thời gian và cảm xúc là cách để thoát khỏi nỗi sợ “bình thường mới”.

Tại sao mọi người căng thẳng hậu giãn cách?

Sau một năm bị áp đảo bởi tin tức về dịch Covid-19 và cô lập với xã hội, nhiều người cảm thấy khó hòa nhập khi quay lại với cuộc sống “bình thường mới”.

Các chuyên gia nhận định kết thúc phong tỏa có thể gây ra lo lắng và căng thẳng. Emma Jefferys, huấn luyện viên lối sống và là nhà sáng lập Action Woman, cho rằng cảm giác choáng ngợp hậu giãn cách là điều tự nhiên.

Mọi người đã quen với lối sống trong dịch bệnh và thoát khỏi bộn bề công việc, giờ đây họ lo sợ khi phải quay lại nhịp độ cũ.

Nhiều người chưa đủ thời gian và năng lượng để sắp xếp công việc, chuyện gia đình, đời sống xã hội sau thời gian ở nhà quá lâu do dich Covid-19


6 mẹo để thoát khỏi nỗi sợ “bình thường mới”

Emma Jefferys cho rằng cuộc sống “bình thường mới” có thể khiến nhiều người cảm thấy dường như mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát, vì vậy cần lập kế hoạch, làm việc một cách có mục đích, đặt ra ranh giới để giành lại quyền kiểm soát.

Thay đổi góc nhìn

Nếu rơi vào trạng thái khủng hoảng và lo lắng, bạn có thể nói chuyện với bạn bè về cảm xúc của mình, hoặc đặt bản thân vào vị trí của một người quen nào đó để xem mình sẽ khuyên họ như thế nào trong trường hợp tương tự.

Hãy thử thay đổi không gian, vì môi trường khác nhau sẽ tạo nên những góc nhìn khác nhau. Bạn có thể đi dạo dưới ánh nắng, ngắm nhìn những hàng cây để thư giãn và nhắc nhở mình rằng “rồi thời gian sẽ khiến mọi cảm xúc khó chịu qua đi”.

Tránh bẫy so sánh

Chỉ cần lướt Instagram, bạn sẽ thấy dường như cả thế giới đang tiệc tùng 24/7 ở những nơi tuyệt vời. Hãy đặt câu hỏi xem bạn cảm thấy thế nào khi nhìn hình ảnh đó.

Bạn có đang rơi vào bẫy so sánh? Bạn có thấy mình cũng cần ở một bữa tiệc giống họ không? Hãy nhớ rằng những tấm hình đó không phản ánh toàn bộ mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống.

Nếu cảm thấy so sánh và ghen tỵ, hãy hành động. Bỏ theo dõi bất kỳ tài khoản nào khiến bạn thấy áp lực, thiếu thốn hoặc có cảm giác bị hối thúc. Hãy ở trong “làn đường” của riêng mình để cơn choáng ngợp qua đi.

Nhận thức về thời gian của mình

Sau nhiều tháng không rèn luyện và làm việc, bạn có thể cảm thấy đã quen với nhịp sống không khoa học. Bạn nên thành thật với bản thân rằng liệu đang quản lý thời gian của mình một cách khôn ngoan hay bị phân tâm bởi mạng xã hội.

Cần đặt trọng tâm về các khoảng thời gian phù hợp để quay trở lại làm việc. Khi biết “điểm mù” khiến mình phân tâm, hãy cố gắng xóa bỏ những phiền nhiễu đó để không lãng phí thời gian.

Làm dịu tâm trí

Khi hoảng sợ trước thay đổi, con người thường bật cơ chế “tự đóng băng” để chiến đấu với cảm giác căng thẳng, điều này khiến bạn khó bình tĩnh để lập kế hoạch khoa học.

Bạn có thể thoát khỏi sự choáng ngợp ban đầu bằng các bài tập thở.

Hãy thử bài tập “thở hình vuông”: tưởng tượng hơi thở của mình đang đi vòng quanh theo các cạnh hình vuông. Hít vào thật chậm trong 4 nhịp, giữ hơi thở trong 4 nhịp trong khi tưởng tượng đang di chuyển sang một cạnh khác, thở ra 4 nhịp, giữ hơi 4 nhịp và lặp lại.

Lập kế hoạch hành động

Sự choáng ngợp hậu giãn cách có thể khiến bạn bỏ mặc mọi việc cần làm, tự cho mình khoảng trống tưởng tượng thay vì cam kết thực hiện chúng bằng một lịch trình.

Bạn nên tránh lập “danh sách vô tận những việc cần làm”, hãy lập một “hệ thống kế hoạch tập trung” với công việc cụ thể, chi tiết.

Kế hoạch hành động cần tính đến quỹ thời gian, thực tế mức độ bạn có thể hoàn thành mỗi ngày, bao gồm sinh hoạt cá nhân, công việc và hoạt động xã hội.

Biết nói “không”

Nếu cảm thấy những cuộc tụ tập đông người sau dịch làm bạn kiệt sức, hãy nói “không”.

Biết nói “không” chính là “liều thuốc giải độc” giúp bạn tránh bị quá tải. Nếu đồng ý làm quá nhiều thứ với người khác nghĩa là bạn đang nói “không” với những kế hoạch của bản thân. Hãy nhìn vào những mục tiêu và cam kết của mình trước.

Học cách ích kỷ một cách có trách nhiệm và đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu cũng là một kỹ năng sống quan trọng.

Đinh Phạm & Minh Trí / Zing