Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Những sát thủ đáng sợ nhất trong thế giới thằn lằn

Phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và Australia, họ Kỳ đà (Varanidae) gồm những loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại. Là những kẻ săn mồi nhanh nhẹn, chúng có thân dài, chân khỏe, một số loài tiết nước bọt có độc.

Kỳ đà thạch nam (Varanus rosenbergi) dài 1,5 mét, phân bố gần bờ biển phía Nam Australia. Loài kỳ đà này đào bới rất khỏe. Nhanh nhẹn và dẻo dai, chúng có thể săn những con mồi khá lớn.

Kỳ đà hoa (Varanus salvator) dài 2 mét, sống trong rừng mưa và các sinh cảnh ẩm ướt ở Nam Á, thường cư trú gần nguồn nước. Kích thước lớn cho phép chúng săn được nhiều loại con mồi khác nhau.

Kỳ đà vân (Varanus bengalensis) dài 1,7 mét, phân bố rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ. Con non của chúng chủ yếu ăn thực vật, trong khi con trưởng thành săn côn trùng, động vật có xương sống nhỏ và trứng chim.

Kỳ đà xavan (Varanus exanthematicus) dài 1,3 mét, sống trong sinh cảnh xavan ở khu vực châu Phi Hạ Sahara. Chúng có các chi mạnh mẽ dùng để đào bới, bộ hàm khỏe và răng cùn, giống như răng cưa.

Kỳ đà khổng lồ Úc (Varanus Giganteus) dài 2,5 mét, là loài thằn lằn lớn nhất Australia, sống ở các vùng khô hạn của châu lục này. Dù kích thước lớn, chúng khá nhút nhát. Nước bọt của loài này có độc tính nhẹ.

Kỳ đà sông Nile (Varanus niloticus) dài 2 mét, là loài bò sát lớn thứ hai châu Phi, chỉ sau cá sấu. Chúng ăn cả xác thối bên cạnh các loại thức ăn thông thường của kỳ đà.

Kỳ đà cát (Varanus gouldii) dài 1,4 mét, sống ở các khu rừng thưa hay đồng cỏ khắp Australia. Chúng tích cực săn đuổi bất cứ động vật nào nhỏ hơn mình.

Kỳ đà đốm vàng (Varanus panoptes) dài 1,4 mét, phân bố ở Australia và phía Nam đảo New Guinea. Chúng săn các loài bò sát khác và hiếm khi xuất hiện xa nguồn nước.

Chùm ảnh: Những sát thủ đáng sợ nhất trong thế giới thằn lằn

Rồng komodo (Varanus komodoensis) dài 3,1 mét, là loài thằn lằn lớn nhất thế giới, chỉ có ở một số hòn đảo của Indonesia. Là loài săn mồi đáng gờm, chúng chuyên săn những con thú lớn bằng cú đớp mạnh, nước bọt có độc tính.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG