Sống khỏe đã khó, để khỏe và trường thọ lại càng khó hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay nếu sớm hiểu được nguyên tắc và tuân thủ theo bí quyết này của danh y.
Chúng ta luôn muốn sống khỏe mạnh và trường thọ, nhưng nền tảng để đạt được điều ấy không phải ai cũng biết. Hoặc khi biết rồi, không phải ai cũng kiên trì thực hiện.
Sức khỏe, tuổi thọ và kinh nghiệm dưỡng sinh của các danh y đại sư của Trung Quốc luôn là biểu tượng cho rất nhiều người dân nước này ngưỡng mộ và làm theo.
Sau khi phân tích kinh nghiệm dưỡng sinh của hơn 170 danh y đại sư Trung Quốc (bao gồm 2 người trên 100 tuổi, 8 người trên 90 tuổi, 52 người trên 80 tuổi, 97 người trên 70 người). Chúng tôi tổng kết lại có 7 nhân tố chung để mọi người cùng tham khảo.
1. Ăn uống chừng mực, chủ yếu là chay
Các bác sĩ Đông y tin rằng, việc điều chỉnh chế độ ăn uống để dưỡng Tỳ Vị, là nhân tố chủ yếu trong việc nâng cao sức khỏe của người cao tuổi. Họ thích ăn những loại ngũ cốc nguyên hạt được sản xuất tại nơi mình ở, thích ăn rau xanh, các loại đậu và trái cây. Cá và thịt ăn rất ít. Dù có những bữa ăn cá và thịt, tuy nhiên thường là kết hợp với các loại rau, không nghiện các món cá thịt. Kinh nghiệm thực dưỡng của họ là: 1. Không ăn quá no, 2. Không ăn quá mặn; 3. Không ăn quá ngọt; 4. Không ăn quá béo; 5. Không kén ăn. Ngoài ra, bữa sáng ăn ngon, bữa trưa ăn no, bữa tối ăn ít…
Một số bác sĩ Đông y còn áp dụng câu thơ của Viên Mai đời nhà Thanh làm công thức cho chế độ ăn uống của mình: “Đa thọ chỉ duyên xan thực thiếu, bất bão chân thị khước bệnh phương” nghĩa là: Đa phận người sống thọ đều ăn ít, ăn không quá no thực sự là phương pháp chữa bệnh.
2. Sinh hoạt điều độ, thuận theo tự nhiên
Các bác sĩ Đông y sống thọ thường sinh hoạt thuận theo bốn mùa. Mùa xuân và hạ, ngủ muộn dậy sớm để ứng với dương khí sinh trưởng; mùa thu ngủ sớm dậy sớm, để ý chí được yên tĩnh và làm hòa hoãn ảnh hưởng của khí hậu heo hắt của mùa thu. Nếu làm trái thì tổn đến phế làm cho năng lực thích ứng với khí mùa đông bị giảm sút. Mùa đông ngủ sớm dậy muộn, để không làm dương khí của cơ thể bị hàn khí can nhiễu. Để không làm nhiễu động dưỡng khí, cho ý chí yên tĩnh. Quan niệm về giấc ngủ của họ là ‘Trước tiên để tâm ngủ trước, mắt ngủ sau’. Trước khi ngủ loại bỏ hết tạp niệm, điều tức để ngủ ngon. Những phương pháp như ngâm chân, không nói chuyện, không ăn trước khi ngủ đều là những phương pháp giúp ngủ ngon.
Về ăn mặc, chọn quần áo rộng rãi, mềm mại, không bó sát để tạo điều kiện cho khí huyết lưu thông. Mùa xuân nên thay đổi quần áo từ từ, mùa thu không nên mặc quá dày. Họ đều thích đi bộ hơn đi xe, có một số người còn kiên trì đi bộ đi làm, với họ như vậy vừa “tản bộ lại giải phiền”.
3. Tâm thái đơn giản, lấy nhẫn làm đầu
Những thầy thuốc Đông y sống thọ, thường có thể tự loại bỏ ưu tư, phiền muộn, loại trừ đi các yếu tố bất lợi với sức khỏe. Với những điều không tốt cho Tâm trạng, thường thản nhiên, bình tĩnh, không nóng không vội, chọn phương pháp thay đổi hoàn cảnh hoặc mạch suy nghĩ. Đôi khi có thể bộc bạch chia sẻ với bạn thân, tự an ủi bản thân, hoặc dùng cách tĩnh tại không đi sang cực đoan để xử lý. Những vị bác sĩ Đông y này đều là những người bị đàn áp trong thời ‘cách mạng văn hóa’ ở Trung Quốc. Họ tin rằng ‘chính tất thắng tà’, ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’, chưa bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Khi gặp chuyện liên quan tới lợi ích cá nhân, không đi tranh chấp với người ta, lấy nhường nhịn làm đầu, coi nhẫn là phúc.
4. Cống hiến hết mình, không màng danh lợi
Đối với những bác sĩ Đông y này, giúp bệnh nhân giải tỏa sự đau khổ là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. “Bình sinh tối nhạc nhạc vi y”, nghĩa là: Chữa bệnh là niềm hạnh phúc nhất trong cuộc sống. Họ không muốn cả ngày chỉ ăn uống mà không làm việc gì cả. Có vị bác sĩ Đông y chia sẻ, chỉ nhìn thấy bệnh nhân là có thể quên đi tất cả những rắc rối của bản thân. Thật đúng là “Nhạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tướng chí”, nghĩa là: Vui đạo lý mà quên buồn, say đạo lý mà quên tuổi già. Họ coi nhẹ tiền tài vật chất, cho rằng một người coi trọng và luôn nóng vội tìm cách theo đuổi tiền tài của cải vật chất, sẽ hao Tâm khí, hao tổn huyết ở tạng Can, và không thể sống thọ.
5. Phòng bệnh khi chưa đến, lấy dưỡng làm chủ
Các bác sĩ Đông y đều rất quen thuộc với tư tưởng “Trị khi bệnh chưa xảy ra” trong Hoàng đế nội kinh. Họ ủng hộ ba nguyên tắc: Phòng khi bệnh chưa tới, đã có bệnh phòng biến chứng, sau bệnh phòng tái phát. Phải là những người có trải qua nhiều gian nan khốn khó để lập nghiệp, mới có thể tích lũy và đúc rút được các quy tắc phòng bệnh ngay khi chúng chưa xảy ra.
Nhiều bác sĩ Đông y tuổi cao, mắc cao huyết áp, mạch máu não, viêm dạ dày mãn tính, khí Phế thũng… Tất cả họ đều tin rằng, tạo hóa tạo ra con người nhưng để có được thân thể khỏe mạnh phải từ lối sống sinh hoạt lành mạnh. Từ đó, tự tìm các cách khắc phục bệnh tật trong các điều kiện gian khổ như tập vẽ tranh và viết thư pháp để dưỡng Tâm tăng khí. Ý thủ Đan điền để giữ nguyên dương; hoặc hoạt động tứ chi để huyết mạch vận động. Lại có người tìm cách nói chuyện trên trời dưới đất với thế hệ sau, để giữ tâm thái hồn nhiên vô tư của tuổi trẻ. Có người sử dụng thực phẩm thực dưỡng tốt cho sức khỏe tự nhiên như óc chó, hạt thông, vừng đen, hạt dẻ, mật ong, bách hợp… để làm ‘mềm mạch máu’ và loại bỏ độc tố cơ thể.
6. Kiên trì bền bỉ tập thể dục
Hầu hết các bác sĩ Đông y đều coi trọng việc rèn luyện thể chất từ khi còn trẻ ví dụ tập khí công, thái cực quyền, dịch cân kinh… Theo tuổi tác, sức khỏe thay đổi thì các bài tập thể dục cũng thay đổi theo cho phù hợp. Ngoài ra, còn áp dụng những phương pháp dưỡng sinh dễ thực hành như gõ răng, nuốt tân dịch, massage các huyệt vị chân tay, tai… Có vị bác sĩ lại thích yên tĩnh không thích “động”, tuy nhiên loại tĩnh này không phải là tuyệt đối không hoạt động, mà là tự điều tức thay thế vận động tứ chi, chú trọng tập trung vào sức mạnh bên trong thân thể.
7. Tiết chế chuyện phòng the, không cấm không nạp
Đối với vấn đề này, các bác sĩ Đông y quan niệm, khi còn trẻ không nên phóng túng ham muốn quá độ, khi về già không thể tuyệt đối cấm chỉ. Điều chỉnh chuyện phòng the sau tuổi trung niên khó có thể đề ra định số. Một bác sĩ Đông y đề xuất thực hiện “phương pháp điều chỉnh chín chín số”. Sau tuổi 45, lấy số đầu cộng thêm 1, nghĩa là 5×5=25, 25 ngày 1 lần; sau 55 tuổi, lấy số đầu cộng thêm 1, nghĩa là 6×6=36, 36 ngày 1 lần; sau 65 tuổi, lấy 7×7=49, nghĩa là 49 ngày 1 lần. Phương pháp này dễ tính dễ hành, cơ bản hợp với lứa tuổi trung niên và người già.
Kiên Định/dkn.tv
Theo tw.aboluowang.com
Theo tw.aboluowang.com