Năng lượng của sinh mệnh đến từ “Tĩnh”, càng gặp khó khăn lại càng phải tĩnh. (Ảnh: Hoctruongdoi)

1. Dựa vào người khác vĩnh viễn không có tiền đồ
Tục ngữ nói: “Dựa vào núi thì núi đổ, dựa vào cha mẹ thì cha mẹ già, dựa vào anh chị em thì họ sẽ lẩn tránh”, câu này nhắc nhở mọi người, con người chỉ nên dựa vào chính mình, bất luận là ai thì cũng đều không đáng tin. Trên thế giới này không có người nào có thể dựa vào được, kể cả cha mẹ của bạn hay là con cái của bạn cũng không thể dựa vào được.
Nếu như không tự mình đứng lên mà lại trông chờ người khác cho bạn dựa vào, ỷ lại vào người khác, đó là người vĩnh viễn không có tiền đồ.
2. Khí độ quyết định cao độ
Hãy nhớ kỹ, trên đời này không dễ ai cho không ai cái gì, hết thảy thành công đều phải dựa vào sự cố gắng của chính mình. Mỗi người đều có khí độ, tri thức, phạm vi, tâm thái khác nhau. Bạn muốn thành công lớn, lập nên sự nghiệp lớn, muốn bồi dưỡng khí độ của bản thân to lớn như biển cả, vậy phải dành nhiều thời gian để phát triển bản thân, đừng tốn thời gian đi trách móc, đố kỵ với người  khác.
  3. Biết tận hưởng sự cô đơn
Khi màn đêm buông xuống con người mới tĩnh lặng trở lại, có người leo lên đỉnh núi cao hoặc đi tới sa mạc rộng lớn, cảm giác vô cùng yên tĩnh, nước mắt không hiểu vì sao tự nhiên chảy xuống. Đây không phải là đau thương cũng không phải là hạnh phúc, đó là cảm giác vô cùng thoải mái của sự tĩnh lặng, mỗi bộ phận trên cơ thể đều tự nhiên mở ra, nỗi thống khổ, phiền não trong nội tâm phút chốc không còn gì nữa. Đó là tận hưởng sự tịch mịch, không phải có tiền là có thể mua được.

4. Người làm việc đại sự tất phải biết tùy biến
Các vĩ nhân trong lịch sử đều có một số đặc điểm chung, thứ nhất là người lãnh đạo có trí tuệ hàng đầu, hiểu được bước tiếp theo nên thay đổi như thế nào mà dẫn dắt mọi người đi theo, luôn nhìn xa trông rộng. Thứ hai là người biết ứng biến, thuận theo sự thay đổi. Thứ ba là người mà dù cho tất cả đã lay động, anh ta vẫn có thể đứng nguyên tại chỗ bất động, đây chính là chỗ khác biệt của vĩ nhân.

5. Năng lượng của sinh mệnh đến từ “Tĩnh”, càng gặp khó khăn lại càng phải tĩnh
Chúng ta thường nói, quy luật của vũ trụ là bất biến, con người trong cuộc sống thường quên đi sự tĩnh tại, trái lại còn cố hết sức đi làm tiêu hao chính mình, mà không suy nghĩ xem nguồn gốc con người từ đâu mà đến? Chính là từ trạng thái tĩnh mà sinh ra, từ không không mà đến. Vì sao mà con người ta bận rộn cả ngày đến đêm lại thấy buồn ngủ? Chính bởi vì con người cần trạng thái tĩnh, đầu óc không nghỉ ngơi là không được.

Có đôi khi phải xử lý một chuyện phức tạp, khó khăn, không làm sao giải quyết được, vậy thì trước tiên phải buông tâm xuống, tĩnh tại lại, không suy nghĩ gì hết. Bỗng nhiên từ trong tư tưởng lại xuất ra một phương pháp có thể giải quyết vấn đề, đây chính là tác dụng của tĩnh. Nếu như bạn càng suy nghĩ thì càng làm cho đầu óc bị bức bách, các dây thần kinh đều căng lên, cuối cùng không chết cũng bị bệnh.

6. Tu hành chân chính là tu trong cuộc sống hàng ngày

Không nên sợ gặp khốn cảnh, vì nó có thể rèn luyện tâm tính của bạn, đề cao tầng thứ của bạn, tăng trưởng trí tuệ của bạn. (Ảnh: Theoneradio)
Không nên sợ gặp khốn cảnh, vì nó có thể rèn luyện tâm tính của bạn, đề cao tầng thứ của bạn, tăng trưởng trí tuệ của bạn. Chân chính tu hành, chính là tu ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như bạn dùng tấm lòng rộng lượng dung nạp hết thảy, bao dung hết thảy, bạn sẽ không có việc gì là nghĩ không thông, xem hết thảy mọi người đều là người tốt, xem hết thảy sự tình, hoàn cảnh gặp phải đều là chuyện tốt.

7. Tâm tính tốt, thế giới mới có thể tốt đẹp
Phàm là việc gì cũng nên cân nhắc chính mình, suy nghĩ cho người khác. Chỉ có bỏ đi sự ích kỷ, tư lợi, tự ái, bạn mới có thể tự tại được. Không nên đi thay đổi người khác, nhìn người khác không vừa mắt, trước tiên điều chỉnh tâm tính của mình cho thật tốt, tu sửa tâm của mình, hoàn cảnh xung quanh sẽ tùy theo tâm mà chuyển. Bạn đối xử với người khác như thế nào, người khác cũng sẽ đối xử lại với bạn như vậy, không nên lúc nào cũng oán trời trách đất, đừng lúc nào cũng nhìn vào tật xấu của đối phương.

8. Quên ơn của mình, nhưng không quên ơn của người
Giúp đỡ người khác, làm điều lợi cho người khác, trong tâm không cần lúc nào cũng phải nhớ đến, nên quên nó đi. Nhận được ân huệ của người khác thì nhất định phải nhớ kĩ. Có câu: “Làm việc ân huệ thì đừng nhớ, nhận được ân huệ thì chớ quên“.

9. Làm người phải biết an phận, biết đủ là giàu có
Làm việc gì cũng phải chừa lại đường lui cho mình, những chuyện tốt, tiện nghi thì cũng không cần nhiều, lấy nhiều rồi sẽ gặp phiền toái, đó gọi là “Biết đủ là giàu có”. Cũng nên hiểu được thời vận, cố gắng hết sức mình sẽ nghe được thiên mệnh, làm được như thế mới gọi là làm người.

10. Giao hảo bạn tốt
Cổ nhân khi nói về giao hảo với bằng hữu có câu: “Quân tử kết giao nhạt như nước”, bạn tốt không phải là bạn nhậu, không phải mỗi ngày đều lui tới, mà bạn tốt bình thường lại rất nhạt nhẽo. Nhưng đó không phải là lạnh lùng, vô cảm, mà chỉ cần gặp phải khó khăn hay ốm đau bệnh tật thì bạn bè nhất định sẽ tới ngay. Có đôi khi mắt chỉ nhìn nhau thì coi như đã chào hỏi xong rồi, vì trong đó có chứa cả sự chân thành.

11. Đạo lý xử thế
Nhớ kỹ một câu: “Nghiêm khắc đối với bản thân, rộng rãi đối với người khác”, đối với chính mình yêu cầu nghiêm khắc; đối với lỗi sai của người khác, khi trách cứ cũng không cần phải nghiêm khắc như là đối với bản thân mình. Xử thế cũng như vậy, đối với lãnh đạo cũng tốt, đối với đồng sự cũng tốt, đối với cấp dưới cũng tốt, oán hận tự nhiên mà ít đi.

12. Càng than nghèo thì càng nghèo
Không nên suốt ngày than nghèo khổ. Người than nghèo mới thật là nghèo hèn. Người than nghèo, chính là không biết đủ, hoặc là muốn được bố thí, không muốn phải bỏ tiền túi ra. Vì tiếng than này, ông trời sẽ ban từ trường “nghèo” cho bạn, kết quả là càng ngày càng nghèo.
Người muốn giàu có, đầu tiên phải biết đủ, biết đủ là một loại thành công. Đối với sự tình gì cũng đều phải biết đủ, thời gian dần qua cuộc sống sẽ càng ngày càng khá lên, nếu không sẽ càng ngày càng nghèo đi.

Không nghĩ đến lợi cho bản thân, mà chỉ nghĩ đến tốt cho người khác, ông trời ngược lại sẽ không bạc đãi bạn, và bạn cũng từ từ trở nên tốt hơn. (Ảnh: Pinterest)

13. Vì người khác cũng là vì chính mình
Một người có đạo chân chính, sống trong xã hội này thường có rất nhiều oan ức, thống khổ. Không thể lúc nào cũng tìm người khác để than vãn, chỉ có cách tự mình phải vượt qua. Không nghĩ đến lợi cho bản thân, mà chỉ nghĩ đến tốt cho người khác, ông trời ngược lại sẽ không bạc đãi bạn, và bạn cũng từ từ trở nên tốt hơn.

14. Không có ý chí mới đáng sợ
Người trẻ tuổi dù cả đời không có sự nghiệp cũng không sao cả; cả đời không có ý chí mới là vấn đề. Mặc dù có ý chí cũng không nhất định là có thể làm nên sự nghiệp; nhưng nếu như không có ý chí, thì cũng giống như một bài thi bị vo ném vào sọt rác, người trẻ tuổi này coi như là hỏng rồi.

15. Khổ nạn là điều tốt
Trong lịch sử nhân loại phàm là người lập được công lớn, làm nên sự nghiệp lớn, người làm đại sự, đều là từ trong đau khổ mà vươn lên. Mà chính những người từ trong gian khổ vượt xuất ra được, mới hiểu được đạo lý đối nhân xử thế.
Cho nên đối với việc thành tựu một người mà nói, có đôi khi tuổi trẻ chịu khổ nhiều một chút, gặp nhiều gian nan vất vả lại là điều tốt. Muốn làm người lập được công lớn, lập nghiệp lớn, người làm đại sự, nhất định phải có trải nghiệm cuộc sống phong phú.

16. Quân tử không oán trời trách đất
Người có thể không oán trời trách đất, tự xem lại chính mình: Vì sao ta không đứng dậy nổi? Vì sao ta không đạt được mục đích? Có phải là do các vấn đề của bản thân như học vấn, tu dưỡng, phương pháp. Chính mình tự rút ra kinh nghiệm xương máu mà sửa lại, trong nội tâm không chất chứa ý niệm oán trời trách đất. Theo quan niệm hiện đại mà nói, loại tâm lý này là rất sáng suốt, như vậy mới được gọi là quân tử.

17. Bớt khoác lác và làm nhiều hơn
Khổng Tử nói, quân tử chân chính, nên ít nói suông mà làm nhiều hơn. Từ xưa đến nay, tâm lý của nhân loại cũng đều giống nhau, đa phần là nói nhiều còn làm được thì rất ít. Lý tưởng cao quá đến khi làm lại không thực hiện được.

18. Cảnh giới cao nhất chính là bình thường
Học vấn càng cao tư tưởng càng phức tạp. Làm sao vừa có được học vấn cao lại vừa có thể làm một con người đơn giản, đó mới gọi là đệ nhất thiên hạ, bởi cao siêu nên mới bình thường.

Chân Chân (Theo Secretchina)
tinhhoa.net/dkn.tv