Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

6 lời khuyên của Đông Y về dưỡng sinh, trị bệnh, trường thọ

Người ta sống trên cõi đời này không ai có thể thoát khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hoá, cũng không có phép thuật hay phương thuốc bí truyền huyền diệu nào có thể giúp cho con người “trường sinh bất tử”. Nhưng bằng cách thuận theo tự nhiên và hiểu được các quy luật dưỡng sinh, hoàn toàn có thể đạt được mục đích sống khoẻ mạnh hơn. 
Dưới đây là 6 lời khuyên đơn giản của bác sĩ Đông y giúp bạn hướng tới một sức khỏe thực sự

1. Dưỡng sinh không nên cả tin mù quáng
Với sự phổ biến và tiện lợi của internet, hiện nay không khó để tham khảo các thông tin về sức khỏe, dưỡng sinh trên đó. Những lời khuyên hay bài thuốc đó rốt cuộc có thích hợp với bản thân mình hay không vẫn là nghi vấn của rất nhiều người. Trước khi muốn thực hiện bài thuốc nào đó trên mạng hãy nhớ tới hai câu chuyện của bác sĩ Đông y Nghiêm Thế Vân, chủ tịch danh dự hiệp hội Đông y Trung Quốc sau đây:
Câu chuyện thứ 1: Trong một số chương trình sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh về đốt sống cổ hãy dùng gối thấp để ngủ. Kết quả mọi người đều nghe theo, dù nằm thẳng hay nghiêng đều như vậy, cũng không cần biết tình trạng đốt sống cổ thực tế ra sao để chọn lựa loại có độ cao phù hợp. Kết quả có nhiều bệnh nhân gặp vấn đề nghiêm trọng về đốt sống cổ khi được kiểm tra lâm sàng đều hỏi bác sĩ, tôi đã dùng gối thấp để ngủ rồi sao vẫn cứ mắc bệnh này?
Câu chuyện thứ 2: Thỉnh thoảng các bác sĩ trong bệnh viện nơi ông làm việc lại gặp những trường hợp bệnh nhân như sau. Vừa đến lượt vào thăm khám liền tìm cách thương lượng với bác sĩ. ‘Bác sĩ ơi, tôi thấp khí trọng, thận âm hư, ông xem có cách nào trừ thấp giúp tôi với’. Hỏi tới lui một hồi, các bác sĩ phát hiện hóa ra họ đều xem được từ các chương trình truyền hình về sức khỏe. Người già là nhóm đối tượng thường xuất hiện vấn đề này. Bởi ở nhà nhàn rỗi nên mỗi khi đến các chương trình sức khỏe đều chăm chú theo dõi, sau đó tự áp dụng và tự khám cho mình và tới yêu cầu bác sĩ kê đơn theo.
Dưỡng sinh không nên cả tin mù quáng. (Ảnh: m.iiyi.com)
Các phương pháp dưỡng sinh quả thật là tốt, tuy nhiên có thể thích hợp với tất cả mọi người hay không là điều khó đảm bảo. Đừng nên vì hôm nay nghe nói ăn đậu xanh dưỡng sinh tốt cho sức khỏe liền mua đậu xanh, mai có người nói cái khác tốt lại mua cái đó. Khi tự mình không thể quyết định, hãy tìm bác sĩ tư vấn xem cái nào là thích hợp và tốt nhất cho mình.
2. Dưỡng sinh cần thuận theo tự nhiên
Người Trung Quốc có câu: ‘Xuân ủ thu đống, bách bệnh bất sinh’, tạm dịch: Mùa đông không nên cởi bỏ hết áo ấm, mùa thu không nên mặc quá dày, nên thích ứng phù hợp với tự nhiên. Đây cũng là lời nhắc nhở, mùa xuân và buổi sáng nên giữ ấm sẽ có lợi cho việc bảo vệ và thúc đẩy dương khí phát triển, đến cả ăn mặc cũng cần thích hợp. Nếu thời tiết này uống và tắm bằng nước lạnh, cũng giống như một ngọn lửa vừa nhen nhóm trong mùa đông đột nhiên gặp sương giá. Trong giới tự nhiên, nếu một cái cây làm trái quy luật tự nhiên, cứ nhất định phải nảy mầm sinh trưởng vào mùa đông, thì điều chờ đợi nó chỉ có tiêu vong.
Thời cổ, những người nông dân đều sinh sống như vậy. Mỗi ngày, khi mặt trời mọc là họ lại bắt đầu ra đồng làm việc cày cấy đến lúc Mặt Trời lặn thì dừng. Những ngày mưa gió, họ lại ở nhà nghỉ ngơi, những người có chí hướng thì dành thời gian để đọc sách, ngâm thơ. Cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, đôi khi vào những ngày mưa gió, người ta vẫn có thể gặp cảnh những người nông dân trồng cây, bón lúa… Đây phải chăng là “nghịch thiên” mà làm? Cái được thực sự liệu có bù nổi cho cái mất?
Xã hội hiện đại, rất nhiều người vì mải mê làm việc, bận rộn kiếm tiền, ngày đêm đảo lộn, ngày nghỉ cũng làm việc khiến cho không ít người tâm tính trở nên nóng nảy, khó nhẫn nại. Sau một thời gian dài làm việc trong hoàn cảnh “không phù hợp quy luật thiên nhiên”, rất dễ dàng xảy ra hiện tượng nhiều người tích tụ mệt thành bệnh, hơn nữa còn là các bệnh lạ chưa từng có.
Dưỡng sinh cần thuận theo tự nhiên. (Ảnh: ezvivi3.com)
Người xưa quan niệm “Thiên Nhân hợp nhất”, nhấn mạnh sự hài hòa giữa người và tự nhiên. Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên“, tạm dịch là “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên“. Cơ thể con người là tiểu vũ trụ, còn thiên nhiên là đại vũ trụ. Tiểu vũ trụ ở trong đại vũ trụ, thời thời khắc khắc đều sẽ chịu ảnh hưởng của đại vũ trụ. Bốn mùa khác nhau, tiết khí khác nhau, sẽ đối ứng với chứng bệnh khác nhau, vì vậy từ xưa khí hậu và y học chính là cùng nguồn gốc.
Chúng ta phân chia bốn mùa theo khí Thiên Địa thì dưỡng sinh cũng phải thuận theo tự nhiên, tùy thời thay đổi. Thân thể của chúng ta tương thông với tự nhiên, thích ứng với thủy, thổ, tự nhiên, thực vật, khí hậu của địa phương mình sinh sống. Vì vậy những ai muốn dưỡng sinh, sống khỏe mạnh thì nên ăn thực phẩm theo mùa của địa phương, sống hài hòa với thiên nhiên, bản thân sẽ hình thành một tiểu hoàn cảnh sinh thái nguyên sơ. Kể từ đó, bất luận môi trường bên ngoài biến đổi thế nào thì tiểu hoàn cảnh khỏe mạnh trong cơ thể vẫn có thể duy trì khá ổn định.
3. Sức khỏe không chỉ trông đợi vào bác sĩ
Bác sĩ không phải là toàn năng, họ chỉ có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân giảm thiểu sự đau đớn ở một mức độ nhất định sau khi mắc bệnh, kéo dài mạng sống đến một thời gian nhất định. Có nhiều loại bệnh không được giải quyết được từ tận gốc vấn đề. Có nhiều người giao phó sức khỏe của mình cho bác sĩ không chú trọng tự mình cần dưỡng sinh chăm sóc, đây là điều rất sai lầm. Khi mắc bệnh, trong quá trình điều trị đại đa số đều thông qua việc hỗ trợ thúc đẩy cơ chế tự phục hồi chức năng để đạt hiệu quả trị liệu.
Thần y không ở đâu xa mà ngay trong thân thể bạn. Hãy học cách tận dụng. (Ảnh: sohu.com
Giáo sư Hách Vạn Sơn của Đại học Y dược Bắc Kinh từng chia sẻ một câu chuyện về người bạn thời đại học của ông: Thời gian thi tốt nghiệp đại học người bạn của ông chỉ bị cảm lạnh thông thường, sau đó vì không chú ý nên để dẫn tới viêm amidan và tiếp theo bị viêm cầu thận. Sau khi tốt nghiệp, người bạn này bị phân công công tác đi ngoại tỉnh và mấy năm sau bệnh tiến triển nặng tới suy giảm chức năng thận. Mặc dù ở Bắc Kinh đã tìm được nguồn và thực hiện cấy ghép thận, nhưng chỉ một năm sau quả thận bị cấy ghép lại bị thận suy. Sau đó lại thực hiện ghép thận lần hai, nhưng nửa năm sau không qua khỏi vì suy đa tạng. Ông là bác sĩ công tác trong viện lớn, nhưng cuối cùng không thể giữ nổi tính mạng của mình. Thần y tài giỏi không phải ở bệnh viện, mà ở ngay trong cơ thể bạn. Linh đan thần dược không phải có ở hiệu thuốc, mà ở ngay trong thân thể bạn, chỉ là bạn có biết cách ‘kích hoạt’ giúp chúng phát huy tác dụng hay không.
4. Không nên ỷ lại vào thuốc bổ
Khi mức sống của người dân dần nâng cao, ngày càng có nhiều người dựa vào việc dùng thuốc Đông y hoặc các loại thực phẩm chức năng để duy trì sức khỏe và chống lão hóa. Có nhiều người nghĩ rằng thuốc bổ là thần dược giúp bạn giải quyết mọi vấn đề. Nhưng liên quan đến việc bồi bổ, hầu hết mọi người đã phạm phải hai sai lầm.
Thứ nhất, dưỡng sinh là việc làm mang tính hệ thống, sinh hoạt không điều độ, chế độ ăn uống không điều độ, ít tập luyện thì dù có dùng thảo dược nào bồi bổ cũng khó sống thọ sống khỏe. Nếu bạn có bệnh, tất nhiên, nên nghe và dùng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu sức khỏe bình thường, tốt nhất nên rèn luyện thói quen tập thể dục hàng ngày và thông qua chế độ ăn uống hợp lý để tăng cường sức khỏe. Hạn chế dùng thuốc và các loại thuốc bổ.
Thứ hai, không phải tất cả các cơn mệt mỏi đều cần dùng thuốc bổ. Theo các bác sĩ Đông y Thi Tiểu Mặc, việc dùng thuốc bổ cũng giống như tưới nước và bón phân cho hoa. Không chỉ các loài hoa khác nhau dùng các phương pháp khác nhau, mà trên thực tế, không phải ai cũng cần thuốc bổ. Có bệnh nhân đến khám và nói tôi luôn thấy mệt mỏi muốn dùng thuốc bổ cho đỡ. Nhưng sau khi kiểm tra, bác sĩ Thi phát hiện thấy bựa lưỡi dày, không phải là hư, mà là thực chứng, thấp khí quá nhiều. Ông nói: “Giống như một chiếc xe hơi chạy không được nhanh, không phải vì không có dầu, xe không tốt. Nếu đường bị tắc, cho dù đó là một chiếc xe tốt hay xấu, đều không thể chạy. Khi kinh lạc bị chặn bởi thấp khí, và hàn ẩm. Khi này cần thanh lợi thấp nhiệt, khai thông lối đi, thay vì dùng thực phẩm bồi bổ. Quan điểm khi cơ thể mệt mỏi khó chịu cần bồi bổ là hoàn toàn sai lầm.
5. Đừng tự tăng thêm phiền muộn cho bản thân
Hãy học cách lạc quan vui vẻ, biết đủ làm vui (Ảnh: 988.com.my)
Mọi sự tùy duyên, điều gì qua đi thì hãy buông bỏ để nó qua đi, nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại, như vậy mới sống được tự nhiên, thản đãng. Còn nếu như cố gắng níu giữ thì chỉ khiến bạn sống triền miên trong vô vọng và tâm linh bị đè nặng mà thôi.
Con người thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tạo thành một loại ràng buộc, bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì hãy thật lòng trân quý, khi mất đi điều gì cũng đừng đau khổ tiếc nuối. Để ý quá nhiều, quá sâu sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhịp sống bận rộn vội vàng của cuộc sống hiện đại làm chúng ta đối diện với rất nhiều vấn đề về tâm lý, áp lực tinh thần. Hãy học cách khoan dung với tất cả, không nên giận dữ. Làm người học được cách điềm nhiên đối đãi với hết thảy, dùng bình tĩnh để đối đãi với mọi sự công bằng và bất công bằng trong cuộc sống, thản nhiên tiếp nhận mọi sự an bài hợp ý và không hợp ý mình. Ấy mới là cách đối đãi của bậc trí huệ. Bởi chỉ có tinh thần vui vẻ, có sức khỏe cả tâm và thân mới là phương pháp dưỡng sinh tốt nhất.
6. Dù cơm ngon đến đâu cũng không nên ăn thêm dù chỉ một miếng
Học cách tự kiểm soát việc ăn uống, đồ ăn dù ngon tới đâu cũng chỉ nên ăn no tới bảy phần. (Ảnh: sohu.com)
“Dù cơm ngon đến đâu cũng không nên ăn thêm dù chỉ một miếng” – Đây cũng là bí mật dưỡng sinh của bác sĩ Đông y Dương Hữu Hạc. Một số người dù đã no nhưng vì cảm thấy ngon miệng, lại muốn ăn thêm một vài miệng, hoặc cảm thấy bỏ thì lãng phí, nên cố ăn cho hết. Có một số bệnh hiện đại nhiều trong số đó là do ăn quá nhiều gây ra, ví dụ, một trong những thủ phạm chính gây ung thư là béo phì, tim mạch vành, huyết áp cao và tiểu đường.
Mỗi bữa ăn chỉ nên ăn no bảy đến tám phần, đó là bí kíp đơn giản nhưng rất hiệu quả giúp bạn sống lâu. Từ cổ chí kim, biện pháp sống lâu không dưới vài trăm cách, biện pháp giúp sống lâu hiệu quả nhất là duy trì đều đặn thói quen ăn bảy đến tám phần no mỗi bữa ăn.
Các nhà khoa học Mỹ từng tiến hành thí nghiệm như sau: cCho 100 con khỉ ăn uống tuỳ thích, ngoài ra cho 100 con khác ăn no chỉ khoảng 70-80%, cung cấp khẩu phần ăn cho chúng với khối lượng nhất định. Kết quả sau 10 năm, 100 con của nhóm 1 mập lên, nhiều con bị bệnh mỡ máu tăng cao và cao huyết áp, tử vong tới một nửa. Còn nhóm thứ 2 ăn theo định lượng vẫn khoẻ và cân đối, tinh thần tốt, ít bệnh tật, 10 năm chỉ chết 12 con.
Kiên Đinh/dkn.tv Nguồn tham khảo: aboluowang