Mỗi năm có khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh về tim mạch gây nên các cơn đau tim và các vấn đề khác, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi lên cơn đau tim?
Đầu tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân trước đã!
Cũng như các cơ khác, tim cần oxy và khi không có đủ lượng oxy cần thiết, cơn đau tim xảy ra. Lượng mỡ tích tụ hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch vành - những mạch máu có vài trò cung cấp máu giàu oxy tới tim. Các mảng xơ vữa này ngày càng lớn lên khi ta già và dần dần làm hẹp lòng động mạch.
Cuối cùng, mảng xơ vữa có thể trở thành vật cản. Nếu một trong các mảng xơ vữa bị nứt vỡ, một cục máu đông sẽ hình thành quanh đó chỉ trong vài phút và chặn luồn máu lưu thông gây tắc mạch và nhồi máu cơ tim.
Việc lưu thông máu đến cơ tim bị gián đoạn và chỉ trong vài phút, các tế bào thiếu oxy bắt đầu chết. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể xấu đi nhanh chóng. Cơ bị tổn hại có thể không bơm được máu và dẫn đến tim loạn nhịp. Trong trường hợp xấu nhất, nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột tử.
Làm thế nào bạn biết được khi nào bị đau tim?
Triệu chứng phổ biến nhất là đau ngực do cơ tim bị thiếu oxy gây ra. Các bệnh nhân cảm thấy như bị bóp nghẹt. Nó có thể lan ra cánh tay trái, hàm, lưng và bụng. Nhưng không phải lúc nào cũng bất ngờ và kịch tính như trong phim. Một số trường hợp cảm thấy buồn nôn hay khó thở.
Các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi vì sẽ bị lầm tưởng là sự mệt mỏi bình thường. Và nguy hiểm hơn hết, ở khá nhiều người, đặc biệt với những ai mắc bệnh tiểu đường và các căn bệnh đau thần kinh thì cơn đau tim có thể xảy ra một cách yên lặng.
Làm gì khi có triệu chứng đau tim?
Nếu bạn nghi ngờ ai đó có thể đang bị đau tim, việc quan trọng nhất là phải cấp cứu ngay lập tức để nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ dùng Aspirin (thuốc làm loãng máu) và Nitroglycerin (thuốc giãn động mạch) để giữ cho cơn đau tim không trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong phòng cấp cứu, các bác sĩ có thể chẩn đoán một cơn đau tim bằng việc sử dụng điện tâm đồ để đo hoạt động cơ tim và xét nghiệm máu để đánh giá tổn thương cơ tim. Bệnh nhân sau đó được đưa tới phòng khám tim công nghệ cao nơi làm các xét nghiệm để xác định vị trí bị nghẽn.
Những cách phổ biến trong điều trị bệnh động mạch vành có thể kể đến như: Nong mạch bằng bóng, phẫu thuật đặt stent (đưa vào một khung đỡ bằng kim loại hay nhựa dẻo để giữ cho lòng động mạch được thông).
Nhưng nếu bị tắc nghẽn nặng có thể cần đến phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phẫu thuật ghép nối một đoạn tĩnh mạch hay động mạch từ phần khác của cơ thể (thường ở tay và chân) khiến dòng máu lưu thông theo một đường khác đến tim giúp tái lập sự lưu thông và phục hồi chức năng tim.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Điều trị đau tim tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng phòng ngừa vẫn là tốt nhất. Cả các yếu tố di truyền và lối sống đều tác động đến nguy cơ đau tim. Do đó bạn có thể thay đổi lối sống để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và giảm cân đều có thể giảm nguy cơ xảy ra đau tim, bất kể bạn đã từng bị trước đó hay chưa.
Các bác sĩ khuyên nên tập thể dục vài lần một tuần, thực hiện cả các bài tập rèn luyện sức mạnh. Một chế độ ăn uống có lợi cho tim với lượng đường và chất béo bão hòa thấp. Ăn thật nhiều chất xơ, thịt gà và cá, hạn chế ăn thịt đỏ, bơ và đường, ngoài ra các loại ngũ cốc và quả hạch như óc chó, hạnh nhân đều có lợi.
Thuốc cũng có thể giúp ngừa đau tim. Bác sĩ thường kê thuốc Aspirin liều thấp, đặc biệt là cho các bệnh nhân đã từng bị đau tim và những người có có nguy cơ cao. Các loại thuốc giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường cũng sẽ giảm khả năng xảy ra đau tim.
Đau tim có thể phổ biến nhưng không phải là không ngừa được. Chế độ ăn uống lành mạnh, kế hoạch luyện tập hợp lý, tránh sử dụng thuốc lá, ngủ đủ giấc, sống yêu đời vui vẻ, thực hiện hết những điều này sẽ giúp bạn đảm bảo có một hệ tim mạch khỏe mạnh!
(theo khoahoc.tv)
--------------------------------------------------------------
Đọc thêm