Người làm cha làm mẹ đều muốn
dành tặng cho con cái những gì tốt nhất. Đây là tình yêu cơ bản nhất của
cha mẹ cho con cái. Nhưng ngoài những thứ vật chất bề ngoài này, cha mẹ
cũng nên để lại cho con 6 loại của cải không thể mua được bằng tiền.
Thứ nhất: Tình thân
Đối với một đứa trẻ mà nói, sự gần gũi,
yêu thương của cha mẹ, những người thân trong gia đình luôn là thứ tình
cảm ấm áp nhất và sẽ trở thành những ký ức đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ
của mỗi đứa trẻ.
Có một tâm lý học gia đình từng phỏng
vấn rất nhiều thanh thiếu niên từ 15-20 tuổi, hỏi, ấn tượng sâu sắc nhất
của các bạn đối với cha mẹ mình là chuyện gì?
Có một người được phỏng vấn thích thú trả lời: “Vào
năm 5 tuổi, có một lần tôi và em trai tan học ngồi trên bậc cầu thang,
chờ mẹ đến đón chúng tôi. Mẹ tôi ngay từ khi bước vào cổng đã từ xa dang
rộng hai cánh tay, mỉm cười chờ đón chúng tôi. Đó là một trong những
khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời tôi!”
Nhưng cũng có người được phỏng vấn lại nói một cách lạnh lùng: “Ba mẹ tôi suốt ngày chỉ cắm đầu vào điện thoại, họ vốn dĩ không quan tâm đến tôi.”
Bạn có thể tưởng tượng được, hai loại
trải nghiệm khác nhau đối với cha mẹ của 2 người nọ sẽ tác động đến cuộc
đời họ như thế nào. Thế nên, ba mẹ ơi! Khi ba mẹ có thời gian ở bên
cạnh con cái, đừng ngại tạm gác chuyện nhỏ nhặt để cùng với con cái tạo
dựng ký ức đẹp đẽ, đừng để lại sự hối tiếc trong lòng đôi bên. Muốn con
cái thông cảm với nỗi vất vả của mình, thương yêu gia đình, thì sự gần
gũi của cha mẹ là cách làm duy nhất.
Thứ hai: Sự biết ơn
Cha mẹ luôn sống với một thái độ biết ơn sẽ giúp con biết trân quý cuộc sống. (Ảnh: iucn.org)
Trong thời hiện đại có rất nhiều người
không cảm nhận được hạnh phúc của mình, chỉ hơi không như ý là oán trời
oán đất, oán cha mẹ oán người khác, cho rằng tất cả mọi chuyện mà người
khác làm cho mình đều là lẽ đương nhiên hết, nhưng thực ra, trên đời,
chỉ có cha mẹ mới là người tốt với bạn vô điều kiện, cho bạn mọi thứ mà
không đòi hỏi gì hết.
Thế nên, cha mẹ phải biết dạy con biết
ơn và trân quý những gì đang có, có như vậy, đứa trẻ mới không trở nên
ích kỷ, tư lợi và biết hài lòng với cuộc sống của mình.
Thứ ba: Gần gũi với thiên nhiên
Học 100 tiết khóa học mầm non không bằng đưa con đi gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: amazon.com)
Rất nhiều cha mẹ lo lắng con mình bị
thương, luôn gò bó con mình ở trong nhà, nhưng chưa từng nghĩ đến thiên
nhiên cũng là môi trường giáo dục tốt nhất. Chẳng thế mà nhà tâm lý học
Lý Tử Huân từng nói rằng: “Học 100 tiết khóa học mầm mon không bằng đưa con đi gần gũi với thiên nhiên.”
Thiên nhiên là sân vận động tự nhiên của
các trẻ nhỏ, không chỉ có thể mở mang tầm nhìn của trẻ, còn có thể bồi
dưỡng tâm lý tò mò của con, nảy sinh lòng thương xót của con đối với
sinh mạng của thực vật và động vật, ngoài ra còn giúp con có được trạng
thái học tập tốt hơn. Nếu bạn để ý sẽ thấy những đứa trẻ chán học rất có
thể là lúc nhỏ được chơi đùa rất ít.
Thứ tư: Yêu thích đọc sách
Đọc sách là một thói quen vô cùng tốt. (Ảnh: bethongminh.vn)
Đọc sách là một thói quen vô cùng tốt,
giúp tăng thêm kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Thế nên để nuôi dưỡng thói
quen đọc sách cho trẻ, cha mẹ nhất định phải cung cấp cho con không
gian đọc sách tốt nhất, thường xuyên đưa con đi đến tiệm sách và thư
viện, giúp con yêu thích việc đọc sách. Bản thân cha mẹ cũng phải làm
gương cho con bằng cách tự mình rèn luyện thói quen đọc sách.
Nếu như đứa con có thể tìm được một vùng
đất yên tĩnh của tâm hồn trong văn chương thì có thể xem đây chính là
sự giàu có trong tinh thần mà hiếm ai có được.
Thứ năm: Hiểu biết lịch sử
Đừng ngại đưa con đi tham quan viện bảo
tàng để con có thể cảm nhận được không khí lịch sử ở đó. Nhìn thấy những
đồ vật, dụng cụ cũ kỹ có từ các niên đại khác nhau được gìn giữ trong
khi thế giới không ngừng thay đổi sẽ khiến trẻ cảm nhận sức hấp dẫn của
lịch sử. Điều này không chỉ giúp ích cho việc học của con, mà còn có thể
làm phong phú trải nghiệm cuộc đời của chúng.
Thứ sáu: Chịu được khổ
Trắc trở đối với đứa con mà nói chưa chắc là chuyện xấu, mấu chốt nằm ở thái độ của nó đối với trắc trở. (Ảnh: webtretho.com)
Nhà tâm lý học nổi tiếng Maslow từng nói: “Trắc trở đối với đứa con mà nói chưa chắc là chuyện xấu, mấu chốt nằm ở thái độ của nó đối với trắc trở.” Bạn
phải biết là, cha mẹ nào cũng không thể cả đời đi theo con cái, càng
không thể chăm sóc con cái cả đời. Cho nên nếu hôm nay bạn không nỡ để
con phải chịu khổ, tri thức và kinh nghiệm mà con có được sẽ rất ít thì
trong tương lai, khả năng chịu khổ của con sẽ càng kém.
Thời gian trước thời sự từng đưa tin,
hai cha con ở Lạc Dương đi bộ hết 400 km đến Tây An, đứa con 10 tuổi đó
vì có cha mình làm gương, hai người vừa lau mồ hôi vừa đi bộ, không ai
kêu mệt, cuối cùng chinh phục hết toàn bộ hành trình. Mà đoạn trải
nghiệm cuộc đời này sẽ làm mạnh tâm lý trắc trở của con, giúp nó sẽ
không dễ dàng đầu hàng khi gặp khó khăn, trắc trở.
Có một câu chuyện rằng, xưa có ba người
cha thường xuyên vào trong chùa cầu phúc cho con trai, ngày tháng lâu
dần làm cảm động Bồ Tát. Rồi một hôm Bồ Tát hiện lên, cho phép bọn họ từ
trong vô số báu vật mỗi người chọn một món, mang về tặng cho con trai.
Người cha thứ nhất chọn một cái chén bạc nạm đầy đá quý, người cha thứ
hai chọn một chiếc xe ngựa nạm đầy vàng ròng, người cha thứ ba chọn một
bộ cung tên bằng sắt.
Tài sản vô số không bằng một nghề trong tay!
Đứa con trai có được chén bạc đắm chìm
vào ăn uống, đứa con có được xe ngựa thì thích đi nghênh ngang trên phố,
còn đứa con có được cung tên thì suốt ngày ở trong núi săn bắn. Nhiều
năm sau, ba người cha đều qua đời. Đứa con thích ăn chơi ngày nọ đem
chiếc chén bạc đi bán, tiêu hết tiền, không biết làm gì đành đi ăn xin.
Đứa con thích khoe khoang mỗi ngày đều cạo một chút vàng trên chiếc xe
ngựa ra tiêu xài, đến khi xe ngựa hết vàng, đành đi làm thuê, làm mướn
cho người ta, sống vất vả qua ngày. Còn đứa con được cha tặng cung tên
đã luyện được công phu săn bắn tốt, thường xuyên vác con mồi trở về, cả
nhà có cái ăn cái mặc.
Đọc xong câu chuyện này, có phải cũng
làm bạn hiểu ra chút gì rồi không? 6 loại của cải ở trên, người làm cha
làm mẹ, mau để lại cho con bạn đi! Hãy nhớ kỹ: “Tài sản vô số không bằng một nghề trong tay. Một bụng kinh luân, không bằng một ý nghĩ tốt trong tâm.”
Châu Yến (biên dịch)
dkn.tv