Đo huyết áp và nhịp tim là 2 chỉ số cơ bản được dùng làm căn cứ để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người.
Huyết áp ở mỗi người không giống nhau và khác nhau ở thời điểm đo, độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp chuẩn vẫn được tính trong khoảng mức nhất định, đó là huyết áp tâm thu từ 90-140 mmHg; huyết áp tâm trương từ 60-90 mmHg.
Chỉ số huyết áp dao động trong giới hạn này được coi là bình thường. Nếu huyết áp dưới ngưỡng hoặc vượt ngưỡng trên sẽ là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường về sức khỏe.
Về chỉ số nhịp tim được tính là số lần tim co bóp (đập) trong khoảng thời gian 1 phút.
Ở người khỏe mạnh bình thường, nhịp tim ở các thời điểm khác nhau cũng có sự thay đổi và khác biệt nhất định. Khi ở trạng thái nghỉ ngơi hay thư giãn, nhịp tim thường thấp hơn và ngược lại, nếu vận động mạnh thì nhịp tim sẽ nhanh hơn. Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim thường liên quan mật thiết đến nhau.
Nhịp tim bình thường được tính ở mức chuẩn là 60 - 90 lần/phút với người trưởng thành khỏe mạnh. Nhịp tim trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 100 - 160 lần/phút, trẻ 1 tuổi khoảng 80 - 130 lần/phút, trẻ 6 tuổi là khoảng 70 - 110 lần/phút.
Ngoài con số này, tất cả các chỉ số nhịp tim có sự chênh lệch quá lớn so với mức chuẩn đều là những dấu hiệu cảnh báo bất thường mà chúng ta không nên chủ quan.
Thông qua chỉ số đo huyết áp và nhịp tim, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán sơ bộ về tình trạng sức khỏe của một người.
Các vấn đề về huyết áp
Huyết áp thấp: Chỉ số huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60mmHg. Chỉ số huyết áp sẽ gây nên tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thậm chí ngất xỉu, buồn nôn và nôn.
Huyết áp thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là do bệnh lý về tim mạch, mang thai, trọng thương hay thiếu dinh dưỡng.
Cao huyết áp: là tình trạng chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường cho phép. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và những người bệnh nền.
Đây được cho là căn bệnh có khả năng “giết người thầm lặng” bởi những bộc phát về tăng huyết áp có thể gây tai biến, đột quỵ, tỷ lệ tử vong cao.
Các bệnh lý về tim mạch, nhịp tim
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim thường liên quan mật thiết đến nhau. Nếu huyết áp tăng hoặc giảm cũng thường dẫn đến nhịp tim bất thường. Các bệnh lý về huyết áp cũng kéo theo bệnh lý về tim mạch. Chỉ số của nhịp tim sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của người bệnh. Chỉ số này thường gặp phải những vấn đề như:
Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim không đều, tần số nhịp tim thay đổi nhanh hoặc chậm không ổn định.
Nhịp tim chậm: Tim đập chậm <60 nhịp/ phút. Dẫn tới hậu quả là mệt mỏi, khó thở, ngất xỉu…
Nhịp tim nhanh: Tim đập nhanh hơn mức bình thường dẫn đến tình trạng hồi hộp, lo âu, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi, đau thắt ngực.
Nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn nhịp tim thường là do người bệnh bị rối loạn dẫn truyền do một số bất thường cấu trúc của tim, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bị tiểu đường, mắc bệnh tim bẩm sinh, cường giáp,… hoặc một số nguyên nhân khác.
Yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp, nhịp tim
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim có sự thay đổi nhất định đối với mỗi người chứ không cố định ở một mức độ nào đó. Các chỉ số này đều bị ảnh hưởng bởi những yếu tố cả bên trong và bên ngoài.
Do bệnh lý
Những người bệnh nền luôn có chỉ số huyết áp và nhịp tim không ổn định, thường là huyết áp cao và rối loạn nhịp tim. Tùy theo tình trạng của bệnh mà chỉ số huyết áp và nhịp tim có sự thay đổi khác nhau. Nếu bệnh nhân có huyết áp không ổn định thì thường nhịp tim cũng sẽ không đạt ở mức chuẩn.
Do thể trạng
Những người thừa cân, béo phì thường, chỉ số đo huyết áp và nhịp tim cao hơn mức bình thường. Ngược lại, những người gầy gò, ốm yếu, xanh xao luôn có huyết áp thấp hơn. Đây đều là những thể trạng không đảm bảo về sức khỏe và cần được cải thiện.
Thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt thường ngày ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số huyết áp và nhịp tim. Những người thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, uống rượu, bia đều có huyết áp đo được cao hơn mức bình thường. Chỉ số nhịp tim vì thế cũng cao hơn mức chuẩn.
Do lối sống
Việc duy trì thói quen thể dục thể thao đều đặn, ăn uống lành mạnh luôn là yếu tố hàng đầu giúp ổn định chỉ số huyết áp và nhịp tim trong cơ thể. Đây cũng chính là giải pháp tốt để mỗi người tự biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân.
Có thể thấy, chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là cơ sở hàng đầu để đánh giá sức khỏe một người có đảm bảo khỏe mạnh bình thường hay không.
Những người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim mạch nên thường xuyên theo dõi các chỉ số này để có giải pháp phòng ngừa bệnh tật hay xử lý nhanh những trường hợp khẩn cấp, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
(theo soha)