Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Sốt Là Gì? Tại Sao Bị Sốt?



Triệu chứng sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể vượt lên trên mức trung bình 36-37 độ C (98-100 độ F). Sốt không phải là chứng bệnh nhưng là dấu hiệu của những căn bệnh khác, đa phần là nhiễm trùng. Sốt thường kéo theo những triệu chứng khó chịu khác như nhức mỏi và “nóng lạnh”. Thường thì khi nhiệt độ càng tăng, bệnh nhân sẽ có cảm giác lạnh bên trong cơ thể cho đến khi nhiệt độ đã tăng tới mức tối đa thì cảm giác lạnh sẽ chấm dứt.


Ngày xưa, vì kém hiểu biết về nguyên nhân của sốt, “hiện tượng sốt” mang nhiều tính cách thần bí, “ma hờn quỷ ám”. Để chữa trị sốt, từ Đông sang Tây có nhiều phương pháp ngày nay xem ra rất cuồng tín, như cho bệnh nhân uống thuốc bùa, cúng kiến trừ tà. Cá nhân tôi, khi còn là bé sơ sinh cũng bị sốt đến làm kinh phong và hôn mê bất tỉnh. Vì sợ mất con, Ba Má tôi đã áp dụng những phương pháp “kỳ quặc” để chữa sốt.


Nhiệt độ của cơ thể thay đổi trong ngày và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cách ăn uống, lúc ngủ, và thời điểm trong ngày. Nhiệt độ cơ thể nóng nhất vào khoảng 6 giờ chiều và lạnh nhất vào khoảng 3 giờ sáng khi ta đang ngủ say


Sốt đa phần là do nhiễm trùng gây ra nhưng cũng có một số chứng bệnh khác cũng gây ra sốt. Nhiệt đô cơ thể tăng cao khi hệ thống đề kháng của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vì thế đa số mọi trường hợp, sốt chỉ là “phản ứng phụ” trong “trận chiến chống quân xâm lược”, không thể tránh khỏi, và, phải hiểu là khi sốt càng cao, sức đề kháng và trận chiến càng khốc liệt. Tuy nhiên, một đôi khi nhiệt độ tăng quá cao có thể gây ra nguy hiểm và rắc rối thêm cho cơ thể. Một số bệnh nhân liệt kháng như bệnh AIDS lại thiếu khả năng… sốt, vì sức đề kháng yếu kém. Nhưng ngược lại, có khi sốt nhẹ là do bệnh nhẹ hay cơ thể đã quen và miễn nhiễm với vi trùng. Vì thế, trẻ em dễ bị sốt cao hơn vì là lần đầu tiên trong dời nhiễm khuẩn. Vì thế nhiệt độ cao hay thấp chưa hẳn có tỉ lệ thuận với mức độ trầm trọng của cơn bệnh.


Thường thì nếu chỉ bị sốt nhẹ, chúng ta không cần phải lo lắng, vì cơ thể đang tiêu diệt vi trùng khá hữu hiệu. Chỉ khi nào sốt làm cho ta mệt, khó chịu thì mới dùng thuốc giảm sốt như Tylenol chẳng hạn. Nếu sốt vì cảm cúm thì đa phần không cần thuốc trụ sinh, nhưng nếu sốt vì vi trùng thì phải uống thuốc trụ sinh theo toa của bác sĩ. Ở Mỹ, theo quan niệm của bác sĩ, khi nhiệt độ tăng lên trên38 độ C hay 100.4 độ F thì không còn là sốt nhẹ và phải theo dõi nhiệt độ mỗi 2 giờ.


Trẻ em khi bị sốt nặng có thể làm kinh phong, hoặc đi đến hôn mê. Đa số trường hợp làm kinh co giật như thế lại không có gì nguy hiểm, có khi chỉ vì nhiễm trùng màng tai, đau bụng, cảm cúm. Một đôi khi, sốt làm kinh phong có thể gây ra bởi nhiễm trùng màng óc, nhiễm trùng thận hay sưng phổi


Sốt làm kinh thường xảy ra cho trẻ em tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi, ảnh hưởng bé trai nhiều hơn bé gái. Kinh phong xảy ra khi nhiệt độ tăng lên quá nhanh. Hầu hết mọi trường hợp, khi trẻ bị sốt làm kinh phong không cần phải chữa trị gì cả. Nhiệt độ có thể làm nhẹ bớt với thuốc Tylenol, và lau mình em bé bằng khăn ẩm, nếu cần thì một số thuốc chống kinh phong có thể sử dụng.


Những nguyên nhân có thể gây ra sốt bao gồm


-Nhiễm trùng như sưng cổ họng, cúm, lên sởi trái rạ, hay sưng phổi.


-Bệnh thấp khớp (Rheumatoid arthritis)


-Phản ứng phụ của một số thuốc.


-Ra nắng hay tập thể dục thể thao ngoài nắng (heat stroke).


-Ngộ độc thuốc Tylenol (vâng thuốc trị sốt, giảm đau)


-Ghiền rượu, ngộ độc cocaine.


-Ung thư


-Chích ngừa


-Bệnh Cường Tuyến Giáp (Hyperthyroidism)


Khi bị sốt chúng ta có thể uống thuốc Tylenol hay ibuprofen tuy nhiên nếu bị sốt nhẹ, có khi không cần uống thuốc giảm sốt. Chỉ khi nào có bằng chứng bị nhiễm vi trùng thì mới cần đến thuốc trụ sinh. Đa số trường hợp cảm cúm, thuốc trụ sinh không cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ có khi cho thuốc trụ sinh cho người già khi bị cúm để phòng ngừa bị sưng phổi. Dĩ nhiên, khi bị sốt, bạn cần phải uống nước nhiều hơn. Uống đủ nước sẽ giúp cơ thể giảm sốt nhanh hơn.


Như thế ngày nay nhờ vào thuốc men, triệu chứng sốt, chính nó, cũng “hạ hoả” so với thời xưa. Khi tôi mới 6 tháng tuổi, Má tôi kể, tôi bị sốt và làm kinh phong đến “hôn mê bất tỉnh nhân sự”. Trước đó hai năm, Ba Má tôi mất một bé trai cũng vì triệu chứng tương tự cho dù có chữa trị bằng thuốc trụ sinh do Má tôi đem về vì chính bà là cô mụ hộ sản.

Lần nầy, Ba tôi trở nên mê tín, ông khóa tủ thuốc Tây và mời thầy cúng về nhà để… trừ tà. Tôi được cho uống tàn nhang hòa với tro đốt ra từ những lá bùa do thầy pháp vẻ ra. Để tăng phần hiệu quả của việc chữa trị, các anh chị tôi phải ra… chuồng bò để hốt rơm trộn phân bò về… đắp cho tôi để… hạ nhiệt! Dĩ nhiên là sau vài tuần theo phương pháp chữa trị của “cao nhân”, thằng bé bụ bẫm, là tôi, tiếp tục chìm vào hôn mê.

Tuyệt vọng, một hôm, nửa đêm Má tôi ẵm con bỏ trốn, đem vào nhà thương lớn. Ở đây, bác sĩ… Tây, cho tôi uống 6 viên thuốc trụ sinh, ngày 2 viên trong 3 ngày, và, tôi tỉnh dậy, sống sót đến hôm nay. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh về tới nhà, tôi vẫn phải mang bùa hộ mạng cho đến năm 9 tuổi!


Chuyện chữa sốt cho tôi, có thể là một phần nào đó, trong tiềm thức đã thúc đẩy tôi đi học y khoa sau này.


BS Hồ Ngọc Minh ( theo nguoiphuongnam 20/8/2018)