Ngày này khi điều kiện cuộc sống ngày càng được cải thiện, mọi người càng dành nhiều sự quan tâm cho việc chăm sóc sức khỏe. Không chỉ người già, một bộ phận người trẻ tuổi cũng bắt đầu quan tâm tới vấn đề này. Mọi người đều mong muốn sống thọ, vậy dựa vào đâu để có thể phán đoán một người có thể sống thọ hay không?
Những người có tuổi thọ cao thường có 5 đặc điểm dưới đây:
1. Lạc quan, vui vẻ
Mỗi người đều có thế giới cảm xúc, và những mong muốn tình cảm riêng, trạng thái tâm lý là một vấn đề rất quan trọng, mà trong đó sự tức giận được xem là trạng thái tồi tệ nhất ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu chúng ta thường xuyên giận dữ, sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội, lâu dần sẽ dẫn tới khí huyết khó lưu thông, dễ gây nên các bệnh về tim mạch và mạch máu não.
So sánh sẽ thấy, những người sống thọ không thường xuyên tức giận, họ sống lạc quan, vui vẻ và thoải mái. Vậy nên, để tuổi thọ được kéo dài hơn, những người hay giận dữ khi gặp phải chuyện không vui cần phải chú ý khống chế cảm xúc. Bên cạnh đó, cũng cần tìm một số phương pháp để cân bằng cảm xúc, giúp tâm trạng bình tĩnh trở lại. Ví dụ như tĩnh tâm, thiền định.
2. Ăn uống thanh đạm
Việc ăn uống thanh đạm rất quan trọng cho sức khỏe. Ăn nhiều rau xanh là bí quyết sống thọ của rất nhiều người. Dân gian đã nói rất nhiều về tác dụng của rau củ đối với sức khỏe, những thức ăn thanh đạm có thể làm giảm nguy cơ “3 cao” (huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ máu cao), cũng có thể ngăn ngừa béo phì. Người béo phì thường thích ăn thịt, ăn cay và mặn, những thói quen này dễ gây ra nhiều bệnh tật.
Đọcthêm: https://trithucvn.net/suc-khoe/thoi-quen-an-uong-cua-nhom-nguoi-song-tho-co-gi-dac-biet.html
3. Dưỡng tâm ít dục
Trên thực tế, cách hiệu quả nhất để có được một cơ thể khỏe mạnh chính là nuôi dưỡng một trái tim khỏe mạnh và để đạt được tác dụng về mặt tâm lý cần phải chú ý nuôi dưỡng tinh thần. Mỗi người đều đang theo đuổi một thứ nào đó – hoặc là vật chất hoặc là tinh thần, nhưng nếu cứ mãi truy cầu, cứ mãi ham muốn, khi thất bại sẽ rất dễ bị tổn thương, đau khổ. Vì vậy, muốn có một sức khỏe khỏe mạnh cần phải giảm bớt ham muốn lại.
4. Ngủ sớm dậy sớm
Thức khuya là một thói quen không tốt cho sức khỏe và là một trong những nguyên nhân đột tử của giới trẻ. Tới lúc về già, chúng ta sẽ không thể thường xuyên thức đêm. Nếu bạn thức khuya và thay đổi thời gian biểu, chất lượng giấc ngủ sẽ bị giảm đi đáng kể. Nếu không được ngủ đủ giấc, sẽ càng dễ bị lão hóa hơn, sẽ bị mắc nhiều bệnh hơn.
Theo số liệu thống kê, những người già ngủ không ngon giấc có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn. Do đó, ngủ đủ giấc mỗi ngày là chìa khóa quan trọng cho sự khỏe mạnh. Giấc ngủ giúp chúng ta nghỉ ngơi, hồi phục thể lực đồng thời cung cấp năng lượng cần thiết, bên cạnh đó còn có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh, điều này có hiệu quả quan trọng trong việc giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh.
5. Các cơ bắp chân tốt
Dân gian thường nói khi về già, chân sẽ là phần suy yếu đầu tiên. Não, tim, các cơ có sự liên kết chặt chẽ với nhau để cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Khi mà chân bắt đầu suy yếu, thể hiện rằng cơ thể con người cũng đang dần lão hóa.
Có một đôi chân khỏe mạnh, thường xuyên tập thể dục, sẽ giúp cho hệ tuần hoàn của cơ thể hoạt động tốt, chắc chắn sẽ có lợi cho tuổi thọ. Nếu do bệnh tật mà chân mất đi khả năng tự vận động, cơ thể có xu hướng thoái hóa trong 2, 3 năm, nghiêm trọng hơn sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ.
Muốn cơ thể khỏe mạnh, tăng tuổi thọ, cần nhớ tránh 2 điều sau:
1. Phòng tránh đột quỵ
Khi con người tới tuổi trung niên, có thể nói đó là chính là giai đoạn bùng phát bệnh tật, mà dễ mắc phải nhất chính là các bệnh về mạch máu, đặc biệt là những người gia đình có tiền sử về căn bệnh này, khi tâm trạng bị kích động, rất dễ dẫn tới đột quỵ.
Do đó, khi cơ thể có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tức ngực, hoảng sợ thì nên chú ý tới nó, nên đi khám sức khỏe định kỳ, để có thể “phát hiện và điều trị sớm” .
Ngoài ra, nên nhớ bổ sung các axit béo omega 3, nó có thể làm tan máu đông, ngăn ngừa nguy cơ đột tử.
Nhiều các nghiên cứu đã chứng minh, lượng axit béo không bão hòa omega 3 mà cơ thể con người hấp thụ là quá ít, nhưng lại hấp thụ quá nhiều axit béo omega 6. Sự mất cân bằng giữa hai loại axit này là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên các bệnh mãn tính về mạch máu. Dầu ăn chúng ta sử dụng thường ngày lại chứa quá nhiều omega 6, vậy nên cần phải bổ sung omega 3 từ các nguồn thực phẩm khác.
Dầu tía tô, dầu quả óc chó là những thực phẩm có hàm lượng omega 3 phong phú, trong đó dầu tía tô được mệnh danh là “cá biển trên mặt đất”, chứa tới 67% axit α-linolenic (chuỗi axit béo Omega-3), mỗi ngày cung cấp cho cơ thể 5ml là đủ.
2. Phòng chống loãng xương
Giai đoạn phát triển của xương là trước năm 20 tuổi, qua giai đoạn này xương vẫn sẽ tiếp tục phát triển thêm 10 năm nữa, tới khoảng 35-40 tuổi, khối lượng xương sẽ đạt đỉnh, sau đó, xương bắt đầu thoái hóa dần qua mỗi năm.
Khi khối lượng xương giảm xuống một mức nhất định, sẽ không thể duy trì được tính hoàn chỉnh của cấu trúc xương, thậm chí sẽ xuất hiện sự biến dạng do phải chịu áp lực, dẫn tới việc chỉ cần chịu một tác động nhỏ cũng có thể dẫn tới gãy xương.
Vì vậy, phòng chống loãng xương càng sớm càng tốt, tốt nhất trước năm 30 tuổi nên bắt đầu dùng các biện pháp phòng chống. Hãy ăn nhiều các thực phẩm có hàm lượng canxi cao như: sữa, tôm, bắp cải…
Yến Nhi- theo trihuc,vn 15/7/2018