Ngoáy mũi
Ngoáy mũi thường xuyên sẽ làm lông mũi bị rụng nhanh và nhiều hơn. Trên thực tế, lông mũi chính là “hàng rào” bảo vệ an toàn, ngăn chặn bụi bặm, vi khuẩn xâm nhập vào mũi gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Hơn nữa, ngoáy mũi khi bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc sâu vào khoang mũi gây nên những bệnh nguy hiểm như viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi, cảm cúm…
Cắn móng tay
Cắn móng tay không chỉ là thói quen xấu mà nó có thể tàn phá mạnh mẽ sức khỏe của chúng ta. Trong một nghiên cứu nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, 76 % người cắn móng tay thử nghiệm dương tính với vi khuẩn gây tiêu chảy và nôn mửa như Escherichia coli, so với chỉ 26,5 % người không có thói quen này.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, số lượng vi khuẩn ẩn trong móng tay nhiều gấp hai lần so với bàn tay. Việc rửa sạch tay bằng nước vẫn không loại bỏ được những vi khuẩn bám ở mặt dưới và các khe móng tay.
Thói quen cắn móng tay sẽ giúp vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và gây ra các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, cảm cúm, tay chân miệng…
Ngoài ra, cắn móng tay còn tạo cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua những nơi tổn thương trên da. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Dụi mắt
Nhiều người cảm thấy dụi mắt sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn. Tuy nhiên, thói quen dụi mắt sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào mắt gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Colorado (Mỹ) đã chỉ ra, có hơn 150 loại vi khuẩn “định cư” trên bàn tay người. Bên cạnh những lợi khuẩn còn có nhiều vi khuẩn gây hại có thể khiến bạn đổ bệnh bất cứ lúc nào bao gồm cả vi khuẩn liên cầu gây nên bệnh đau mắt đỏ.
Thói quen ăn trưa tại bàn làm việc
Văn phòng làm việc là nơi sinh sản của vi khuẩn, trong đó phải kể đến bàn phím máy tính.
Một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện ra rằng, chỉ trong một ngày, hơn 50 % bề mặt đồ vật và nhân viên có thể bị nhiễm virus. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, không nên ăn trưa tại bàn làm việc, tránh vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
Lười rửa tay
Chính thói quen lười rửa tay tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn dễ dàng “di cư” từ tay qua miệng vào cơ thể dẫn đến những bệnh nguy hiểm như viêm đường hô hấp cấp, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy cấp…
Ít vận động
Lười tập thể dục, ngồi bàn làm việc quá lâu… làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, máu não, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, bệnh xương khớp, béo phì, tiểu đường…
Đi giày cao gót
Các tín đồ của giày cao gót thường bị đau bàn chân, mắt cá chân, bắp chân, đầu gối, hông và lưng dưới.
Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên chọn cho mình những đôi giày thoải mái có thể bảo vệ cơ thể tránh được những tổn thương lâu dài cho cơ thể. Hoặc nếu bạn vẫn gắn bó với đôi giày cao gót, nên chọn loại giày vừa chân với chất liệu mềm để không làm tổn hại đến đôi chân của mình.
Không giặt ga trải giường
Ga giường bẩn là nơi ở ưa thích của các loại ve bụi. Mặc dù chúng tương đối vô hại nhưng phân thải của chúng và các phần cơ thể bị loại bỏ có thể gây dị ứng, hen suyễn, bệnh hô hấp…
Để tránh những vị khách không mong muốn này, bạn hãy chăm chỉ giặt ga giường thường xuyên để đảm bảo luôn sạch sẽ.
Ngủ muộn
Ngủ muộn có thể khiến bạn mắc bệnh bởi vì các tế bào cơ thể không thể được sạc đầy năng lượng. Chúng ta nên ngủ 7- 9 tiếng mỗi đêm để cơ thể phục hồi năng lượng đã mất trong ngày.
Phương Nam