Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường ở lưỡi, hãy cẩn thận vì có thể bạn đang mắc các căn bệnh nguy hiểm dưới đây.
Lưỡi là bộ phận tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc ăn uống hằng ngày. Không chỉ giúp bạn cảm nhận được hương vị món ăn mà lưỡi còn thể hiện cho sức khỏe bên trong cơ thể. Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường ở lưỡi, hãy cẩn thận vì có thể bạn đang mắc các căn bệnh nguy hiểm dưới đây.
Bệnh tiểu đường: lưỡi bị nứt nẻ, đau rát và chảy máu
Nấm miệng candida là dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường do mức đường không ổn định và hay tăng cao. Khi hệ miễn dịch suy yếu, bạn sẽ gặp phải sự tấn công của các vi khuẩn nấm men bên trong miệng. Chúng sẽ tạo nên lớp phủ màu trắng khác lạ ở lưỡi và kèm theo đó là mùi hôi miệng khó chịu. Ngoài ra, những người tiểu đường sẽ thường dễ bị khô miệng hơn do mất nước. Do đó tình trạng nấm miệng sẽ nghiêm trọng hơn với các triệu chứng như lưỡi bị nứt nẻ, đau rát và chảy máu... Nếu gặp phải vấn đề này, bạn hãy đến bác sĩ để được chữa trị.
Bệnh viêm loét dạ dày: mất đi những sợi lông nhỏ trên bề mặt lưỡi
Bệnh viêm loét dạ dày ngoài việc tấn công ruột non với những triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, đau bụng... thì còn ảnh hưởng đến lưỡi là làm mất đi những sợi lông nhỏ trên bề mặt để bảo vệ lưỡi. Hiện tượng này được gọi là viêm lưỡi teo, còn gọi là lưỡi hói và chúng có thể gây ra việc mất vị giác và đau rát ở lưỡi. Đặc biệt là khi ăn những món cay, nóng lưỡi thì bạn sẽ dễ bị tổn thương gây ra triệu chứng viêm khó chịu.
Ung thư: sưng hoặc đau bất thường
Nếu lưỡi xuất hiện những vết sưng hoặc đau bất thường và kéo dài hơn hai tuần thì bạn cần phải khám bệnh ngay, rất có thể đây là dấu hiệu của căn bệnh ung thư. Đây là tình trạng bạch sản, có thể tạo ra các mảng trắng trên lưỡi do sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào ung thư trong miệng. Hãy thường xuyên kiểm tra xem lưỡi có những dấu hiệu kì lạ nào không để kịp thời phát hiện bệnh
Thiếu hụt vitamin: lưỡi chuyển sang đỏ tươi
Nếu lưỡi khỏe mạnh, chúng sẽ có màu hồng. Còn khi lưỡi chuyển sang đỏ tươi thì có thể đó là dấu hiệu cơ thể bạn không đủ axit folic, vitamin B12 hoặc sắt. Do đó, bạn nên bổ sung thêm những thực phẩm chứa các loại dưỡng chất này để bảo vệ sức khỏe lưỡi. Bên cạnh đó, lưỡi bị đỏ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn hoặc bệnh Kawasaki, một tình trạng hiếm gặp và gây viêm ở một số mạch máu, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Lo âu, stress: lưỡi bị loét nhẹ
Chứng lở loét canker ở lưỡi bị gây ra bởi virus có thể là dấu hiệu khi bạn đang trong tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài. Triệu chứng của bệnh này chính là những vết loét nhỏ và nông khiến lưỡi bị đau và khó chịu khi ăn uống. Để chữa trị, hãy súc miệng bằng nước muối ấm, tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và ưu tiên các món ăn mềm như sữa chua, súp, cháo... Bên cạnh đó, giảm căng thẳng bằng tập thể dục, yoga hoặc thiền cùng với việc ăn chậm nhai kĩ sẽ giúp bạn khắc phục được những vết loét lành tính này.