Khi nhắc đến “mùi lạ” trong khoang miệng, chắc hẳn nhiều người từng có “trải nghiệm” ấn tượng. Trong giao tiếp hàng ngày, nếu vô tình gặp phải một người mà miệng quá hôi thì thực sự việc giao tiếp khó tránh cảm giác không được thoải mái cho lắm. Dĩ nhiên bản thân người hôi miệng cũng có tâm lý tự ti, ngại giao lưu với mọi người. Dưới đây xin tổng kết một số nguyên nhân gây hôi miệng và cách để loại bỏ những nguyên nhân này.
1. Thói quen vệ sinh răng miệng kém
Thói quen vệ sinh răng miệng cẩu thả và các dạng bệnh răng miệng khiến lượng vi khuẩn trong miệng nhiều hơn, còn những mảng bám cũng như mảnh vụn thức ăn giữa các kẽ răng, qua vi khuẩn phân hủy sẽ gây ra mùi hôi; bề mặt lưỡi và gốc lưỡi cũng là nơi cư trú lý tưởng của vi khuẩn, vì vậy nếu bựa lưỡi và mặt sau của lưỡi không được thường xuyên làm sạch cũng sẽ dễ dàng gây ra mùi hôi. Đối với nhóm nguyên nhân này thì cách tốt nhất loại bỏ là chú ý vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng hơn.
Ngoài ra, lượng nước bọt nhiều hay ít cũng có liên quan đến mùi hơi thở, vì nước bọt giúp loại bỏ bớt vi khuẩn, nếu nước bọt tiết quá ít, chẳng hạn như chịu ảnh hưởng vì tác dụng phụ của thuốc, độ tuổi, thức khuya, rối loạn nội tiết, sốt cảm mạo, hút thuốc, uống rượu sẽ dễ dàng làm hơi thở hôi hơn. Ở những bệnh nhân ung thư phải hóa trị thì hơi thở thường hôi hơn vì chức năng tuyến nước bọt bị ức chế. Liên quan đến khoang miệng hôi còn do các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như ăn tỏi, hành tây, đậu hũ bị hư hỏng, cà ri… có thể gây hôi miệng nhất thời.
2. Dạ dày nóng
Bệnh về thể chất ngoài vấn đề khoang miệng, chẳng hạn như nóng dạ dày, cũng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng, về vấn đề này thì có thể khắc phục bằng cách hạn chế dùng loại thực phẩm gây nóng trong cơ thể, ăn hợp lý một số thực phẩm giúp thanh nhiệt.
3. Tiểu đường
Bệnh về trao đổi chất cũng có thể gây hôi miệng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, vì máu của bệnh nhân tiểu đường có lượng đường cao hơn nhiều so với người bình thường, có thể dễ dàng dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn, hệ quả là dễ nhiễm bệnh nha khoa và gây hôi miệng. Do đường huyết của người bệnh quá cao, quá trình trao đổi chất sẽ tạo ra mùi khó chịu như mùi táo thối hoặc ketone.
4. Táo bón
Chứng táo bón cũng có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe, do thời gian phân tích tụ trong cơ thể càng ngắn càng tốt. Đã có thí nghiệm cho thấy, bôi phân vào da người khiến da sưng tấy nổi đỏ lên, thậm chí gây loét dần. Như vậy, nếu phân bị tích tụ trong cơ thể quá lâu sẽ tạo ra độc tố nguy hại trong đường ruột.
Ví dụ, đa số bệnh nhân ung thư đại tràng và ung thư trực tràng là do ăn quá nhiều chất đạm và thức ăn giàu chất béo, khiến cho phân nằm trong cơ thể quá lâu. Có thể dễ dàng thấy rằng những người bị táo bón thường kèm theo hơi thở “nặng mùi” hơn. Đặc biệt là người già, bởi vì chức năng sinh lý của người cao tuổi suy giảm, khả năng nhu động ruột yếu hơn, đi cùng việc suy giảm số lần bài tiết là mùi hơi thở nặng hơn, thậm chí khoang miệng còn có phảng phất như mùi của phân.
5. Cảm xúc
Cảm xúc cũng có thể gây hôi miệng, căng thẳng tâm lý, tinh thần cũng ảnh hưởng đến thần kinh phó giao cảm hoặc nội tiết, làm giảm sự bài tiết của các tuyến nước bọt, gây khô miệng và vì thế mà hơi thở cũng dễ dàng hôi hơn.
Để hạn chế miệng nặng mùi, cần lưu ý vệ sinh răng miệng cẩn thận mỗi sáng, trước khi đi ngủ và sau bữa ăn; xem trọng chế độ ăn uống thanh đạm và tránh ăn thức ăn lạnh và sống, nhiều dầu mỡ. Ăn nhiều trái cây giàu vitamin C để hình thành một môi trường khoang miệng không có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, từ đó có thể hạn chế được hơi thở nặng mùi.
Thanh Xuân