Đông y có câu nổi tiếng, ‘Hãy dùng các ngón tay trước khi phải dùng đến kim tiêm’. Không chỉ có thể bảo dưỡng và thải độc, khai thông khí huyết và kinh lạc, điều hòa âm dương, bấm huyệt còn có thể giúp hỗ trợ điều trị các loại bệnh tim mạch một cách hiệu quả thần kỳ
Y học cổ truyền cho rằng ngoài việc dùng thuốc để phòng và chữa bệnh thì các phương pháp điều trị không dùng thuốc có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, luyện tập thái cực quyền, luyện khí, luyện công, day bấm và xoa bóp tự thân… Các phương pháp này đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tế, mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng và điều trị bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc nhằm tác dụng đem lại điều hòa âm dương cho cơ thể, giảm đau chống xơ hóa và giúp cơ thể tăng cường được khả năng tự miễn dịch, phòng chống được các chứng bệnh và bệnh thông thường trong đó xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp được sử dụng rộng rãi.
Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đó là nền tảng đem lại những ứng dụng đột phá trong phòng, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe. Bài viết được đăng tải trên kênh chuyên môn Nhân thể Huyệt vị của Trung Quốc dưới đây có thể giúp bạn thêm giải pháp để tự chăm sóc sức khỏe khi gặp các vấn đề về tim mạch.
Huyết áp cao: Ấn huyệt Bách Hội và Thái Xung
Đông y nhận định, cao huyết áp là một bệnh thuộc các tạng của can, thận, tỳ bị mất điều hoà mà gây ra, ngoài ra còn yếu tố đàm thấp (hay gặp ở các người có thể trạng béo và cholesterol máu cao). Can hỏa vượng, can thận âm hư, can dương thượng cang là những chứng điển hình thường gặp của bệnh cao huyết áp. Người bị chứng can hỏa vượng thường có biểu hiện đau đầu chóng mặt, tai ù, mặt hồng mắt đỏ bốc hỏa thậm chí tai điếc đột ngột, miệng đắng họng khô, nước tiểu vàng, táo bón.
Người bị chứng can thận âm hư và can dương thượng cang có các biểu hiện như: đau đầu chóng mặt, tai ù, mặt hồng mắt đỏ bốc hỏa thậm chí tai điếc đột ngột, miệng đắng họng khô, phiền táo mất ngủ, mỏi lưng, mỏi gối, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Bệnh phần nhiều do âm hư nội nhiệt, tức giận thái quá, hay ăn chất ngọt, béo, cay, nóng quá hoặc lạm dụng rượu, bia, cà phê chất kích thích đều có thể sinh bệnh. Với hai nhóm bệnh nhân này có thể ấn vào hai huyệt Thái xung và Bách hội.
Vị trí huyệt:
Huyệt Thái Xung: nằm trên lưng bàn chân ở vị trí giữa xương nối ngón chân cái và ngón chân thứ 2.
Huyệt Bách Hội: nằm ở ngay trên đỉnh đầu, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể. Cũng chính là điểm lõm ngay trên đỉnh đầu của cơ thể, là giao điểm của đường chính chung và đường thẳng nối 2 đỉnh vành tai.
Phương pháp ấn huyệt: Dùng lực ấn vào huyệt từ nhẹ tới mạnh từ lúc mỏi, tê, sưng, đau hoặc nóng lên thì thôi. Mỗi lần ấn 5 phút, ngày hai lần sáng và tối.
Đau thắt cơ tim: Ấn huyệt Nội Quan, Thần Môn, Đản Trung
Biểu hiện bệnh chủ yếu là đau thắt ở giữa ngực thường là do tắc nghẽn mạch gây thiếu máu cục bộ ở cơ tim hoặc do sự co thắt của động mạch vành. Bệnh nhân khi hoạt động thể lực mạnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tức ngực, đau ngực,khó thở. Bấm huyệt Nội quan, Thần môn, Đản trung có thể giúp mở rộng mạch máu, cải thiện tình trạng cung cấp máu ở tim và giảm đau hiệu quả.
Vị trí huyệt vị:
Huyệt Nội Quan: Trên cổ tay 2 thốn, dưới huyệt Gian Sử một thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.
Huyệt Thần Môn: Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Huyệt Đản Trung: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 đầu núm vú (đàn ông) hoặc ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (đàn bà).
Phương pháp ấn huyệt:
Dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ đặt vào huyệt vị, trước tiên xoa nhẹ sau đó dùng lực ấn tới đau thì dừng lại và đổi tay kia. Lực ấn từ nhẹ tới mạnh, xuất hiện các cảm giác từ mỏi, tê, đau, nóng là được. Ấn 2-3 phút mỗi sáng một lần. Phương pháp này thích hợp với những bệnh nhân thường bị đau thắt ngực do mắc tim mạch vành. Tuy nhiên, nếu khi tim đau thắt và ngực cũng đau ở mức độ nghiêm trọng, cần kéo dài thời gian ấn huyệt thêm 5 phút, và nên dùng thuốc nitroglycerin để hỗ trợ. Nếu vẫn đau ngực không đỡ cần lập tức tới bệnh viện thăm khám.
Rối loạn nhịp tim: Ấn huyệt Thần Môn, Khích Môn, Nội Quan
Rối loạn nhịp tim là một bệnh liên quan đến quá trình vận hành điều khiển nhịp của tim. Đối với người độ tuổi từ 18 trở lên, nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nếu tần số hoặc nhịp tim bất thường: quá nhanh, quá chậm, quá sớm hoặc quá thất thường đều thuộc chứng rối loạn nhịp tim.
Những biểu hiện như nhịp tim đập ít hơn 60 nhịp mỗi phút hoặc nhiều hơn 100 nhịp mỗi phút; tức ngực; khó thở; choáng váng, chóng mặt; đổ mồ hôi; ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu; đánh trống ngực; cảm giác ngực bị đè nén; thở ngắn; đau hoặc tức ngực; yếu hoặc mệt mỏi là các triệu chứng thường gặp của chứng rối loạn nhịp thim.
Vị trí huyệt vị:
Huyệt Thần Môn: Trên ngấn cổ tay, bên cạnh gân khi co bàn tay.
Huyệt Khích Môn: Trên khớp cổ tay 5 thốn, giữa 2 khe cơ gan tay lớn và bé.
Huyệt Nội Quan: Trên điểm giữa cổ tay (huyệt Đại lăng) 2 thốn, giữa khe 2 gân mặt trong tay.
Phương pháp ấn huyệt
Dùng đầu ngón cái và ngón trỏ đặt vào vị trí huyệt. Trước tiên xoa nhẹ sau đó dùng lực ấn tới đau thì dừng lại và đổi tay kia. Lực ấn từ nhẹ tới mạnh, xuất hiện các cảm giác từ mỏi, tê, đau, nóng là được. Ấn 2-3 phút/ một lần vào hai buổi sáng và tối. Vị trí huyệt Khích Môn tương đối sâu, khi ấn huyệt cần dùng lực hơi mạnh hơn một chút, thời gian ấn có thể kéo dài, mỗi lần có thể ấn 5 phút.
Một điều cần chú ý đó là rối loạn nhịp tim phân thành rất nhiều loại, đối với một số bệnh tim nghiêm trọng như bệnh mạch vành tim, bệnh cơ tim, suy tim hoặc bị bệnh tuyến giáp, một số rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng như nhịp tim đập nhanh do rung thất… cần lập tức tới khám ở các cơ sở chuyên khoa.
Theo Newsancai-Kiên Định -6/8/2018