Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngòai việc chỉ bày cho con
người một nếp sống hạnh phúc an lạc. Những lời dạy của Ngài thật giản dị
nhưng lại hết sức thiết thực và sâu sắc đối với cuộc sống con người,
bởi Ngài không dạy gì ngoài sự khổ và phương pháp diệt khổ. Chúng ta có
thể nói rằng bao lâu con người còn lo lắng, còn ưu tư phiền muộn khổ đau
bởi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, như Nguyễn Du đã nói, thì lời dạy
của đức Phật sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm giúp con người thoát khỏi
nghiệp chướng khổ đau ấy.
Đức Phật dạy rằng do vô minh, vọng kiến
ngăn che, nên sanh các tánh ham muốn khác nhau mà tạo ra các tội sai
biệt, mới bị khổ đau. Như vậy, khổ không có thực, nhưng do con người tạo
ra. Khổ đau này ở đâu? Khổ đau có trong sinh tử, hay trên hiện tượng
giới là thế giới sanh diệt, tức thế giới ảo mới có sanh diệt thì mới có
khổ đau. Vì khổ đau là ảo, không thực, nên tùy theo tham vọng của từng
người mà có khổ đau khác nhau.
Đức Phật tu đắc đạo, được an lạc hoàn toàn, tức Ngài trở về sống với thể tánh sáng suốt.
Và từ thể tánh khởi lên mới có tư tưởng chơn như duyên khởi, tức từ bản
thể sáng suốt khởi, cho nên tạo thành thế giới quan an lạc hoàn toàn là
Niết bàn và Tịnh độ. Thế giới an lạc là Tịnh độ, tâm Phật là Niết
bàn. Đức Phật nói rằng thế giới không khổ đau, mà hoàn toàn
an lạc thanh tịnh; khi tâm chúng ta thanh tịnh thì thế giới an lạc. Vì
tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, sẽ không khởi vọng kiến vô minh. Vọng
kiến vô minh là thấy sai, chấp sai và hành động sai dẫn đến vô số tội
lỗi, cho nên kết cuộc là khổ đau.
Dưới đây là một số điều khiến con người chìm trong bể khổ
Muốn mà không được: khổ!
Cầu là mong cầu, bất đắc là không được như ý nên khổ. Chúng ta mong
muốn hoặc trông chờ điều gì mà không được thì khổ. Nếu chúng ta không
thèm mong cầu chi hết, ngày nay sống lo việc ngày nay, không trông đợi
ngày mai thì tâm bình an.Ngày nào chúng ta cũng làm tất cả việc tốt,
việc lành, cứu người này giúp người kia; không giúp được người thì giúp
vật, không cần cầu việc gì cao xa mà chúng ta vẫn được an lành. Do đó
chỉ cần dẹp lòng tham cầu thì tự nhiên hết khổ, nên nói hết tâm tham cầu
liền được an vui.
Ghét phải chạm mặt: khổ!
Thù oán mà
gặp lại nhau thì khổ, ghét ai đó cay đắng mà họ cứ ngồi trước mặt mình
hoài, cũng khổ lắm. Bây giờ chúng ta đừng thèm ghét ai hết thì không
còn khổ, không khổ tức là vui rồi. Như vậy, từ mê muội mà khổ, bỏ mê
muội đi thì vui.Như có nhiều người đang đi trên một chiếc thuyền qua
biển, sóng gió chòng chành làm thuyền muốn lật. Lúc ấy mọi người có rảnh
rỗi để cãi vã, giận hờn nhau không, hay ai cũng lo làm sao cho khỏi
chết?. Trên thế gian này cũng vậy, ai ai cũng có bao nhiêu thứ hoạn
nạn đang chực chờ, nên ai cũng là người đáng thương. Mình đã đáng thương
rồi, mọi người xung quanh lại càng đáng thương hơn. Vì vậy thương nhau
không hết, có đâu giận hờn làm khổ cho nhau. Ai ưa giận hờn, người đó
khôn hay dại?.
Ngũ ấm xí thạnh: khổ!
Tức thân năm ấm này
mạnh mẽ, hưng thịnh quá thì... cũng khổ; ngược lại nếu biết dùng thân
năm ấm để tiến tu thì sẽ an vui. Ví dụ như khi mình qua sông, không có
thuyền bè, nhờ khúc gỗ mục giúp mình lội qua sông, nhưng đã qua sông
rồi phải biết bỏ khúc gỗ đi không nên tiếc.Thân này cũng vậy, bệnh hoạn
đau ốm đủ thứ, chúng ta lỡ mang vào rồi, phải dùng nó cho có ý nghĩa.
Dùng thân làm lợi cho mình, đánh thức cho người, chỉ vì việc tiến tu thì
đó là hữu ích, còn nếu cung dưỡng săn sóc thân cho lắm, tới ngày nó mất
thì khổ đau.
Xin đừng cố chấp
Phật dạy chúng ta biết
các hành đều vô thường, đều là pháp sinh diệt. Chúng ta đừng cố chấp,
đừng luyến tiếc, đừng quá thương yêu, mà phải làm sao cho tất cả những
thứ sinh diệt đó lặng hết, thì tịch diệt là niềm vui an lạc sẽ đến.
Trong nội tâm của mình, nếu cứ lo nghĩ chuyện này chuyện kia dồn dập,
lúc đó gương mặt mình héo xàu.
Ngược lại, nếu tâm mình thơ thới,
không có một niệm lo nghĩ nào hết, lúc đó gương mặt mình tự nhiên được
tươi vui. Như vậy, cái sinh diệt lặng rồi thì tịch diệt (nguồn vui) hiện
tiền.
Nên người khéo tu lúc nào cũng tìm cách đưa tâm sinh diệt
của mình đi đến chỗ lặng lẽ. Đó là nguồn an lạc lớn lao nhất của người
tu. Tóm lại, chúng ta tu Phật là vui hay khổ ? Tu Phật là vui. Phật nói
khổ để chúng ta tìm ra nguyên nhân của khổ và diệt khổ thì được an vui.
Người không hiểu rõ đạo Phật nên đánh giá sai lầm, cho đạo Phật là bi
quan, yếm thế. Người hiểu đạo Phật đúng đắn là người biết tìm về nguồn
an vui, biết tìm về nguồn giải thoát chớ không phải khổ đau như người ta
tưởng.
Đức Phật ra đời vốn đem lại ánh sáng chân lý cứu khổ cho
thế gian. Ban đầu Ngài nói rõ khổ, chỉ ra tướng khổ, rồi chỉ rõ nguồn
gốc của khổ, để giúp người giải tỏa khổ, được an vui. Không phải Ngài
nói khổ để mà khổ, để bi quan chán đời. Thấy khổ, rồi vượt thoát khỏi
khổ và giúp cho người thoát khổ, đó là con đường chuyển hóa tiến lên,
đem lại niềm vui chân thật cho đời.
Người học Phật khéo hiểu đúng
chánh pháp, có cái nhìn sáng tỏ, cởi mở tình chấp sai lầm; nhẹ bớt
chấp, là nhẹ bớt khổ ngay hiện tại, đó là lợi ích thiết thực của Phật
pháp ngay tại thế gian. Học Phật mà vẫn cứ chấp chặt, chấp nặng không
chịu buông, là vẫn đi con đường khổ, tự mình làm khổ cho mình chớ không
ai khác.
Theo Khỏe & Đẹp