Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Tận Trung Báo Quốc

 Nhiều vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp VNCH đã tuẫn tiết sau lệnh đầu hàng của  Tướng Dượng Văn Minh như Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai…
 Bài viết “Tận Trung Báo Quốc” dưới đây là ghi chép  toàn bộ nguyên văn bài viết của tác giả Huỳnh Quang Nghĩa (nguyên Trung Úy Chánh văn phòng Tư Lệnh Phó QĐ.IV-QK4 – Sĩ quan tùy viên Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng). kễ lại câu chuyện đau buồn cách đây 42 năm trong giờ phút lâm chung của Vùng IV Chiến Thuật, cũng như sự ra đi của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đã để lại bao nỗi tiếc thương trong lòng mọi người vào những ngày cuối “Tháng Tư Đen” tại Cần Thơ
Lời tác giả
TRAO VỀ NGƯỜI…
 Hơn bốn mươi năm đã trôi qua trên đất nước mến yêu này, một đất nước xinh đẹp nhưng trùng trùng khổ lụy, chia lìa, chất ngất oán hờn. Ngày nay, vết thương xưa đã khép lại, thù hận cũ đã nguôi ngoai, người Việt ở trong và ngoài nước đều đã kêu gọi đến tinh thần hòa hợp, hòa giải, để anh em chung dòng máu Việt cùng góp tay xây dựng lại quê hương, vun vén tình thương yêu giữa đồng bào ruột thịt với nhau. Đó là niềm mong mỏi chung của biết bao người, trải qua bao thế hệ
.
Trong bối cảnh chung đó, lòng tôi vẫn tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống trong cuộc chiến đã qua, trong đó, có người Thầy, người chỉ huy trực tiếp của tôi. Tập kỷ yếu này, là ấn phẩm dành riêng tặng Người, một ấn bản duy nhất, để dành riêng cho tôi, nhân tưởng niệm ngày giỗ 30-4 sắp đến của đất nước miền Nam, để muốn thầm nói với Người rằng, tuy trải qua biết bao dâu bể trầm luân của cuộc đời, thì hình bóng của Người vẫn sống mãi trong lòng tôi, với bao kỷ niệm ngọt ngào, đau đớn, với lòng kính trọng thiết tha.
Đây là nén hương lòng tôi thắp lên để kính dâng hương hồn Người, vị chỉ huy yếu qúi của tôi. Còn biết bao người khác nữa, có những người đã nói, và những người chưa có dịp nói ra, thì cũng như tôi, tất cả vẫn giữ âm thầm trong trái tim của họ tình cảm và sự quí trọng dành cho Người.
Cuối cùng, tác giả cũng như những nhà văn, nhà thơ đã đóng góp thêm những ý kiến, những tư liệu để thực hiện tập kỷ yếu này đồng chân thành kính dâng tặng bà Lê Văn Hưng, một biểu tượng của người phụ nữ miền Nam tình nguyện có chồng là lính chiến, để rèn luyện đức chịu đựng, lo lắng, kiên tâm và an phận khi biết rõ sẽ có một ngày trở thành góa bụa.
tacgia hhnghia
T/G. Huỳnh Quang Nghĩa
——————–
Vào chuyện…
Lúc đó khoảng 8h30 tối ngày 30-4-75, bộ quân phục nghiêm chỉnh vẫn còn trên người Chuẩn Tướng và tôi. Bên trong phòng ngủ, ngay sát đầu cầu thang trên lầu, nụ hôn vĩnh biệt của Bà Chuẩn Tướng vừa kịp đặt lên má chồng, Ông đã vội đẩy Bà ra phía ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc quay người lại, còn thấy tôi trong phòng, giọng ông thảng thốt:
-Nghĩa! Mầy đi ra…
Vừa nói Ông vừa nắm lấy tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu bạo:
-Tôi ở lại cùng Chuẩn Tướng.
Sự dứt khoát của nghiêm lệnh hằng ngày trong giây phút xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn Tướng lạc đi, cái níu đẩy tôi ra ngoài, sự va chạm ngắn ngủi đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm giác như cục nam châm đang cố gắng rút khỏi thanh sắt. Ôi! Cái chết hoàn toàn được sắp đặt trước, lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng kiến. Tôi chợt oà khóc và cùng Bà Chuẩn Tướng quỳ mọp xuống nền cửa, bên tai còn vọng nghe tiếng rít khô khốc của tiếng then cài. Mọi sự diễn ra không đầy một phút sau đó. Tiếng nổ chát chúa vang lên đằng sau cánh cửa. Tôi hoảng hốt đứng bật dậy. Với tiếng nổ đó, tôi đau đớn nhận rõ chắc chắn sự gì đã xảy ra. Trong phòng Chuẩn Tướng không một tiếng động, tôi bước tới đưa tay thử lay mạnh cánh cửa, rồi lùi lại nhìn xuống chân cầu thang, tôi kêu lớn khi thấy có ba bốn cái đầu đang nhớn nhác nhìn lên.
– Con dao… cạy cửa mau!
Người tài xế tên Giêng cầm con dao to nhọn chạy nhanh lên và đích thân nạy cánh cửa bật ra. Mọi người cùng ùa vào phòng. Tôi bàng hoàng khóc ngất, tất cả cũng khóc và chạy đến chỗ giường ngủ của Chuẩn Tướng, nơi nửa thân trên ông nằm ngửa trên tấm nệm trãi drap trắng, hai cánh tay buông ngang, khuy cổ và ngực áo bung ra, màu máu tươi nhuộm thắm phần ngực trái chiếc áo thun trắng bên trong, cả phần chân Chuẩn Tướng buông thỏng bên ngoài, hai gót giày chấm đất. Có lẽ Chuẩn Tướng đã ngồi cạnh thành giường, một tay cởi hai khuy áo trên, tay kia đưa nòng colt 45 ấn vào làn da chỗ trái tim.
Chúng tôi đặt Chuẩn Tướng nằm lại ngay ngắn trên giường, gương mặt Ông xanh tái, lấm tấm mồ hôi. Chuẩn Tướng há miệng rướn đầu cố gắng lấy hơi thở mệt nhọc, đôi mắt biểu lộ sự đau đớn cực độ. Đầu Chuẩn Tướng vừa đặt lên gối cũng là lúc Bà Chuẩn Tướng vuốt mắt cho chồng. Chuẩn Tướng đã nghỉ yên. Viên đạn oan nghiệt theo vị trí nòng súng đã xuyên thật chính xác qua tim. Đứa con trai đầu lòng Lê Uy Hải khi đó vừa tròn 6 tuổi đã nhặt được đầu đạn đưa cho mọi người xem, rồi mím môi, khép năm ngón  tay giữ chặt “kỷ vật”. Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi thơ ngây dại của cháu đã trôi qua mất kể từ buổi tối hôm ấy rồi. Trước đó một tiếng đồng hồ, một anh trai và một em gái 3 tuổi còn đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa bé không hề hay biết lát nữa đây vành khăn tang trắng sẽ phủ lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của mình.
Ngay cả chính chúng tôi, những sĩ quan cận thuộc, Chuẩn Tướng cũng không hề nói hay biểu lộ điều gì cho thấy Ông sẽ tự sát nếu vùng IV lọt vào tay địch. Giờ đây sau hơn 30 năm, ngồi viết lại những dòng hồi ký này, tôi nghĩ mình đã có thể tự trả lời: là vì Ông không phải là vị chỉ huy cao cấp nhất có trách nhiệm thống lĩnh vùng IV như lúc Ông còn đảm trách chiến trường An Lộc.
vnch anloc
Chiến trường An Lộc – 1972.
Trở lại cái chết của Chuẩn Tướng Hưng, quả thật tôi chỉ biết rõ được quyết định của Chuẩn Tướng vào thời điểm Cần Thơ – thủ phủ Miền Tây – thật sự đã vô chủ.
Cần Thơ chỉ bước vào cuộc trong đêm 29-4-75. Mười giờ đêm tôi đang ngủ, điện thoại T.O.C/ Quân Đoàn gọi sang trình Chuẩn Tướng diễn tiến tình hình: Các trực thăng từ Quân Đoàn III, từ Sài Gòn bay lẻ loi về miền Tây đáp bất kỳ nơi nào đáp được. Từ đó tôi thức luôn đến sáng vì điện thoại gọi đến liên tục.
vnch linhtruyen tin
Mười hai giờ đêm, có tiếng xôn xao ồn ào ngoài cổng dinh, tôi bước ra và nhìn thấy hàng hàng người đang cuồn cuộn kéo đi trên đại lộ phía bên kia công viên. Cuộc diễu hành náo loạn như lúc ban ngày! Tôi kinh ngạc hỏi người lính gác cổng họ đi đâu vậy? Người trung sĩ, Trưởng toán bảo vệ tư dinh nơi đó cho tôi biết họ ra bến Ninh Kiều để lên tàu Hải Quân ra đi. Tôi ngỡ ngàng tự nhủ, như vậy là Phó Đề Đốc Thăng tự động dẫn đoàn tàu của ông di tản ư? (Cần nhớ là các lực lượng Không Quân, Hải Quân, lực lượng Đặc Chủng ở miền Tây đều nằm trong hệ thống điều động của BTL/ QĐ IV). Trong làn sóng người lục tục kéo đi, bất chợt tôi nhìn thấy xe của Chuẩn Tướng Chương Dzềnh Quây, Tham Mưu Trưởng QĐ IV. Tôi quay vào, gọi ngay cho Thiếu Tá Trưởng toán trực T.O.C hỏi ông có biết việc nầy không? Rồi vội vã lên lầu trình Chuẩn Tướng. Chính ông cũng đang thức như tôi. 
Chuẩn Tướng bảo tôi gọi để nói chuyện cùng Đại Tá Trang, Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV sông ngòi. Tôi nhìn đồng hồ trên tường nơi phòng ngủ Chuẩn Tướng, lúc đó đã 3 giờ sáng ngày 30-4-75. Tôi đã thấm mệt nhưng vẫn cố nhướng mắt chịu đựng. Giờ nầy giá như có Trung Uý Phúc thì đỡ biết mấy. Phúc khoẻ mạnh, tháo vát, giỏi giang, nhưng giờ nầy Phúc đang ở Sài Gòn. Trước đó vài ngày, nhân cơ hội Đại Tá Nguyễn Đình Vinh trình mượn trực thăng Chuẩn Tướng về Sài Gòn đón gia đình đang chuẩn bị sẵn, rồi quay trở lại Cần Thơ ngay, Phúc trình Chuẩn Tướng xin tháp tùng cùng lý do, nhưng trở lại bằng đường bộ ngày hôm sau, vì Phúc chưa kịp thông báo cùng gia đình. Cũng đêm hôm đó, Cộng quân tấn công và cố cắt đứt quốc lộ Long An với Sài Gòn, trận chiến đấu dằng dai nhiều ngày, đường bộ chưa khai thông được.
Bảy giờ ba mươi sáng ngày 30-4, tại phòng họp Bộ Tư Lệnh, như thường lệ, Phòng 3 thuyết trình về tình hình trong đêm trước hai vị Tướng cùng các quan chức. Lần nầy có vẻ nghiêm trọng hơn. Ngoài lực lượng Hải quân vùng 4 Duyên Hải di tản, lên tàu còn có Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng; Đại tá Chánh sở Tài chánh số 5, Thiếu tá Đức chánh văn phòng tư lệnh QĐ, đại tá Diệp, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Phong Dinh (Cần Thơ). 
Sau năm 1975, có bài viết phát hành tại Hoa Kỳ, kể lại chuyến đi riêng của ông vào chiều 30/4; tuy nhiên ông đã rời BCH/TK từ ban sáng. Vào giữa tháng 4/75 chính phủ đã ra thông tư ban hành quyết định đối với những quan chức “tự ý vắng mặt tại nhiệm sở. Do đó trong buổi họp sáng 30/4, thiếu tướng Nam đã tuyên bố những đơn vị trưởng vắng mặt không lý do đều là bỏ nhiệm sở”. Đại tá Diệp đã không có mặt tại buổi họp theo lệnh triệu tập của BTL và BCH/TK cũng không báo cáo được tình hình của ông.
Tám giờ ba mươi sau buổi họp, có Thiếu tá Trịnh Đức Phương (hiện đang cư trú tại Mỹ) tháp tùng Chuẩn Tướng Hưng đưa Đại tá Thiên đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phong Dinh tạm thời đảm trách chức vụ Tiểu Khu Trưởng
.
nhanvat nknamnhanvat lvHưng nknam
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam & Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng.
Chín giờ ba mươi, hai vị Tướng lãnh Quân đoàn gặp nhau trong phòng làm việc của Tư Lệnh Phó. Chuẩn Tướng bảo tôi gọi để ông nói chuyện với Chuẩn Tướng Lạc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 đang chỉ huy giải toả quốc lộ Long An, kêu ông khẩn trương dùng trực thăng bay về Bộ Tổng Tham Mưu để biết rõ tình hình thực tại. Tướng Lạc trên đường bay không bắt liên lạc được với không phận Sài Gòn nên phải quay về. Chuẩn Tướng lệnh cho tôi gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để ông gặp Chuẩn Tướng Thọ, Trưởng Phòng 3. Tôi lạnh người khi nghe tiếng người tuỳ phái cho biết:
– Bộ Tổng Tham Mưu hiện không còn ai, Tướng lãnh và các sĩ quan cao cấp đang ở tại cơ quan MACV của Hoa Kỳ từ hôm qua (tức 29-4).
Tôi hiểu liền các vị ấy có mặt nơi đó để làm gì. Sau vị Nguyên thủ quốc gia, Bộ Tổng Tham Mưu cũng đã lặng lẽ đóng cửa, và như vậy, có nghĩa riêng QĐ.IV phải tự định liệu lấy! Buông ống điện thoại xuống, tôi đứng ỳ tại chỗ, một cảm giác tê cứng chạy dọc thân thể: “Đất nước đã thật sự mất rồi ư?”
Tôi bước vào phòng trình hai vị Tướng, tôi thấy mắt Chuẩn Tướng hơi chùng xuống, rồi Ông gật gật đầu tỏ ý không cần thêm gì nữa. Tôi bước ra ngoài, người nhân viên văn phòng trao chiếc radio nhỏ cho biết Đài Phát Thanh Sài Gòn thông báo dân chúng chờ đón nghe thông điệp khẩn của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi trở vào trình Chuẩn Tướng. Lúc nầy Thiếu Tướng Nam đã trở qua văn phòng Ông, Chuẩn Tướng vội vã rời phòng bước xuống bậc thềm hướng về toà nhà Tư Lệnh. Mười lăm phút sau, tôi ghi vội nội dung lời phát biểu cuối cùng của Tổng Thống Minh, rồi bước ra ngoài định sang trình cùng hai vị Tướng. Đúng lúc đó Chuẩn Tướng đang bước xuống bậc tam cấp, tôi trao tờ giấy, vừa nói vắn tắt với Ông:
-Tổng Thống Minh đã đầu hàng…
nhanvat dvminh
T/T Dương Văn Minh bị áp giải đến Đài phát thanh SG tuyên bố đầu hàng (30/4/1975).
Chuẩn Tướng nhanh nhẹn đẩy cửa vào Phòng Tư Lệnh.
Rồi mười lăm phút sau, Chuẩn Tướng trở lại văn phòng mình và bảo tôi gọi để nói chuyện cùng 16 Tiểu Khu Trưởng. Đó là kể từ giờ phút nầy, ban hành lệnh “Thiết quân luật” trên toàn lãnh thổ Quân Đòan IV. Các đơn vị dừng quân và bố trí tại chỗ chờ lệnh Quân Đoàn, nếu chúng nó “bung” thì làm lại liền! Thiếu Tướng Tư Lệnh cũng gọi cho 3 vị Tư Lệnh Sư Đoàn 7, 9 và 21 để ban truyền lệnh trên.
Mặc dù nhận rõ thông điệp của Tổng Thống Minh, nhưng hai vị Tướng lãnh trách nhiệm sinh tử Vùng IV lúc nầy muốn ngăn trở những hổn loạn có thể xảy ra trong bối cảnh tối tăm nầy. Chính vậy, mà giờ phút nầy, Chuẩn Tướng vẫn liên lạc cùng Tướng Tần, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân, hỏi ông về việc sử dụng đến bom CBU.
nhanvat nhtanvnch CBU
Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần TL SĐ.4 Không Quân & Chiến đấu cơ trang bị bom CBU
Tôi không rõ kết quả cuộc thảo luận của hai vị Tướng về việc nầy, nhưng một tiếng đồng hồ sau đó, sau khi rời phòng họp, Chuẩn Tướng Tần cùng các sĩ quan của ông đã lên các phi cơ rời căn cứ nối gót lực lượng Hải Quân.
Giờ phút đó, tôi đang giúp Chuẩn Tướng điều chỉnh lại bộ dây ba chạc trên người ông. Chuẩn Tướng đang tư thế đối đầu tại chiến tuyến. Cửa phòng chợt mở, có ba, bốn Đại Tá tất bật kéo nhau vào phòng. Các vị nầy ở trong bảy Đại Tá được Thiếu Tướng Tư Lệnh đề cử vào chức vụ Phụ Tá Tư Lệnh Phó đặc trách về Bình Định Xây Dựng, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân…Thấy điệu dạng họ như vậy, Chuẩn Tướng cười mỉm:
-Các ông làm gì vậy, tôi còn đây mà!
Thì ra các vị đến để yêu cầu Chuẩn Tướng trình Tư Lệnh xin để họ đảm nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng lấp vào chỗ các ông đã tự ý rời nhiệm. Thông thường, các Trung Đoàn đều được cấp trực thăng C & C sử dụng trong ngày. Tôi được biết Đại Tá Bùi Huy Sảnh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 cũng vừa rời bỏ chức, không rõ ông có di tản được không?
Khi ban hành lệnh thiết quân luật, Vùng IV có vẻ đang chuẩn bị đối phó với tình hình hơn là chấp nhận treo cờ rũ. Ngay khi hay tin Sài Gòn thất thủ, chợ búa, hàng quán, dân chúng Cần Thơ mua vội bán vội cố thu xếp nhanh chóng trở về nhà. Khuôn mặt ai nấy đều lo âu. Xe lướt nhanh hơn, người đi bộ gần như chạy, đường phố giống như đang trốn chạy cơn mưa giông lớn.
vnch phoxa304
Đường phố Cần Thơ hối hả trong những ngày cuối tháng 4/75.
Sau bức thông điệp đọc trên đài phát thanh của Tổng Thống Minh, mọi liên lạc viễn thông với Sài Gòn đều bị cắt đứt, chúng tôi không biết gì về tình hình thủ đô. Tuy vậy, cho đến trưa – gần mười hai giờ – tình hình Cần Thơ cũng như mười sáu tỉnh miền Tây vẫn yên tĩnh. Chưa có một nhóm Cộng quân nào vào các thị xã, các tiểu khu vẫn còn liên lạc tốt với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.
Buổi cơm trưa thật là lạnh lẽo. Tôi không thấy đói, nuốt vội qua loa, rồi để nguyên binh phục kể cả giày, ngả lưng trên giường, tôi biết rằng kể từ giờ phút nầy biến cố sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Buổi sáng tôi đã tự ý gọi Đại Đội Trưởng Tổng Hành Dinh yêu cầu đổ đầy xăng chiếc Jeep Tư Lệnh Phó, xe tôi, xe Falcon Custom mang số ẩn tế dùng cho gia đình Chuẩn Tướng. Cho đến giờ phút này tôi chưa hề được Chuẩn Tướng ra lệnh lạc nào cả.
Mười ba giờ, chúng tôi trở vào Bộ Tư Lệnh cách tư dinh Tư Lệnh Phó chừng 300 mét. Tôi thấy xe Falcon đen cũng đưa bà Chuẩn Tướng cùng hai con rời cổng dinh nhưng rẻ trái, chạy ngược hướng chúng tôi. Tôi hơi ngạc nhiên và lo lắng, vào đến văn phòng tôi gọi về tư dinh để biết cho rõ xem Bà đi đâu. Có tiếng ồn ào phía phòng 2 Quân Đoàn, tôi bước vào hành lang để ra phía sau cho rõ sự tình. Mắt tôi chạm phải một núi giấy tờ đang được đốt cháy. Có lẽ nhân viên phòng 2 đang thiêu huỷ các hồ sơ quan trọng. Tôi không rõ Đại Tá Bình, Trưởng Phòng 2 có còn hiện diện, và việc thiêu huỷ giấy tờ nầy là do lệnh của ai? Ngay giờ phút nầy tôi cũng không rõ các trưởng phòng có còn đầy đủ hay không? Chuẩn Tướng cũng không gọi đến một vị nào cả, ngay cả Trung Tá Tòng, Trưởng Phòng 3. Tôi tự hỏi trong tình huống nầy, hai vị Tướng lãnh có còn chỉ huy cấp dưới được nữa hay không
vnch TrạiLêLợi
Bộ Tư Lệnh QĐ.IV vắng lặng trong ngày 30/4/1975…
Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt, nghẹt thở.
Mười bốn giờ ba mươi Chuẩn Tướng trở về lại tư dinh. Ông bước lên bực thềm nhưng không bước vào như mọi ngày, mà đứng nơi hiên tiền đình nhìn mông lung ra khoảng sân phía trước. Tôi đứng bên trái Chuẩn Tướng, cách vài bước hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo Ông. Mới vào mùa hè mà cảnh vật như đã thu, đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàng phượng vĩ hoa nở đỏ ối giữa sân. Hình ảnh của Chuẩn Tướng bất động trước mặt, tất cả mang đến cho tôi một cảm giác  u buồn, tan tác. Bất chợt, Ông quay lại hỏi tôi:
– Cô đi đâu?
– Thưa Cô đến nhà thờ xin lễ rửa tội.
Tôi đang lúng túng sợ Chuẩn Tướng hỏi tiếp nhà thờ ở đâu thì cửa cổng dinh mở toang, chiếc Falcon trườn vào sân. Tôi thở ra nhẹ nhõm.
Thật sự mấy ngày nay tôi cảm thấy có chuyện hơi kỳ lạ ở trong dinh: Tình hình nguy ngập như vậy, mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho Bà Chuẩn Tướng cùng thân quyến. Bây giờ Bà và các con lại đi xin lễ. Tôi không bao giờ ngờ được Ông Bà Chuẩn Tướng đã âm thầm cùng bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn gia đình,và bà Chuẩn Tướng cũng đã dọn mình bằng chính cung cách riêng của bà. Chính Bà muốn khi từ giã cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa và bước vào áo quan bằng bộ đồ mới tinh trong trắng. Chỉ đến giờ phút cuối khi thấy hai con ngây dại, Chuẩn Tướng mới thay đổi ý và năn nỉ Bà hãy ở lại đùm bọc hai con.
Buổi sáng, ngay sau khi bản thông điệp của Tổng Thống Dương Văn Minh vừa dứt, bà Chuẩn Tướng gọi điện thoại sang văn phòng tôi bảo tìm cho Bà càng nhiều càng tốt thuốc valium 5mg. Bà vốn bị bệnh mất ngủ đã lâu năm nên việc Bà cần loại thuốc nầy không có gì đặc biệt đối với tôi. Nhưng khi tôi gọi Trung Tá Lưu, Liên Đoàn Trưởng 74 Quân Y, ông khuyên tôi đừng nên can dự vào việc này để sau nầy lương tâm khỏi day dứt. Không nghe theo lời khuyên của ông, rốt cuộc tôi cũng xuống trạm xá Quân Đoàn và người sĩ quan trợ y đã dốc hết số thuốc còn lại trên trăm viên đưa tôi. Buổi trưa về tư dinh, tôi trao số thuốc đó cho Bà và Bà đón nhận rất điềm nhiên. Sau đó Bà đến nhà thờ xin Cha rửa tội.
Gương mặt Chuẩn Tướng thoáng chút mừng rỡ khi thấy vợ con về đến dinh an toàn. Ông bước đến bên xe đón Bà, trao đổi vài lời rồi lên xe trở lại Bộ Tư Lệnh.
Đã ba giờ chiều. Tôi được biết có cuộc hẹn gặp gỡ thảo luận về tình hình tiếp thu giữa BTL/QĐ IV và đại diện của phía Cộng quân vào giờ nầy. Mọi sự sẽ diễn ra tại văn phòng Tư Lệnh. Tôi không rõ ngoài hai vị Tướng còn có những ai khác, phía Cộng quân bao nhiêu người và ai sẽ thảo ra bản văn để đôi bên cùng đồng ý ký kết.
Bốn giờ chiều Chuẩn Tướng rời Bộ Tư Lệnh và đây cũng là giờ phút hiện diện cuối cùng của ông tại bản doanh nầy. Xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng chánh, Chuẩn Tướng đã ra hiệu dừng lại và bước xuống xe tỏ ý muốn biết sự gì xảy ra phía trước. Bên kia đường đối diện vòng đai và cổng chánh Bộ Tư Lệnh có rất nhiều thanh niên. Kẻ quần tây, người quần đùi, ở trần đang nối đuôi thành hàng dài phóng chân rảo nhanh. Tôi ra hiệu cho người quân cảnh sang bên đường đón chận hỏi một người trong số họ. Thì ra những thanh niên nầy thoát ra từ trại Tuyển Mộ Nhập Ngũ đã bỏ ngõ. Giờ phút nầy có lẽ không gì thần tiên bằng là họ đang được trở lại nhà. Hèn gì họ vừa chạy vừa biểu lộ vẻ vui mừng rối rít. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tự dưng tôi thấy dâng lên trong lòng nỗi cô độc, trống vắng làm sao. Hình như giờ phút nầy chỉ còn mỗi xe Jeep chúng tôi độc hành trên con đường cũ mà bây giờ đang dài lê thê. Đến góc ngả tư nơi tiếp giao giữa Bộ Tư Lệnh với dinh Tư Lệnh Phó và dinh Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh, Chuẩn Tướng ra hiệu ngừng xe. Ông bước xuống nhìn bao quát có vẻ như đang sắp xếp một thế trận.
Tôi nhìn ra bốn phía lộ và nhận ra vẻ trống vắng rờn rợn. Lác đác vài xe gắn máy, xe thồ, người đi xe đạp đang hối hả gò lưng. Cả một góc phố im ỉm, thoi thóp khiến tôi liên tưởng đến những đoạn phim có cảnh tương tự mà tôi đã xem thời còn đi học: Les Sept Mercenaires, O.K Coral….Bổng từ phía chân cầu Cái Khế xuất hiện một chiếc xe Jeep lao nhanh về phía chúng tôi rồi ngừng lại cạnh xe Chuẩn Tướng. Người ngồi trên xe là Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, tân Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Ông là một trong vài vị Tư Lệnh được Tổng Thống Thiệu ra sắc lệnh thăng cấp trước khi lên phi cơ rời khỏi Việt Nam. Trên xe bây giờ chỉ còn một mình Ông và người tài xế. Chuẩn Tướng Trường bước xuống xe trình cùng Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn điều gì tôi không nghe được, nhưng với vẻ hấp tấp và gương mặt đầy lo âu cộng với tình hình trước mắt, tôi đoán có lẽ Bộ Tư Lệnh của ông hiện đã tan rã. Chuẩn Tướng bảo Chuẩn Tướng Trường theo Ông về dinh.
Tại phòng khách, hai vị Tướng cùng ngồi trên ghế canapé. Với giọng cứng cỏi, quả quyết, Ông nói cùng Chuẩn Tướng Trường rằng giờ nầy ông chỉ huy, và bảo Chuẩn Tướng Trường cùng Trung Tá Thành, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đến đóng bản doanh tại dinh Tiểu Khu Trưởng. Chuẩn Tướng bảo Trung Tá Thành lệnh cho 2 chi đoàn thiết vận xa M.113 đang ở vùng quận lỵ Bình Minh lập tức quay về Cần Thơ và cho người đến tận bến bắc lệnh cho toán chuyển vận phải túc trực ưu tiên cho đoàn thiết vận xa vượt sông. Nói xong, Chuẩn Tướng đứng lên bước vào phòng rửa mặt. Chuẩn Tướng Trường cũng vội vã ra xe để đến dinh Tiểu Khu Trưởng. Lúc trở ra, Chuẩn Tướng cũng đến ngồi tại ghế tràng kỹ.Thiết vận xa M.113 đang trong tình trạng báo động.
Đèn phòng vừa bật sáng, tôi giật mình ngó qua khung cửa sổ, bóng tối đã nhợt nhờ ngoài sân. Phía cuối phòng, Bà Chuẩn Tướng và gia đình đã ngồi vào bàn ăn có vẻ như an bình của một bửa cơm tối như mọi ngày. Một người lính phục dịch đặt trên bàn tiếp khách chỗ ngồi Chuẩn Tướng một cái dĩa, muỗng và hai quả trứng gà ngâm trong ly nước sôi. Đó là buổi ăn tối của Ông hôm nay.
Tôi đứng cạnh bàn viết đặt sát cửa sổ phòng khách, cách chỗ ngồi Chuẩn Tướng hơn 1 mét. Trên bàn có 2 máy điện thoại: một tự động và một qua tổng đài viên, tối nay tôi tăng cường thêm 1 PRC 25 mở tần số của BTL/SĐ 21 và Thiết Đoàn 9 để tiện việc liên lạc, theo dõi. Hình như hệ thống truyền tin của Bộ Tư Lệnh đã ngưng hoạt động từ 5 giờ chiều, vì từ giờ phút trên, tôi gọi không có tiếng người tổng đài viên trả lời, còn điện thoại tự động giống như bị cắt. Lúc nầy, Thiếu tá Trịnh Đức Phương bước vào và đến đứng phía sau chỗ ngồi Chuẩn Tướng. Cả ba chúng tôi im lặng hồi hộp nhìn về phía màn hình TV đặt sát đầu tủ cạnh bàn ăn. Đã bảy giờ tối, màn hình TV vẫn sáng im ỉm.
Phái đoàn hai bên rời Bộ Tư Lệnh/QĐ đã gần 2 giờ đồng hồ, và khoảnh khắc nầy là giờ qui định phát thanh. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu thêm, có tiếng nói vọng ra từ TV tự xưng là phát ngôn viên của BTL/QĐ và đọc bản văn thông báo “Bộ Tư Lệnh đã đầu hàng, các đơn vị phải buông trao vũ khí”. Bản văn vắn tắt nhưng thật rõ ràng, đầy đủ. Gấp rút đến đỗi TV lúc nầy cũng trở thành đài phát thanh. Nghe đọc bản văn như vậy, tất cả chúng tôi, những người hiểu rõ về nội dung bản văn chung đều chết điếng: Bản văn được hai bên ký kết đã bị tráo đổi!
Lập tức Chuẩn Tướng bảo tôi chuyển máy PRC 25 đến chỗ ông ngồi. Đích thân ông cầm ống liên hợp gọi “Hổ Cáp” (danh hiệu Trung Tá Thành trong đặc lệnh truyền tin) bảo ông dùng M 113 lái đến dinh để đi cùng Chuẩn Tướng đến đài phát thanh. Nghe đến đó, tôi vội lùi một bước về phía cửa lớn để ra hiệu cho Trung Sĩ Sao (cận vệ) chuẩn bị sẳn sàng di chuyển. Tôi bước về chỗ cũ vừa kịp nghe lời đáp của Trung Tá Thành vang lên trên loa khuếch đại, lời lẽ vẫn còn mang vẻ lễ độ của một cấp thừa hành, nhưng rõ ràng đó là lời chối từ thi hành mệnh lệnh. Thật ra khó mà đóan chắc có lực lượng đáng kể nào của Cộng quân đã có mặt ở thị xã hay Bộ Tư Lệnh hay chưa, nhưng với văn bản vừa phát ra, chắc sẽ hung hiểm vô cùng nếu tự nhiên xuất hiện một chiến xa rầm rộ di chuyển trong đường phố lúc nầy. Tôi tin rằng Chuẩn Tướng thừa hiểu rõ điều đó. Trong cảnh biến động nầy, tuy lòng có lo âu và hãi sợ nhưng nhìn thấy đức tính gan dạ, bất khuất của Ông – như một dũng tướng tới bước đường cùng vẫn tả xung hữu đột – tôi khâm phục Ông xiết bao. Với một tinh thần tự nhận trách nhiệm tối cao, hai vị Tướng Lãnh muốn được bảo đảm sự an toàn tốt nhất, cũng như lo lắng cho sinh mệnh những binh sĩ khi họ không còn được quyền cầm vũ khí trong tay nữa. Sau bản thông điệp của Tổng Thống Dương Văn Minh, có ai biết được chắc chắn về số phận của những đơn vị trước đó đang trực tiếp giao tranh ác liệt cùng các lực lượng Cộng quân, và rồi bỗng dưng họ phải buông súng trong cơn hận thù còn sôi sục của đối phương?
vnch toahanhchanh
Tòa Hành Chánh Tỉnh Phong Dinh trước ngày 30/4/1975.
Đang miên man, tôi giựt mình khi điện thoại trên bàn chỗ tôi đứng reo vang. Nhấc ống nghe lên tôi vội chuyển liền cho Chuẩn Tướng khi nhận ra giọng trầm trầm của Thiếu Tướng Tư Lệnh đầu bên kia. Có lẽ Thiếu Tướng hỏi Chuẩn Tướng về bản văn đọc vừa rồi. Tôi nghe Chuẩn Tướng trình bày là mọi việc đã giao cho Đại Tá Sáu, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn, đại diện cùng đi với phe Cộng quân. Nhưng vì sao bản văn chung bị tráo và tình trạng Đại Tá Sáu ra sao duy nhứt chỉ một mình Đại Tá Sáu biết rõ mà thôi. Đặc biệt tôi không nghe Chuẩn Tướng báo với Thiếu Tướng Nam về việc Ông tính đến đài phát thanh. Cuộc điện đàm giữa hai vị Tướng lãnh kết thúc. Buông ống điện thoại xuống, Chuẩn Tướng thừ người bất động. Lần đầu tiên, tôi nhận rõ nét mệt mỏi tuyệt vọng trên gương mặt ông. Chỗ dựa cuối cùng đối với đơn vị và những đàn em thân tín ông từng chỉ huy giờ đã bật gốc! Trong một cử chỉ buông xuôi, Chuẩn Tướng đưa hai tay về phía trước và với giọng nói oai mãnh, bất khuất, ông đã quất về phía tôi và Thiếu Tá Phương một tràng lanh lảnh, đanh thép khiến tôi rụng rời, vì biết sắp phải xa Ông, vị Tướng tôi luôn quí kính. Tôi cúi đầu lặng thinh, cả một khoảnh khắc chơi vơi để ba chúng tôi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Chuẩn Tướng đứng lên bảo tôi tập hợp toán lính gác để Ông nói chuyện. Tiểu Đội bảo vệ tư dinh Tư Lệnh Phó do người Thượng Sĩ trưởng toán sắp xếp thành hai hàng bên hông dinh chỗ khúc sân lối ra vào. Bằng một giọng nói cảm động, chân tình, Chuẩn Tướng cám ơn họ vẫn ở bên Ông đến giờ phút nầy, và bảo anh em ai muốn rời dinh cứ tuỳ ý…Bỗng có tiếng người lính gác trên cao báo động có xe Cộng quân đến. Lập tức Chuẩn Tướng chạy vào trong nhà, tôi hô toán cận vệ vào vị trí rồi xách máy PRC 25 chạy theo Ông lên lầu. Chuẩn Tướng vào phòng ngủ rồi trở ra với khẩu XM 18 trên tay, chạy ra bao lơn nằm xuống nhìn ra phía đường. Lúc nầy tôi mới nhận ra đường phố tối đen. Điện toàn bộ thị xã tắt ngúm. Như vậy điện hiện có trong dinh là do đường dây từ máy phát điện của BTL/QĐ. Trong bóng đêm u uất đó, hai vệt sáng rực phát ra từ hai đèn pha chiếc xe Jeep vừa rời cổng dinh Tiểu Khu Trưởng, quét thẳng về phía chúng tôi trông thật ghê rợn. Nhưng ra đến ngả tư, ánh đèn lại rẻ trái theo đại lộ Hoà Bình hướng về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Họ không đến chỗ chúng tôi.
Chuẩn Tướng đứng lui trở về phòng, tôi cầm ống liên hợp PRC 25 gọi danh hiệu của Chuẩn Tướng Trường và Trung Tá Thành. Tôi gọi hai ba lần đều không có tiếng đáp lại. Có vẻ như hệ thống máy đã ngưng. Chắc chắn phải có biến cố bên dinh Tiểu Khu Trưởng nơi Chuẩn Tướng Trường và Trung Tá Thành đến đóng bản doanh hồi chiều. Dinh Tư Lệnh Phó và Tiểu Khu Trưởng chỉ cách nhau hơn 300m, nếu có tiếng súng nổ chúng tôi phải nghe được, nhưng sự việc máy không lực không còn túc trực chứng tỏ tình trạng Chuẩn Tướng Trường rất bi quan, có thể ông và Trung Tá Thành đã bị bắt. Và như vậy tình hình trong dinh chúng tôi rất nguy ngập, không rõ địch sẽ xuất hiện lúc nào? Có lẽ Chuẩn Tướng nhận rõ được thì giờ đang rất cấp bách. Ông bước đến đẩy cửa vào phòng Bà và đây chính là giờ phút Ông thuyết phục Bà cần phải sống. Hai cháu bé lúc đó đang vô tư đùa giỡn cùng nhau trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch lối ra bao lơn. Tôi trở xuống nhà để tìm gặp dặn dò toán gác. Thật ra tìm họ cũng là tự trấn an tôi.
vnch nghiaphuong
Trung Úy Nghĩa & Thiếu Tá Trịnh Đức Phương
(Tại căn cứ SĐ.21BB – Chương Thiện -1973)
Mười phút sau Chuẩn Tướng gọi tôi lên lầu gặp Ông. Tại đây, tôi thấy ngoài tôi và Thiếu Tá Phương, còn hiện diện đông đủ những binh sĩ đã từng phục dịch Chuẩn Tướng cùng gia đình rất lâu năm. Chuẩn Tướng đứng nơi phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái ba tuổi để cho đầu cháu tựa vào má Ông. Bà Chuẩn Tướng đứng cạnh bên. Hai bàn tay măng non cháu bé hồn nhiên lùa trên tóc cha, làm lòa xòa vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn Tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng nói tha thiết ân cần, Chuẩn Tướng gởi lại Bà cùng hai con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho đến sáng sẽ không có gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống Bà Chuẩn Tướng và hai đứa bé về Sài Gòn rạng sáng ngày mai 01-05. Đó là lời uỷ thác cuối cùng của Ông. Dù đã từng xông pha bao nhiêu trận mạc, nhưng trong giờ phút tử biệt cùng người thân, Chuẩn Tướng cũng không nén được nỗi uất nghẹn trong lời nói. Ông lấy lại trầm tĩnh thật nhanh, quát bảo tất cả trở xuống dưới nhà, chỉ còn mình tôi và Bà Chuẩn Tướng ở lại.
Để rồi giây phút vĩnh quyết đã đến…
Huynh Quang Nghĩa