Khi ra ngoài trời vào những ngày giá buốt, có thể bạn sẽ nhận thấy những đầu ngón tay mình lạnh như băng. Đó là điều bình thường, những vùng ngoại vi của cơ thể thường có xu hướng lạnh hơn bởi cơ thể cần ưu tiên đưa máu và nhiệt về những cơ quan thiết yếu (như tim, phổi, não).
Nhưng nếu tay bạn luôn lạnh như băng ngay cả vào những ngày ấm áp, thì đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề.
Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến tay bạn luôn lạnh như băng.
1. Hội chứng Raynaud
Đây là một nguyên nhân phổ biến làm ngón tay bạn luôn lạnh. Raynaud là một trạng thái mà các mạch máu của ngón tay bạn bị co nhỏ lại (đôi khi có thể ở mũi, ngón chân, tai), nhằm đáp ứng lại nhiệt độ lạnh hoặc những căng thẳng cảm xúc. Trong mỗi lần xuất hiện, các ngón tay sẽ chuyển dần từ màu trắng sang xanh, vì không có hoặc có ít dòng máu tới được khu vực đó; tiếp đó ngón tay lại chuyển về màu đỏ khi mạch máu giãn và tuần hoàn lưu thông trở lại. Thường trong mỗi lần lên như vậy thì ngón tay bạn có thể đau, buốt, nhức, và lạnh.
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Raynaud đều chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên hội chứng này thường chỉ gây khó chịu cho người mắc, mà không gây nhiều tổn thương. Bạn có thể khắc phục bằng cách mặc ấm hoặc đeo găng tay, găng tay hở ngón khi tiếp xúc với môi trường lạnh (thậm chí cả khi lấy đồ ăn khỏi tủ lạnh), và tránh những căng thẳng cảm xúc.
2. Các bệnh tự miễn
Đôi khi hội chứng Raynaud là do các bệnh tự miễn gây nên. Có thể kể đến như bệnh Lupus ban đỏ, bệnh thấp khớp v.v. Các bác sĩ cũng chưa hiểu rõ tại sao lại có mối liên hệ giữa hai bệnh này. Tuy nhiên khi bạn kiểm soát được bệnh tự miễn thì các triệu chứng của hội chứng Raynauld cũng được cải thiện.
3. Suy tuyến giáp
Không lạ khi ngón tay bạn thường xuyên lạnh giá nếu bạn bị suy tuyến giáp. Tuyến giáp về cơ bản là máy điều nhiệt của cơ thể. Suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp kém, từ đó khiến các chức năng cơ thể cũng giảm, và có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, tóc dễ gãy rụng, táo bón, tăng cân, suy nghĩ và vận động chậm chạp, trí nhớ giảm sút, tuyến giáp có thể to hoặc không, và luôn cảm thấy lạnh, bao gồm cả đầu ngón tay. Suy giáp phổ biến ở phụ nữ và người trên 50 tuổi. Nếu bạn có những gợi ý kể trên thì nên đi khám để xác định chính xác bệnh.
4. Tuần hoàn máu kém
Tuần hoàn máu kém tức là dòng tuần hoàn máu giàu oxi và chất dinh dưỡng suy yếu, có thể do chức năng tim giảm hoặc sự tắc nghẽn mạch máu (do các mảng xơ vữa) và một số nguyên nhân khác. Lấy ví dụ như khi tim không đủ khả năng bơm máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, thì tay chân bạn dễ bị lạnh vì đây là những nơi xa tim nhất.
5. Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng cơ thể bạn không đủ tế bào hồng cầu hoặc lượng hemoglobin trong máu thấp. Thiếu máu có thể do một số nguyên nhân như không cung cấp đủ sắt, mất máu (như trong rong kinh, xuất huyết tiêu hóa v.v.), một số loại ung thư, và các rối loạn tiêu hóa (như bệnh Crohn). Bên cạnh lạnh tay, thiếu máu có thể gây mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, da xanh tái.
6. Thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin này sẽ làm giảm sản xuất hồng cầu. Thiếu vitamin B12 phổ biến ở những người ăn chay. Nhiều người trên 50 tuổi có thể mất khả năng hấp thu vitamin này từ thực phẩm. Xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp bạn xác định có thiếu vitamin B12 hay không, và nếu có thì bạn cần bổ sung thêm vitamin B12, sau đó các triệu chứng sẽ biến mất sau một vài tuần đến một tháng. Vitamin B12 có trong thịt, trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa, và đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành hồng cầu trong máu.
7. Huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể do nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm có mất nước, mất máu, do một số loại thuốc, hoặc một số rối loạn nội tiết. Khi huyết áp thấp, mạch máu sẽ tự điều chỉnh để giảm lượng máu đến những vùng xa của cơ thể, dồn máu về các cơ quan thiết yếu, do đó khiến ngón tay bạn lạnh buốt. Nếu bạn có các triệu chứng của huyết áp thấp như hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, mệt mỏi, yếu, buồn nôn, lẫn lộn thì nên đến khám bác sĩ.
Căng thẳng ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, và bàn tay cũng không phải ngoại lệ. Khi bạn bị lo âu, căng thẳng mãn tính, lượng adrenalin trong cơ thể tăng, khiến mạch máu vùng ngoại vi co lại, làm tay và chân bị lạnh. Kiểm soát stress sẽ làm các triệu chứng biến mất.
9. Thuốc men
Gần như mọi loại thuốc đều có tác dụng phụ, chỉ là ít hay nhiều. Có nhiều loại thuốc khiến tay bạn lạnh do làm co mạch, đặc biệt là co động mạch. Có thể kể đến thuốc chẹn beta (thuốc điều chỉnh huyết áp), một số thuốc chữa ung thư, một số thuốc nhỏ mũi. Hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ để tìm hiểu xem thuốc có phải là nguyên nhân.
10. Hút thuốc
Có quá nhiều lý do để bạn bỏ thuốc lá, và đây là một lý do khác: Nicotin trong thuốc lá làm co mạch máu, đồng thời cũng gây những mảng xơ vữa trong lòng mạch, làm hẹp lòng mạch, do đó càng làm giảm lượng máu ra ngoại vi, nên có thể khiến tay chân bạn lạnh.
Đại Hải tổng hợp-daikynguyen