Mật ong đã là món ăn ưa thích của con người từ thuở xa xưa. Hơn bốn ngàn năm về trước, dân Ai Cập và Ấn Độ đã nuôi ong để lấy mật, nhưng phải đợi tới cả ngàn năm sau, người nuôi ong mới biết được là để có mật, ong phải hút chất ngọt từ nhụy hoa.
Mật ong là thực phẩm ngọt chính của con người cho tới thế kỷ thứ 15, khi đường trắng được tinh chế.Tuy vậy, ngày nay mật ong vẫn còn rất phổ thông vì nó làm tăng hương vị thực phẩm, làm dịu ngọt món ăn, nước uống và cũng để trị bệnh nữa.
Ong làm mật.
Mật ong được làm từ nước ngọt nhụy hoa với 20% nước và 80% đường glucose, fructose.
Ở Bắc Mỹ, đa số mật hoa là từ cỏ ba lá (clover), berry bushes, cây dại hoa vàng (dandelion).
Ong dùng lưỡi dài như một cái ống để hút mật hoa vào bao tử riêng biệt. Ong có hai bao tử: một để chứa và tiêu hóa thực phẩm và một bao tử chỉ để chứa mật hoa. Trong bao tử này, mật hoa được các diêu tố chế biến thành mật ong.
Vào mỗi sáng sớm, một vài chú ong “trinh sát” bay lượn trong phạm vi vài cây số để kiếm hoa. Chúng sẽ hút thử một số mật nhụy mang về cho các ong khác giám định phẩm chất. Khi đã quyết định mật hoa nào tốt thì cả bầy ong sẽ kéo nhau tới hút mật hoa. Việc hút nhụy không làm hại tới hoa, mà trong khi hút lấy nhụy thì ong cũng giúp hoa thụ phấn.
Để có được một bao tử đầy mật (khoảng 70mg), ong phải hút nhụy từ vài trăm đến cả vài ngàn bông hoa. Cho nên, muốn có nửa lít mật cần tới nước ngọt của cả triệu bông hoa.
Khi về đến tổ, một nhóm ong thợ khác hút lại mật hoa này, biến chế, rồi rải rộng trong những ngăn của tổ, dùng cánh để quạt cho bay hơi nước. Sau đó mật ong được tồn trữ trong khuôn gắn kín bằng sáp, để làm lương thực suốt năm. Một năm bầy ong ăn hết từ 50 tới 100 kg mật.
Các loại mật ong.
Mật ong là một chất lỏng, hơi sền sệt, từ không mầu tới mầu hổ phách vàng nâu hoặc nâu sậm như mật mía, tùy theo loại mật hoa. Phẩm chất của mật cũng thay đổi tùy theo địa phương, loại hoa mà ong hút phấn và nhụy.
Mật ong thường được thu hoạch vào mùa Xuân và mùa Hạ, buổi sáng hoặc trưa khi ong bay đi ăn xa.
Từ tổ ong, mật được lấy ra bằng máy ly tâm, diệt trùng bằng hơi nóng và hơi lạnh, lọc vẩn cặn rồi vô chai. Để tăng thêm số lượng, người làm mật có thể pha thêm đường trắng hoặc nước ngọt của bắp vào mật trước khi tung ra thị trường.
Mật ong có thể được cất giữ ở nơi khô ráo trong nhà mà không cần để trong tủ lạnh. Để lâu, mật có thể đổi sang mầu đậm nhưng vẫn không hư vì trong mật có một loại kháng sinh thiên nhiên có thể tiêu diệt các ký sinh làm hư mật. Nhưng sau khi pha loãng với nước thì mật sẽ mau lên men và mau hư như trái cây hoặc rau đậu.
Khi giữ nơi nhiệt độ lạnh, mật có thể kết tinh. Chỉ cần để trong lò vi ba hay trong nồi nước ấm độ vài phút là mật ong lỏng trở lại.
Sữa Ong Chúa ( Royal Jelly ).
Đây là một chất lỏng đặc sánh, mầu trắng như sữa, do những hạch đặc biệt ở cuống họng ong thợ tiết ra.
Vì thấy rằng ong Chúa nuôi bằng mật này sống lâu hơn và cơ thể to hơn cho nên Royal Jelly đã được nhiều người ưa chuộng và giá tiền rất đắt. Nhiều người tin rằng sữa ong chúa có thể “cải lão hoàn đồng”, làm hết các vết da nhăn trên mặt, nuôi dưỡng da, thuốc bổ tăng cường sức khỏe, giúp đời sống tình dục tốt. Các nhà sản xuất còn quảng cáo là sữa ong chúa chữa được các bệnh đau gan, phong thấp khớp, thiếu máu, loét bao tử...
Phân tích cho thấy sữa ong chúa cũng chỉ có thành phần hóa chất như mật ong thường mà thôi.
Giá trị dinh dưỡng
Ngoại trừ trái cây và rau đậu, mật ong là nguồn thiên nhiên quan trọng cung cấp cho con người những chất ngọt dễ tiêu.
Trong mật ong, đường chiếm tỷ lệ 80%; còn lại 20% là nước và các chất khác. Hai thứ đường chính là glucose và fructose Ngoài đường ngọt, mật ong còn chứa khoáng chất, sinh tố B, C, các chất amino acid, một ít chất đạm, vài loại men và mấy hợp chất thơm.
Mật ong thường được ăn nguyên chất với bánh mì. Cũng có thể pha mật ong với bơ hay margarin rồi phết lên bánh mì. Mật ong có thể ăn với trái cây, khoai...
Khi nấu, một vài chất dinh dưỡng trong mật bị nhiệt tiêu hủy, nên cần giữ nhiệt độ vừa phải và chỉ cho mật ong vào nồi khi món ăn đã gần chín.
Bỏ lò, mật ong thấm với các gia vị khác vào thực phẩm nên ít bị thay đổi.
Mật ong có nhiều mùi vị khác nhau, vì đôi khi ong bay xa cả trăm cây số để hút nhụy hoa của nhiều thảo mộc khắp nơi trên trái đất. Dù mùi vị có khác nhau, mật ong không mau hư, có thể cất giữ ở ngoài tủ lạnh.
Công dụng trị bệnh
Sách tham khảo The Edinburgh New Dispensatory xuất bản năm 1811 có ghi: “ Từ xưa, mật ong đã được dùng như một loại thuốc rất tốt để làm long đờm, làm mềm dịu các mụn nhọt, để rửa các vết lở loét trên da”.
Tại Úc châu và Tân Tây Lan, mật ong được phép bán như một dược phẩm để trị bệnh.
Mật ong đã và đang được dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc các nhà nghiên cứu trong những trường hợp sau:
-Mật ong bồi bổ , tăng cường sinh lực, rất tốt cho người bị bệnh đang hồi phục.
-Mật ong làm bớt căng thẳng, làm thư giãn thể xác và tâm hồn.
-Trước khi đi ngủ, uống mật ong khiến giấc ngủ ngon hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Công Nghệ Massachusetts (Massachusett Institute of Technology-MIT), chất ngọt của mật làm não tiết ra nhiều serotonin mà serotonin lại làm dịu hoạt động của não, khiến ta ngủ dễ dàng.
-Mật làm sự tiêu hóa được dễ dàng nhờ chất đường dễ tiêu glucose và fructose
-Mật ong làm giảm ho vì thông đàm, rất tốt cho người bị suyễn, viêm cuống phổi, ho gà.
-Mật có phấn hoa nên đã được dùng để làm cơ thể quen dần với phấn hoa, tránh dị ứng theo mùa, nhất là vào mùa xuân. Đấy cũng là nguyên tắc được áp dụng để làm người dị ứng với phấn hoa trở nên quen đi bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ phấn hoa vào cơ thể.
-Mật ong rất tốt để làm bớt đau cuống họng, làm sạch răng miệng, làm mau lành lở miệng, lở mép nhờ có chất hydrogene peroxide.
-Mật ong làm mau lành các vết thương ngoài da, có tính cách khử trùng và là hàng rào tốt để cản sự xâm nhập của vi trùng vào các vết thương.
-Các nghiên cứu ở Ấn độ cho thấy bệnh nhân bị phỏng mà được bôi bằng mật thì da mau lành hơn là chữa với thuốc trị phỏng silver sulfadiazine.
-Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyên người đi du lịch mắc bệnh tiêu chẩy uống nhiều nước cam có pha mật ong, một chút muối và một chút baking soda đề bù lại số nước và khoáng chất mất đi.
E. Haffejee and A. Moosa phổ biến kết quả nghiên cứu trên British Medical Journal năm 1985 cũng đồng ý rằng mật ong có thể rút ngắn thời gian bị bệnh tiêu chẩy ở trẻ em.
-Mật ong rất tốt cho da: Thoa trên da, mật ong làm da mịn, mềm hơn vì mật giữ độ ẩm cho da. Mật làm bệnh trứng cá mau lành; bôi lên tóc, mật làm tóc bóng mượt và mềm.
-Mật ong có một lượng khá cao chất chống oxy hóa tốt tương đương như sinh tố C, nên có thể làm chậm sự lão hóa và giảm nguy cơ ung thư.
Chú ý Cơ quan Kiểm Soát Bệnh Tật Hoa Kỳ lưu ý là không nên cho trẻ em dưới một tuổi dùng mật ong vì cơ thể các em chưa đủ sức chống lại loại vi khuẩn gây bệnh trúng độc thực phẩm (clostridium botulinum ), đôi khi có lẫn trong mật.
Kết luận
Những con ong nhỏ bé nhưng với khả năng tinh xảo do thiên nhiên ban cho đã tốn nhiều công sức để tạo ra món thực phẩm ngon lành, bổ dưỡng và quý giá để cho con người tận hưởng.
Nhưng dù tốt, mật ong cũng không phải là loại thực phẩm có thể thay thế cho tất cả các thực phẩm khác. Hơn nữa, nếu lạm dụng mật ong quá mức thì chắc chắn cũng sẽ có những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Vì thế, cho dù sẵn có mật ong để dùng, chúng ta cũng nên hạn chế ở một mức độ vừa phải thì hợp lý hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức