Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Cảm nghĩ vềđạo Phật


Trái với các tôn giáo khác, đạo Phật không tôn thờ một đấng sáng tạo (Creator God) nào cả. Tại các chùa, đền thờ, người ta thờ Phật có lẽ là do lòng ngưỡng mộ mà ra bởi vì Đức Phật Thích Ca không chủ trương việc này.

Tu và hành đạo Phật cần chú trọng đến hai chữ: vô minh (ignorance) và giác ngộ (fully enlightened, to wake up). Thức dậy và thoát ra cái bể tối tăm đang sống để thấy sự thật của vạn vật cùng những vấn nạn của chính cá nhân mình. Đức Phật chỉ cho con đường giải thoát, cứ theo đó mà tu tập, không có gì huyền bí và phức tạp cả. Cái gì không giải thích được hoặc rắc rối quá sức hiểu biết của một người bình thường thì cái đó hầu chắc không phải của Đức Phật Thích Ca. Chủ trương của Đức Phật Thích Ca là cứu tất cả mọi người ra khỏi cái bể khổ, các điều giảng dạy đi thẳng vào đời sống thực tế của con người và áp dụng được cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho ông Albert Einstein hoặc một nhóm thiền sư "siêu việt" hoặc một duyên kỳ ngộ nào cả. Ai cũng có thể tu và đạt đạo. Trong cái rừng kinh sách do suy diễn có khi làm sáng tỏ triết lý nhưng cũng có khi “lung tung”; vì vậy, cách đúng đắn nhất là nên đi về cái gốc và hệ thống hóa các điều giảng dạy chân chính của Đức Phật Thích Ca.

Tinh túy của đạo Phật, trên quan điểm lý thuyết cũng như thực hành, đã được tóm gọn trong bài giảng thứ nhất của Đức Phật Thích Ca ngay sau khi Ngài giác ngộ. Tinh túy đó là bốn sự thật (the four noble truths, tứ diệu đế (1), gồm có:

Ø sự thật về sự đau khổ (the truth of suffering, khổ đế (2)
Ø sự thật về nguyên nhân của đau khổ (the truth of the cause of suffering, tập đế )
Ø sự thật về việc chấm dứt đau khổ (the truth of the end of suffering, diệt đế )
Ø sự thật về con đường dẫn đến việc chấm dứt đau khổ (the truth of the path that leads to the end of suffering, đạo đế ).
Tôi tin rằng tất cả chúng ta , nếu thật sự luơng thiện với chính mình, đều sẽ phải công nhận là đời sống có một vấn nạn gốc rễ của nó. Vấn nạn đó là mọi việc không xảy ra như đáng lẽ phải xảy ra. Một cái gì đó ở nơi nào đó không được đúng lắm. Và không cần biết chúng ta đã cố gắng "chạy trốn" nó khổ sở như thế nào, sự kiện là chúng ta sẽ phải đối diện với cái vấn nạn này: mọi việc không phải lúc nào cũng xảy ra như đáng lẽ phải xảy ra, một cái gì đó đã sai ở một chỗ nào đó. "Sai", "trục trặc" nên chúng ta khổ hay nói cách khác, mọi người, mọi việc không được như cái ý muốn chủ quan của chúng ta. Đa số mọi người sẽ đi tìm giải pháp cho vấn nạn này, nhưng cũng có một số có thái độ bỏ mặc, giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát để ngỡ rằng đã tránh né được vấn nạn.
Sự thật thứ nhất: bản chất của cuộc đời là khổ.
Đạo Phật nhìn nhận có tám thứ khổ ở đời:

Khổ do sanh: nguời sanh và kẻ bị sanh đều đau khổ. Người mẹ phải chịu biết bao là đau khổ kể từ ngày mang thai cho đến lúc sanh con. Người con cũng đau khổ không kém: chín tháng mười ngày bị giam hãm trong bụng mẹ. Sanh ra rồi thì phải đối diện với không biết bao nhiêu là nỗi khổ: vật chất (bệnh tật, cơm áo, nhà cửa, xe cộ) và tinh thần (danh tiếng, tình yêu "lỡ chuyến đò, tàn phai, ngang trái", gia đình, lục dục thất tình, v.v.) Nhưng trên hết là lòng tham không bao giờ thỏa mãn được (insatiable), và đây mới là cội rễ của mọi chuyện trên đời.

Khổ vì già: càng lớn tuổi, sức khỏe càng suy giảm, trí tuệ càng lẩm cẩm.

Khổ vì bệnh: con người phải chống chọi với bệnh tật từ lúc mới sinh cho đến lúc chết. Ai cũng biết bệnh thì tất nhiên là khổ lắm.

Khổ vì chết: khi chết, đa số mọi người sẽ khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Khổ vì thất vọng (cầu bất đắc khổ): đau khổ, buồn rầu vì không đạt được điều mong muốn. Thí dụ: mong có tiền bạc, công danh, tình yêu nhưng không đạt được.

Khổ vì thương nhau nhưng bị chia lìa (ái biệt ly khổ): vợ chồng, cha mẹ và con, anh chị em, bạn bè, v.v. thương yêu nhau mà nay phải chia lìa thì sinh ra khổ. Có hai loại chia lìa: còn sống nhưng không được ở chung với nhau (sanh ly) và xa cách vì chết (tử biệt).

Khổ vì oán ghét nhau mà cứ phải gặp nhau (oán tắng hội khổ): người ta hay nói: "Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt; ở chung với người nghịch như nếm mật, nằm gai". Thí dụ: vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" mà phải chịu đựng sống chung với nhau thì khổ lắm.

Khổ vì mang thân người (ngũ ấm xí thạnh khổ): con người bị năm tổng hợp (the five aggregates) khỏa lấp, xung đột, chi phối làm họ rất khó trở về với chân tính. Đây là học thuyết rất quan trọng của đạo Phật về cái tôi (the self), gồm có:

a) tổng hợp thể chất (the aggregate of matter or form): tai nghe âm thanh, mắt nhìn sự vật, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, da sờ mó, đụng chạm với sự vật; tất cả năm giác quan này tạo ra một hình dạng vật chất nào đó.

b) tổng hợp cảm giác (the aggregate of feeling or sensation): hình dạng vật chất nào đó khiến cho con người phản ứng lại bằng ba loại cảm giác: khổ, vui, hoặc không khổ, không vui.

c) tổng hợp suy tưởng (the aggregate of impulse or perception): căn cứ vào các cảm giác về các hình ảnh, âm thanh hoặc những gì có thể hình dung được từ năm giác quan mà con người bị kích thích, từ đó phát sinh nhận thức để nhận diện và sắp loại các cảm giác đó. Nhận thức này hãy còn ở mức thô sơ và bất chợt (impulse).

d) tổng hợp quan điểm (the aggregate of concept): việc nhận diện và sắp loại cảm giác thô thiển ban đầu tạo điều kiện phát sinh nhận định.

e) tổng hợp ý thức (the aggregate of consciousness): từ bốn diễn trình tuần tự biến đổi như trên, ý thức thành hình và biến đổi không ngừng; điều khiển và chi phối hành động của con người.

Phân tích về năm tổng hợp nhằm mục đích mang lại sự khôn ngoan để diệt cái tôi đáng ghét của con người. Sự khôn ngoan đó là hiểu được luật vô thường (impermanence) của vạn vật: tất cả đều phải bị hủy hoại, không có cái gì tồn tại mãi mãi. Có mấy ai khi đang sung sướng, khỏe mạnh, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan mà dám nghĩ rằng ngày mai, một cái bướu trong một bộ phận nào đó bộc ra và sẽ chết trong tháng tới ? Có ai dám nghĩ rằng sức khỏe, danh vọng, tiền bạc đang có trong tay chỉ là trò vui trong tích tắc? Có ai dám nghĩ rằng vợ, chồng, con cái chỉ là tạm bợ ? Thực ra, mọi người lên sân khấu cuộc đời để đóng một vai kịch nào đó trong một thời gian nào đó, sau đó phải xuống sân khấu. Việc tụ hợp thành vợ chồng, con cái, bạn bè, v.v. được đạo Phật gọi là cái duyên. Hợp rồi tan.

Xin lưu ý tuy rằng bản chất của các duyên là vô thường trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng cho dù ngắn đến đâu đi nữa, con người vẫn phải tích cực sống cho đúng vai trò của họ trong khoảnh khắc đó để trả cái nghiệp của kiếp trước (nghiệp nghĩa là hành động, dịch từ chữ karma=action). Hành động kiếp trước tạo ra cái quả (effect) kiếp này và hành động kiếp này tạo ra cái nhân (cause) cho kiếp sau. Sống đúng để rút ngắn cái vòng nhân quả không ngừng. Sống không đúng thì luân hồi mãi cho đến khi nào đúng thì thôi. Nhận thức như vậy, con người sẽ đối diện với mọi sự rắc rối ở đời một cách bình thản, không sợ gặp tai họa, diệt tánh tham nên thoát được khổ, cũng như bản thân sẽ giảm bớt tội lỗi mà từ đó, có được một đời sống yên bình trong nội tâm. Không có gì phải quá sức vui mừng hoặc đau khổ khi sanh, già, bệnh và chết bởi vì dù muốn, dù không, không ai tránh được định luật này. Cái gì tới, sẽ tới.

Cuộc đời là bể khổ. Vậy thì tại sao khổ ?
Sự thật thứ hai: nguyên nhân của đau khổ.Đau khổ là do mười nguyên nhân sau đây:

Tánh tham (tham): lòng tham không đáy trong mọi lãnh vực: vật chất và tinh thần, rồi từ đó dẫn đến nhiều nỗi khổ khác. Thí dụ: tham muốn có cái xe đẹp nên dè sẻn để có tiền muạ Có được xe mới thì lại lo giữ gìn, rủi ro bị đụng thì buồn khổ. Hoặc khi có được thì lại tham muốn có cái xe khác hay hơn; cứ vậy mà chìm đắm mãi trong dục vọng.

Tánh nóng giận (sân con mắt trợn lên vì giận): nóng giận vì sự việc không xảy ra như mong đợi, từ đó trí khôn bị mờ đi và lún sâu vào ngu dốt.

Tánh đam mê (si) đam mê một cái gì đó nên mù quáng lao vào, không còn biết trúng trật.

Tánh không tự kiềm chế (mạn): thả lỏng cảm hứng, kiêu ngạo, tự cho rằng "tôi" là hay hơn hết mọi người.

Tánh nghi ngờ (nghi) không tin người và việc, lúc nào cũng nghi ngờ.

Tánh ích kỷ (thân kiến): chỉ biết thu vén lợi lộc riêng cho mình mà không nghĩ đến người khác. Coi cái "tôi" quá lớn.

Tánh thiên lệch (biên kiến): suy nghĩ nghiêng về một bên. Trong đạo Phật chia làm hai loại: thường kiến là tu cũng vậy mà không tu cũng vậy (thường kiến ngoại đạo) và đoạn kiến là cho rằng chết là hết, "tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hăng bạo ngược tắt thở cũng không còn" (đoạn kiến ngoại đạo). Cả hai loại đều bác bỏ luật nhân quả.

Tánh tự ái, không phục thiện (kiến thủ): biết sai nhưng vẫn khăng khăng cãi dể dành phần đúng do hai lý do: hoặc là không thấy được sai lầm, hoặc là tự ái ngang như cua.

Tánh thích tà giáo (giới cấm thủ): ưa thích và tuân theo những chuyện quái gở.
Tánh mê tín dị đoan (tà kiến).
Dục vọng tham lam (craving or desire) là nguyên nhân lớn nhất tạo ra đau khổ: tham muốn vật chất, danh vọng, đời sống vĩnh viễn; riêng người theo đạo Phật thì lại tham muốn được chết vĩnh viễn, không bị tái sinh. Khi thích một cái gì đó thì con người nổi lòng mong muốn và tìm cách để có được cái đó. Có rồi thì lại lo lắng giữ gìn, bị mất đi thì buồn rầu, đau khổ; hoặc khi có rồi lại sinh ra nhàm chán mà muốn có cái khác hay hơn. Người ta hay ví dục vọng không bao giờ thỏa mãn này giống như người khát nước, nhưng thay vì uống nước thông thường thì lại uống nước muối: càng uống thì càng khát, uống hoài cho đến lúc sình bụng mà chết. Đây là biểu hiện của hiện tượng non nớt trước bản chất của vạn vật; nói cách khác đây là hiện tượng ngu dốt (vô minh).

Sự thật thứ nhất về đau khổ là cái quả. Sự thật thứ hai là cái nhân của đau khổ. Bây giờ hãy xét đến sự thật thứ ba là sự thật khi chấm dứt được đau khổ.
Sự thật thứ ba: chấm dứt được đau khổ.
Con người phải tự sửa và tự tập để chấm dứt đau khổ, diệt những nguyên nhân gây ra đau khổ để đạt đến niết bàn, ký âm từ chữ Sanskrit: Nirvana . "Nir" nghĩa là ra khỏi và"vana" nghĩa là rừng mê. Niết bàn là ra khỏi rừng mê. Con người lú lẩn trong dục vọng nên không nhận thức được sự vô thường của vạn vật, ngỡ "cái tôi" là hiện hữu; vì vậy, bị khổ hoài, và cứ mãi mãi luân hồi. Khi nào chấm dứt hoặc thoát được đau khổ thì khi đó đạt được niết bàn. Nói nôm na là cứ sống tự nhiên, chấp nhận mọi người mọi vật chung quanh, không mưu tìm điều gì cả mà cũng không né tránh mọi việc xảy đến cho mình. Ung dung tự tại.

Niết bàn là sự chấm dứt đau khổ một cách toàn diện, tuyệt đối và vĩnh viễn. Đây là mục tiêu tối hậu của đạo Phật. Đức Phật Thích Ca mô tả niết bàn là cực lạc (hạnh phúc tột đỉnh), thanh bình và không còn sanh tử. Ngài cũng nói không do ai tạo ra niết bàn, không có hình dáng, ở bên trên trái đất, vượt ra ngoài nước, lửa, không khí, vượt ra khỏi mặt trời, mặt trăng, không thể hiểu thấu được và không đo lường được. (Nirvana, the total, absolute and permanent cessation of suffering. This is the ultimate and final goal of Buddhism. The Buddha described Nirvana as supreme happiness, as peace, as immortal. Similarly, He has described Nirvana as uncreated, unformed, as beyond the earth, as beyond water, fire, air, beyond the sun and moon, unfathomable, unmeasurable.)

Câu hỏi đặt ra là liệu có thoát được đau khổ không? Niết bàn có thể có thật không ? Chỉ có một cách duy nhất để trả lời: tự bản thân mỗi người chứng nghiệm. Các nhà truyền giáo đạo Phật hay lấy hai thí dụ về con cá với con rùa và trái sầu riêng với trái mít khi biện luận về niết bàn.

Con cá sống suốt đời trong sông, làm bạn với con rùa. Một ngày nọ, con rùa bỏ sông mà bò lên đất liền rong chơi. Khi trở về, con rùa kể lại những điều mắt thấy, tai nghe trên đất liền cho con cá. Những điều này hoàn toàn vô lý, viễn vông, không có thật đối với tầm hiểu biết của con cá: làm sao lại có cái gọi là "đất" khô ráo, không ẩm ướt, ánh sáng không chiếu xuyên qua được ? Làm sao loài vật di chuyển trên đó được, v.v. Ý nói "con cá" không nên bác bỏ những gì đi quá mức hiểu biết thông thường.

Người ta có thể nói mùi vị trái sầu riêng thơm ngọt giống như trái mít; nhưng muốn biết thì phải thực sự ăn sầu riêng: không thể mô tả được. Ý nói ai muốn biết niết bàn thì phải đích thân thử nghiệm.

Ông Ram Linsen viết về niết bàn trong quyển "Le destin du 20 siècle" như sau:"Niết bàn không phải tịch nhiên bất động, cũng không phải là cái trống không, cái chết vô tông vô tích. Niết bàn là sự thực chứng cái bản thể của vũ trụ. Không thực chứng được cái bản thể đó là người còn thiếu sót, là sống một đời sống mất quân bình giữa xác thịt và tâm linh. Niết bàn không phải là ngoài cái động. Và chính niết bàn mới là nguồn gốc của những việc làm chân chính. Đây là một sự thật."
Ông Phạm Quỳnh viết về niết bàn trong quyển "Phật giáo lược khảo", 1920, Thượng chi văn tập, quyển IV, nguyên văn của một đoạn lý luận như sau:

"Đạo Phật rút lại chỉ là một đạo cứu khổ. Trong trời đất, trên cõi đời, duy có sự khổ là hiển nhiên. Bởi sao mà khổ ? Bởi cái lòng tham sống nó thúc giục người đời cứ quay cuồng xuẩn động hoài để tự mình làm cực cho mình, không biết rằng hành động tức là tạo nghiệp, tạo nghiệp tất có nghiệp báo, nghiệp báo ắt phải luân hồi, luân hồi là cứ chết đi sống lại hoài, đời đời kiếp kiếp phất phơ như cái ma trơi, phiêu dạt trong khoảng vô tận, khi mờ, khi tỏ, khi thấp, khi cao, vĩnh kiếp không bao giờ được nghỉ ngơi, yên ổn, bình tĩnh, êm đềm. Ở đời đã khổ, làm người đã nhọc như thế, thời người trí giả chỉ nên hết sức thoát sự khổ, tránh sự nhọc, mà hy vọng tới một nơi thập phần tịch mịch. Nơi ấy sách Phật gọi là Nát bàn (nirvana) .."

"Song người đời vẫn lấy sự hư vô làm sợ: nếu mãn kiếp tu hành, hết sức học đạo mà cứu cánh chỉ đến tiêu nhập vào chốn hư vô, thời kinh hãi biết dường nào! Phật cũng biết thế, nên Phật đối với vấn đề cứu cánh cũng giữ một thái độ như Khổng phu tử đối với quỉ thần vậy: không hề nói rõ bao giờ, mỗi khi đề cập đến vấn đề có ý thoái thác. Khổng tử thời môn đệ hỏi đến việc quỉ thần, đến sự chết, trả lời rằng: "Các anh chưa biết việc đời người ta đã hỏi việc quỉ thần làm gì ?" Phật tổ thời đệ tử hỏi cõi cứu cánh có phải là cõi hư vô không, và linh hồn đến khi nhập niết bàn còn gì nữa không, bèn dùng cách tỉ dụ mà hỏi lại rằng: "Ta hỏi: nay có một người bệnh thập tử nhất sinh, có kẻ đem thuốc lại cứu cho khỏi chết, người ấy có chịu uống ngay không, hay là còn hỏi thuốc kia ở đâu mà lại, thuốc kia làm bằng vật gì ? Như Lai thấy chúng sinh trầm luân trong bể khổ, muốn ra tay tế độ cho siêu thoát, khác nào như kẻ cho thuốc người bệnh: bệnh nặng, thuốc sẵn, cứ việc uống, còn hỏi gì ?"

"Xưa nay những bậc triết nhân quân tử đã sáng suốt muôn lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tay tế độ cho quần sinh, thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền bá ra được, cũng tức như ông thầy thuốc biết rằng bệnh trạng nguy mà không nói rõ cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng vậy: chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chứ chẳng phải nơi thiên đường cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ, là sợ có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng, vì những sự biết như thế là sự biết "chết người" vậy. Bởi thế nên dầu các nhà bác học, tìm khắp trong kinh sách, cũng không thể giải được Nát bàn là thế nào. Ông Oldenberg đã phải chịu thú thực rằng: "Chúng tôi đã hết sức nghiên cứu mà kết quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết không ra ngoài được, một rằng Nát bàn là cõi hư vô, hai rằng Nát bàn là nơi cực lạc, thời rút lại chẳng thuyết nào là đúng cả".

"Bởi Phật không hề nói quyết bên nào, nên về sau trong những người tín ngưỡng đạo Phật chia ra làm hai hạng: một hạng những người trí tuệ thông minh thời ức đoán thâm ý Phật mà kết luận rằng Nát bàn là hư không, đã tịch diệt rồi, không còn gì nữa; một hạng những người trình độ bình thường- mà phần đó là phần nhiều, có thể nói là gần hết các tín đồ của Phật- thời cứ theo sự hoài vọng tự nhiên trong lòng người mà tưởng tượng cõi Nát bàn là nơi cực lạc, người ta tiêu diệt rồi thời linh hồn mới tới đó, được khoái lạc vô cùng. Rồi về sau có phái nghiễm nhiên quyết đoán Nát bàn là cực lạc (sukhavâti), và đến khi các phái Bắc tôn khuynh hướng về Phật Di Đà (amitâbha), là một vị Phật huyền không có thực, thời Nát bàn tức là "Tây thiên tĩnh thổ" vậy."

"Nếu như vậy thời ra tôn chỉ đạo Phật mập mờ lắm sao ? Cứ lý luận thời tôn chỉ đạo Phật thật là rõ ràng lắm, trước sau duy nhất, không gì phân minh bằng; nhưng cứ thực tế thời Phật để cho người ta tự suy mà kết luận lấy, người trí tuệ thời không phải kiêng kị gì, suy đến cùng cực là cõi hư vô; người tầm thường thời tùy lòng hi vọng muốn tưởng tượng ra một cõi đời tốt đẹp hơn đời nay, hết cuộc luân hồi, làm nơi thường trụ, cũng mặc dầu. Song cứ bản ý Phật thời có lẽ cho những vấn đề ấy không quan trọng gì. Nát bàn là hư vô hay là cực lạc, biết hay không cũng chẳng hề gì"

"Những kẻ trí giả nhân tu niệm đã thành công, trong lòng được bình tĩnh, thời dầu đương sống trong trần tục mà cũng đã được nếm mùi Nát bàn rồi. Như vậy thời đạo Phật là trọng nhất sự tu hành, mà tu hành chẳng qua là gồm trong bốn chữ chính tâm diệt dục mà thôi, chính tâm mới hiểu được lẽ đạo, diệt dục mới hết được khổ não; đó mới là phần cốt yếu, còn những sự nghị luận viễn vông thời là phần phụ thuộc vậy."

Khi chấm dứt đau khổ, con người sẽ tới được niết bàn như dã trình bày ở trên. Câu hỏi là làm sao để chấm dứt đau khổ ?
Sự thật thứ tư: cách chấm dứt đau khổ.
Sự thật thứ tư nhằm trình bày nhiều cách thức để chấm dứt đau khổ mà kinh điển liệt kê vài cách chính yếu như dưới đây:a)Bốn điều luôn luôn tưởng nhớ đến (tứ niêm xứ)b)Bốn phép phải siêng năng làm (tứ chánh cần)c)Bốn phép thiền định (tứ như ý túc)d)Con đường có tám nhánh (the noble eightfold path, bát chánh đạo ) Con đường có tám nhánh là cách thông dụng đến nỗi khi nói về sự thật thứ tư, nhiều người tưởng lầm rằng sự thật thứ tư chỉ là con đường có tám nhánh. Tám nhánh đó là:

Hiểu biết đúng với sự thật khách quan (right understanding, chánh kiến)
Suy nghĩ, ý thức đúng (right thought, chánh tư duy)
Phát ngôn đúng (right speech, chánh ngữ)
Hành động đúng (right action, chánh nghiệp)
Sinh sống lương thiện (right livelihood, chánh mạng)
Nổ lực đúng (right effort, chánh tinh tấn)
Tưởng nhớ đúng (right mindfulness, chánh niệm)
Tập trung trí tuệ đúng (right concentration, chánh định)

Cước chú:

(1) và (2): hai fonts chữ Hán khác nhau vì tôi thích font FZZhanBiHei M225; nhưng vài chữ không "chịu" font này. Chữ "đế" không trích được từ NJStar nên tôi phải ghép thành hai chữ "ngôn" (lời nói, chỉ nghĩa) và "đế" (vua, chỉ âm) cho thành chữ "đế".

Tôi chỉ tìm hiểu đạo Phật qua các sách viết bằng chữ Hán, Anh và Việt Nam. Các kinh sách viết bằng tiếng Anh bộc lộ rõ ràng ý nghĩa, dịch thẳng từ chữ Sanskrit trong tinh thần khảo cứu khoa học của phương Tây nên rất dễ hiểu , đặc biệt là ít có suy diễn hoặc gán ghép. Còn kinh sách Việt Nam dịch từ sách Trung quốc, còn đậm nét Á đông và dùng quá nhiều từ ngữ Hán Việt. Tôi không có cách nào khác hơn là phải căn cứ trên từ ngữ Trung quốc mà bàn luận. Nói vậy có nghĩa là việc "tam sao, thất bản" sẽ xảy ra, nhưng có còn hơn không; cũng như sẽ phải sử dụng những từ ngữ Hán Việt rất "khó hiểu, tối nghĩa" đối với người không học qua chữ Hán. Khác với tiếng Anh là loại tiếng đa âm (tiếng Anh đồng âm rất hiếm hoi), tiếng Hán là loại tiếng độc âm cho nên hiện tượng đồng âm nhưng dị nghĩa nhiều khủng khiếp: một âm dùng cho nhiều nghĩa chữ khác nhau, nhưng may mắn là kiểu chữ được viết hoàn toàn khác nhau nên còn cách để phân biệt. Tiếng Việt Nam cũng là loại tiếng độc âm, nhưng khổ hơn tiếng Hán một bậc là vì viết theo kiểu mẫu tự a b c nên không sao phân biệt được nghĩa nếu gặp chữ đồng âm. Thí dụ : chữ "minh" , trong chữ Hán, được viết nhiều kiểu chữ khác nhau cho nhiều nghĩa khác nhau, nhưng với chữ Việt Nam viết theo mẫu tự a b c thì chỉ có duy nhất một kiểu viết: minh. Do đó, việc hiểu đúng nghĩa tiếng Việt Nam có phần khó khăn. Một nỗi khổ thứ hai là người Việt Nam lại mượn tiếng Hán để đọc trại thành tiếng Hán Việt, có chữ phổ thông thành tiếng Việt Nam luôn nhưng còn nhiều chữ hãy còn rất xa lạ với đại chúng. Trường hợp này thì bắt buộc phải quay về gốc chữ Hán. Lúc đó chắc chắn sẽ bị vấn nạn đồng âm của chữ Hán: cần phải xác định cho đúng mặt chữ Hán của chữ muốn tìm nghĩa, thuộc bộ chữ nào để khỏi lầm lẫn nghĩa chữ cũng như để dễ tra cứu. Dưới đây là các từ ngữ Hán Việt trong vấn đề được trình bày.

Tứ Diệu Đế: gồm có khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

Đế: không có nghĩa là hắt hơi, vua, núm quả, cội nguồn, cầu vồng, đế giày, đối đế mà ở đây có nghĩa là xem xét kỹ lưỡng. Theo nghĩa nhà Phật, chữ "đế" nghĩa là chân ngôn: sự thật chắc chắn nhất, cao nhất, bao trùm mọi sự thật khác, và luôn luôn đúng trong mọi không gian và thời gian.

Khổ: nguyên nghĩa là đắng. Theo nghĩa nhà Phật, chữ "khổ" nghĩa là khó chịu đựng được, đau đớn. Khổ đế nghĩa là sự thật về cái đau khổ ở đời, Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Dukkha

Tập: gom góp nhiều vụn vặt lại mà thành một cái gì. Theo nghĩa nhà Phật, do kiếp trước gây ra nhiều điều xấu như tàn ác, sát sinh, dâm dục, tham lam, v.v., tất cả gom góp lại thành cái "nhân" nên phải tái sinh, vì thế gọi là tập đế. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Sameda Dukkha.

Diệt: biến mất, hết, tiêu hủy. Theo nghĩa nhà Phật, chữ "diệt đế" muốn nói đến đời là bể khổ nên phải tiêu hủy khổ để đạt đến cõi niết bàn. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Nirodha Dukkha.

Đạo: con đường. Theo nghĩa nhà Phật, chữ "đạo đế" muốn nói đến con đường hoặc cách thức để diệt khổ: bát chánh đạo. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Nirodha Gamadukkha.

Ngũ Ấm: gồm có sắc ấm, thụ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm.

Ấm: che ngăn. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Skandhas.

Sắc: hiện tượng màu do ánh sáng chiếu vào, hình tướng. Theo nghĩa nhà Phật thì tất cả cái gì có hình, có tướng đều gọi là sắc. Sắc ấm là do nhiều hình tướng che lấp chân tính. Thí dụ: tai nghe âm thanh, mắt nhìn sự vật, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, da đụng chạm với sự vật, tất cả năm giác quan này tạo ra một hình dạng vật chất nào đó. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Rupa.
Thụ:nhận lấy, thuộc bộ "Hựu". Thụ ấm nghĩa là hình dạng vật chất nào đó khiến cho con người nhận lấy và phản ứng lại bằng cảm giác khổ, vui, hoặc không khổ, không vui. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Venada.
Tưởng: sự việc chưa xảy ra nhưng đã nghĩ tới. Tưởng ấm nghĩa là căn cứ vào các cảm giác về các hình ảnh, âm thanh hoặc những gì có thể hình dung được mà con người phát sinh nhận định để nhận diện, sắp loại các cảm giác đó. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Samjna.


Hành: bước chân đi. Theo nghĩa nhà Phật thì hành ấm có nghĩa: việc nhận diện, sắp loại cảm giác tạo điều kiện phát sinh quan điểm biến đổi không ngừng. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Samskara.Thức: hiểu biết. Thức ấm: từ bốn diễn trình trên, ý thức thành hình và biến đổi không ngừng; điều khiển và chi phối hành động của con người. Trung quốc dịch từ chữ Sanskrit: Vijnana.


Pham văn  Bân ( Tuan v Nguyen & Bá Trần giới thiệu)