Những người ủng hộ vấn đề lão hóa cho biết: “COVID đã gây ra một cú sốc lớn đối với chúng ta”
Đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố một chiến dịch toàn cầu nhằm phản đối phân biệt tuổi tác – phân biệt đối xử với người lớn tuổi. Điều này xảy ra phổ biến và không tốt nhưng lại thường không được công nhận.
WHO kết luận trong một báo cáo lớn trong chiến dịch: “Chúng ta phải thay đổi câu chuyện về tuổi tác và sự lão hóa… Áp dụng các chiến lược để phản đối [thái độ và hành vi phân biệt tuổi tác].
WHO đã xác nhận một số chiến lược đang được thử nghiệm ở Hoa Kỳ, bao gồm: giáo dục mọi người về phân biệt tuổi tác, khuyến khích phát triển sự gắn bó giữa các thế hệ, và thay đổi chính sách và luật pháp để ủng hộ vấn đề bình đẳng tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải có ý thức cấp bách hơn nữa trước số người tử vong gây sốc trong đại dịch COVID-19, bao gồm hơn 500,000 người Mỹ cao tuổi.
Bà Jess Maurer, giám đốc điều hành Hội đồng Maine về Lão hóa, cho biết trong một hội thảo trực tuyến vào tháng 10 về sự phân biệt tuổi tác trong công tác chăm sóc sức khỏe do KHN và Quỹ John A. Hartford tài trợ: “COVID đã gây ra một cú sốc lớn với chúng ta, [điều này cho thấy rằng] bạn không thể tiếp tục làm đi làm lại một việc mà vẫn mong đợi kết quả khác nhau” cho những người cao tuổi. “Bạn cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ, và nguyên nhân sâu xa ở đây là sự phân biệt tuổi tác”.
Một số chuyên gia tin rằng đây là cơ hội duy nhất để đối mặt với mối lo ngại này sau những gì mà Hoa Kỳ đã trải qua. Dưới đây là một số ví dụ về những gì đang được thực hiện, đặc biệt là trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Phân biệt tuổi già và bệnh tật
Vào tháng 10, một nhóm chuyên gia từ Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đã kêu gọi loại bỏ vấn đề tuổi già như một trong những nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tật trong bản sửa đổi lần thứ 11 của Phân loại Quốc tế về Bệnh tật, một nguồn tài nguyên toàn cầu được sử dụng để chuẩn hóa dữ liệu sức khỏe trên toàn thế giới.
Các chuyên gia này đã viết trên tạp chí The Lancet: Lão hóa là một quá trình bình thường và việc đánh đồng tuổi già với bệnh tật “có khả năng gây bất lợi (cho người cao tuổi)”. Họ cảnh báo rằng làm như vậy có thể dẫn đến việc đánh giá và chăm sóc lâm sàng không đầy đủ, cũng như gia tăng “sự phân biệt và định hướng xã hội” đối với người cao tuổi.
Thay đổi cách nghĩ và nói về vấn đề phân biệt tuổi tác
Viện FrameWorks, một tổ chức nghiên cứu các vấn đề xã hội, đã công bố một nghiên cứu đột phá vào năm 2015 cho thấy mối liên quan giữa tuổi tác với tình trạng (sức khỏe) xấu đi, phụ thuộc và sa sút – một định kiến gần như chắc chắn đã góp phần vào các chính sách gây bất lợi cho người cao tuổi trong thời kỳ đại dịch. Trái ngược với điều này, các chuyên gia hiểu rằng khả năng giữa những người cao tuổi là khác biệt rất lớn và một số lượng đáng kể là những người khỏe mạnh, độc lập và có khả năng đóng góp cho xã hội.
Bằng việc sử dụng nghiên cứu này và các nghiên cứu tiếp theo, trang web Reframing Aging Initiative (Sáng kiến Chống Lão hóa) – một nỗ lực nhằm thay đổi văn hóa, đã và đang hoạt động để thay đổi cách mọi người nghĩ và nói về sự già hóa, đồng thời tổ chức đào tạo trên khắp đất nước. Thay vì thể hiện sự chấp nhận với quá trình lão hóa (“một sự già hóa sẽ tràn ngập xã hội”), Reframing Aging Initiative nhấn mạnh sự khéo léo, như Patricia D’Antonio, giám đốc dự án và phó chủ tịch của chính sách và các vấn đề chuyên môn tại Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ đã nói: “Chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề nếu chúng ta quyết tâm làm như vậy”.
Ngoài ra, sáng kiến này cũng ủng hộ sự công bằng như một giá trị: “chúng ta nên đối xử bình đẳng với người cao tuổi”.
Kể từ khi trang web Reframing Aging Initiative bắt đầu hoạt động, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và Liên đoàn báo chí đã áp dụng ngôn ngữ không thiên vị xung quanh vấn đề lão hóa, và các cộng đồng ở Colorado, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut, New York và Texas đã ký kết với tư cách là đối tác.
Giải quyết vấn đề phân biệt tuổi tác ở cộng đồng
Trong ba năm qua tại Colorado, Changing the Narrative (Thay đổi Câu chuyện), một chiến dịch nâng cao nhận thức có chiến lược đã tổ chức hơn 300 hội thảo nhằm giáo dục công chúng về ngôn ngữ, sự chấp thuận và thói quen phân biệt tuổi tác. Bây giờ, họ đang đưa ra một chiến dịch kêu gọi sự chú ý đến phân biệt tuổi tác trong chăm sóc sức khỏe.
Bà Janine Vanderburg, giám đốc của chiến dịch Changing the Narrative cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là dạy mọi người về mối liên hệ giữa phân biệt tuổi tác và những kết cục sức khỏe kém, đồng thời huy động cả người cao tuổi và các chuyên gia y tế ủng hộ để có sự chăm sóc y tế tốt hơn.
Trước tác động khủng khiếp của đại dịch, vào đầu năm nay, Hội đồng Maine về Lão hóa đã khởi động Dự án Sức mạnh trong Người cao tuổi, đang tài trợ cho một loạt các cuộc trò chuyện cộng đồng về phân biệt tuổi tác và yêu cầu các tổ chức thực hiện “cam kết chống phân biệt tuổi tác”.
Mục đích là để giáo dục mọi người về suy nghĩ “phân biệt tuổi tác” của chính họ – những giả định vô thức về tuổi tác và giúp họ hiểu “thành kiến về tuổi tác tác động đến mọi thứ xung quanh họ như thế nào” như bà Maurer nói. Những người quan tâm đến việc đánh giá thành kiến về độ tuổi của họ nên được làm bài kiểm tra từ Dự án Ngầm của Đại học Harvard. (Đăng nhập và chọn “tuổi IAT” trên trang tiếp theo).
Thay đổi giáo dục cho các chuyên gia y tế tương lai
Hai năm trước, Trường Y Harvard đã bắt đầu tích hợp giáo dục về lão khoa và chăm sóc giảm nhẹ trong suốt chương trình giảng dạy vì nhận ra rằng chương trình giáo dục chưa trang bị đủ cho các bác sĩ tương lai để có thể chăm sóc người cao tuổi. Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Hoa Kỳ, mặc dù dân số già hóa tăng nhanh, nhưng chỉ có 55% các trường y ở Hoa Kỳ yêu cầu giáo dục lão khoa vào năm 2020.
Tiến sĩ Andrea Schwartz, một trợ lý giáo sư y khoa, là người điều phối những cố gắng của Harvard trong việc dạy sinh viên về mọi thứ từ các địa điểm nơi người cao tuổi nhận được sự chăm sóc (nhà dưỡng lão, cơ sở hỗ trợ cuộc sống, các chương trình tại nhà, các cơ sở dựa vào cộng đồng) đến cách quản lý chung hội chứng lão khoa như té ngã và mê sảng. Ngoài ra, sinh viên cũng được học cách trò chuyện với những bệnh nhân cao tuổi về điều gì quan trọng nhất đối với họ và điều họ mong muốn nhất từ dịch vụ chăm sóc của mình.
Bà Schwartz cũng chủ trì một ủy ban các chương trình học về lão khoa. Ủy ban này gần đây đã công bố những năng lực tối thiểu được cập nhật trong chuyên ngành lão khoa mà bất kỳ sinh viên tốt nghiệp trường y khoa nào cũng phải có.
Thay đổi yêu cầu chuyên môn
Tiến sĩ Sharon Inouye, cũng là một giáo sư y khoa tại Harvard, đã đề xuất các phương pháp tiếp cận bổ sung có thể cải thiện việc chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi. Khi một bác sĩ tìm kiếm chứng chỉ hội đồng quản trị trong một chuyên khoa, hoặc khi các bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ gia hạn chứng chỉ hành nghề, họ cần phải chứng minh đã được đào tạo hoặc có năng lực về “những điều cơ bản của lão khoa”. Và nên tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn nữa trên hàng loạt đối tượng đại diện của người cao tuổi để xây dựng cơ sở bằng chứng tốt hơn cho việc chăm sóc.
Cô Inouye, một bác sĩ lão khoa, đã đặc biệt kinh hoàng trong đại dịch này khi các bác sĩ và y tá không nhận ra rằng những người cao niên mắc COVID-19 đang phải nhập viện tại khoa cấp cứu với các triệu chứng “không điển hình” như chán ăn và mê sảng. Cô nói rằng những biểu hiện “không điển hình” như vậy thường gặp ở người cao tuổi, nhưng thay vì được các xét nghiệm hoặc điều trị COVID, những người cao tuổi này đã được gửi trở lại nhà dưỡng lão hoặc các cơ sở cộng đồng và làm lây lan bệnh dịch.
Nâng cao chuyên môn về lão khoa
Một khía cạnh tích cực trong đại dịch là các chuyên gia y tế và các nhà lãnh đạo hệ thống y tế đã thấy trực tiếp các vấn đề xảy ra sau đó và nhận ra rằng người lớn tuổi cần có sự quan tâm đặc biệt.
Tiến sĩ Rosanne Leipzig, giáo sư lão khoa tại Trường Y Icahn tại Mount Sinai, thành phố New York, cho biết: “Mọi thứ mà chúng tôi với tư cách là các bác sĩ lão khoa đang cố gắng nói với đồng nghiệp của mình đột nhiên trở nên rõ ràng”.
Giờ đây, nhiều bác sĩ phẫu thuật ở Mount Sinai đang nhờ các bác sĩ lão khoa giúp họ quản lý các bệnh nhân phẫu thuật cao tuổi và các chuyên gia chỉnh hình đang thảo luận về việc thiết lập một chương trình tương tự.
Tiến sĩ Leipzig nói: “Tôi nghĩ rằng giá trị của ngành lão khoa đang tăng lên khi các tổ chức y tế thấy cách chúng tôi chăm sóc đã giúp cải thiện kết cục ở những người cao tuổi (có nhiều vấn đề) phức tạp”.
Xây dựng hệ thống y tế thân thiện với người cao tuổi
Bà Terry Fulmer, chủ tịch Quỹ John A. Hartford, đang hỗ trợ phát triển các hệ thống y tế thân thiện với người cao tuổi cùng với Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ, Hiệp hội Y tế Công giáo Hoa Kỳ và Viện Cải thiện Chăm sóc Sức khỏe, cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng”. (Quỹ John A. Hartford là nhà tài trợ của KHN).
Hơn 2,500 hệ thống y tế, bệnh viện, phòng khám y tế và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác đã tham gia phong trào này với bốn ưu tiên trong việc chăm sóc người cao tuổi: khả năng vận động, thuốc men, trạng thái tâm lý (nhận thức và sức khỏe tâm thần), và điều gì quan trọng nhất đối với những người cao tuổi. Đây là nền tảng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm.
Việc tạo ra một khung tiêu chuẩn để cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao niên đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống chăm sóc sức khỏe biết cách thực hành, ngay cả trong bối cảnh rất nhiều bất ổn trong vài năm qua. Bà Fulmer nói: “Chúng ta nghĩ rằng (đại dịch) sẽ làm chúng ta chậm lại, nhưng những gì chúng tôi nhận thấy trong hầu hết các trường hợp đều ngược lại – mọi người có thể dựa vào “bốn ưu tiên” để làm chủ và hoàn thành công tác chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ hỗn loạn này”.
Judith Graham _ Thiên Vân/baomai