Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

“Ngồi xổm” – Bài tập sức khỏe hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất

Nghiên cứu y học đã phát hiện ra rằng tư thế ngồi xổm rất giống với tư thế của thai nhi trong bụng mẹ. Đây là tư thế bản năng của con người để tìm kiếm sự thoải mái và an toàn.
ngồi xổm



Ngồi lâu rất có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Thế nhưng ngồi xổm lại mang đến những lợi ích vô cùng tuyệt vời.

Có thể nói, ngồi xổm là “kỹ năng” đặc biệt của người châu Á. Thông thường, người phương Tây ngồi xổm bằng cách nhón gót chân. Trong khi người châu Á lại đặt cả bàn chân trên mặt đất. Một số cư dân mạng nước ngoài cũng đã cố gắng bắt chước tư thế tương tự, nhưng họ sẽ ngã xuống đất trong vòng vài giây.

Ngồi xổm không chỉ giúp cơ thể chúng ta thư giãn, mang lại cảm giác an toàn trong tâm hồn mà còn có thể mang lại nhiều tác dụng không ngờ cho sức khỏe.


Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về đường tuần hoàn máu trong cơ thể

Tim được coi là chiếc máy bơm vận chuyển máu, vòng tuần hoàn máu đầu tiên sẽ đi từ tâm thất trái → động mạch chủ → động mạch các cấp → mao mạch khắp cơ thể (trao đổi chất với dịch kẽ, cung cấp oxi và chất dinh dưỡng cho các mô tế bào) → (máu động mạch sau khi trao đổi chất sẽ trở thành máu tĩnh mạch). Khi trở về → tất cả các cấp của tĩnh mạch (loại bỏ carbon dioxide và các chất chuyển hóa) → tĩnh mạch chủ trên và dưới (các tĩnh mạch lớn nhất trong cơ thể) → cuối cùng là đến tâm nhĩ phải.

Do bàn chân là nơi xa tim nhất nên quá trình máu chảy từ tim đến các ngón chân cũng lâu hơn, dễ xảy ra rối loạn tuần hoàn ngoại vi khiến máu không được cung cấp đủ. Một số chất thải trao đổi chất và các chất độc khác nhau sẽ có thể tích tụ ở bàn chân, dẫn đến một số chất độc gây viêm khớp và tổn thương ở một số cơ quan.

Chính vì vậy cho nên người xưa thường ngâm chân, hoặc dùng tay xoa bóp lòng bàn chân, hoặc thường xuyên đi dạo để làm thông khí huyết cho chân. Chỉ cần máu tươi có thể chuyển đến chân, khí huyết sẽ có thể thông suốt, giúp lấy đi các chất cặn bã sau đó vận chuyển đến thận xử lý và bài tiết ra ngoài cơ thể.


Nguyên lý bài tập ngồi xổm có thể chữa bệnh và bồi bổ cơ thể


                                                (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Khi một người ngồi xổm xuống, cơ thể trông giống như là sẽ gập lại thành 3 phần, làm các mạch máu bị dồn ép co lại, từ đó máu sẽ dồn đến các mạch máu không bị ép, buộc chúng phải giãn nở và phình ra. Khi đứng lên, máu của toàn bộ cơ thể lại dồn về các mạch máu vốn đã bị bóp nghẹt, làm chúng chứa đầy máu.

Việc ngồi xổm xuống và đứng dậy, giống như điều khiển công tắc nhấn và thả, xả và quay trở lại, tương tự như việc súc rửa một cái chai bẩn. Từ đó giúp các mạch máu toàn thân được rửa sạch nhiều lần, làm mềm mạch máu, tăng tốc độ lưu thông máu, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Về kết quả mà ngồi xổm mang lại, người ta ước tính rằng với 5 phút “nhàn nhã” ngồi xổm có thể tương đương với đi bộ 1 giờ hoặc 20 phút quỳ gối. Con số này quả thực là vô cùng lý tưởng, nó được coi là một bài tập tiết kiệm thời gian nhất.

Khi mọi người ngồi xổm, lưu lượng máu chuyển đến tim và phổi tương đối dồi dào, cho nên có thể giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch. Đồng thời nó còn làm tăng phạm vi chuyển động của lồng ngực và phổi, từ đó giúp cải thiện chức năng của tim phổi.

Đối với những người ít vận động, đặc biệt là nhân viên văn phòng, thì bài tập này sẽ rất phù hợp và rất dễ thực hiện. Khi bạn ngồi làm việc trong hơn 1 giờ, bạn có thể đứng dậy và ngồi xổm.


Việc ngồi xổm sẽ có lợi cho toàn bộ cơ thể

1. Giúp xương khớp chắc khỏe

Ngồi xổm có thể tăng cường phạm vi chuyển động của các khớp eo, hông, đầu gối, mắt cá chân, tăng cường sự linh hoạt của khớp gối và trì hoãn sự lão hóa của khớp.

2. Tăng cường sức mạnh cơ bắp

Thường xuyên ngồi xổm có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp, đặc biệt là sức mạnh cơ bắp của chi dưới. Khi sức mạnh của hai chân được tăng cường, thì sẽ có thể ngăn ngừa việc mất thăng bằng và té ngã. Cuối cùng là bạn sẽ cảm thấy thư thái và tràn đầy sức sống khi đi bộ.

3. Cải thiện chức năng mạch máu

Nó có thể mở rộng các vi động mạch, giảm sức cản ngoại biên của tim, cải thiện tính đàn hồi của các tiểu động mạch và hạ huyết áp hiệu quả.

4. Trì hoãn sự suy giảm của não bộ

Ngồi xổm có thể tăng cường khả năng vận động của chân, tăng cường cảm giác kích thích từ thế giới bên ngoài và trì hoãn sự suy giảm của não bộ.

5. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất

Ngồi xổm chủ yếu dựa vào cơ chế là gập và duỗi của hai chân để chống đỡ trọng lượng của phần thân trên. Khi ngồi xổm, trọng lượng cơ thể sẽ ép các mạch máu ở cơ chân hướng xuống dưới, từ đó đẩy nhanh tốc độ máu tĩnh mạch của các chi dưới về tim. Khi đứng lên, cơ thể lập tức được loại bỏ sức ép, lúc này máy sẽ bơm liên tục từ tim đến các động mạch máu bên ngoài và nhanh chóng chuyển xuống nửa người dưới.

Việc liên tục ngồi xổm, đứng dậy và lại ngồi xổm có thể tăng tốc độ lưu thông máu và trao đổi chất.

6. Hiệu quả trong việc giảm cân

Ngồi xổm có thể tiêu hao nhiều calo và làm giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, đặc biệt là mỡ tích tụ ở mông và đùi. Ngoài ra, khi ngồi xổm, do ép bụng, nó có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy và phân hủy chất béo xung quanh các cơ quan bụng và giảm tích tụ chất béo.

7. Thư giãn đầu óc

Ngồi xổm có thể gỡ bỏ những muộn phiền, giảm áp lực sống, thư giãn tinh thần, điều hòa cảm xúc và làm tăng thêm niềm vui trong cuộc sống. Đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Trước những lợi ích tuyệt vời của tư thế ngồi xổm mang lại, bạn đã sẵn sàng để áp dụng ngay chưa? Dưới đây là những cách ngồi xổm hiệu quả để bạn có thể tham khảo. 


Một số cách ngồi xổm hiệu quả

1. Ngồi xổm dựa lưng


                                                              (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Hãy dùng lưng và vùng thắt lưng của chính mình, đồng thời dựa vào tường và giữ yên tư thế ngồi xổm. Thời gian tập có thể kéo dài dần, và tốt nhất là 2 – 4 phút.

2. Ngồi xổm khép chân

Đặt hai bàn chân của bạn lại với nhau, sau đó uốn cong đầu gối, giữ cho đùi và bắp chân của bạn gần nhau. Giữ trong 1-3 phút.

3. Ngồi xổm chân song song

Giữ hai chân rộng bằng vai, hai bàn chân song song và đầu gối cong khoảng 90 độ. Giữ cho hông của bạn ổn định, không lắc động, và khoảng cách so với mặt đất không được vượt quá 10 cm. Thời gian tập từ 1-3 phút.

4. Ngồi xổm bằng mũi chân

Lòng bàn chân tiếp đất, gót chân nhấc lên khỏi mặt đất. Đầu gối cong và đùi ép vào bắp chân. Thời gian duy trì trong vòng 30 giây đến 1 phút.

5. Ngồi xổm bằng gót chân

Nó hoàn toàn ngược lại với động tác ngồi xổm bằng mũi chân. Ở động tác này, gót chân sẽ chạm đất và mũi bàn chân trước giơ lên trên không. Nếu khó để giữ thăng bằng, bạn có thể để 2/3 phía sau lòng bàn chân chạm đất. Thời gian có thể được duy trì ở mức 30 giây đến 1 phút.

6. Ngồi xổm hình cung

Người tập bước chân trái ra, mũi bàn chân phải chạm đất ở trạng thái kiễng chân, hai chân tạo thành hình cung. Trọng lượng cơ thể rơi vào giữa hai bàn chân. Sau đó đổi chân và làm ngược lại, mỗi lượt duy trì khoảng 30 giây.

7. Ngồi xổm tự nhiên

Để thả lỏng toàn thân, tách hai chân hơi rộng hơn vai (hoặc rộng bằng vai), đứng tự nhiên; đồng thời, hướng của các ngón chân về cơ bản là hình số tám ngược.

Khi đứng lên, thì ấn lòng bàn chân xuống đất và đứng thẳng, nhưng nhớ là luôn giữ eo thẳng.
 

Một số lưu ý

– Nếu bạn bị đau cơ khi bắt đầu tập, xin đừng bỏ cuộc. Điều này là do các chất có tính axit như axit lactic và axit pyruvic tích tụ trong cơ được sản xuất do vận động, do đó mới gây ra hiện tượng đau nhức cơ. Khi tiếp tục làm vài động tác ngồi xổm nhẹ, axit sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, khi này bạn cơ thể sẽ được thả lỏng và thoải mái.

– Đối với những người có thể chất yếu, bạn có thể điều chỉnh nó theo tình hình của riêng mình. Người già, người có bệnh nền nên đứng dậy từ từ, không quá nhanh và đột ngột. Khi ngồi xổm, có thể dùng tay giữ chắc đầu giường, các tay vịn khác hoặc khung cửa, thực hiện chậm rãi và đều đặn. Tốt nhất nên làm một lần 10 nhịp và mỗi ngày không quá 5 lần.

Nếu là thanh niên và không có bệnh lý nền thì có thể giữ tần suất gần 5 giây 1 lần, tuy nhiên cũng đừng quá ép bản thân.

Ngọc Diệp (t/h)/trithuc