Trên thế gian này việc không như ý thường chiếm đến 8, 9 phần. Chẳng mấy ai trăm sự đều toại nguyện. Khi đối diện với chuyện không vừa ý, ta phải làm sao?
Trong ngôi chùa cổ nọ có một lão hòa thượng rất thích trồng phong lan. Trong tất cả chậu hoa, ông quý nhất một cây lan hồ điệp. Không phụ công chăm sóc cẩn thận của hòa thượng, cây lan nở ra những cành hoa màu vàng tươi thắm như những thiếu nữ đang nhảy múa. Một ngày nọ vị hòa thượng có việc phải xuống núi gặp bạn, liền mang chậu hoa lan đưa cho tiểu hòa thượng trong chùa, dặn dò chăm sóc tỉ mỉ.
Khi lão hòa thượng xuống núi được hai ngày, như thường lệ tiểu hòa thượng lại tưới nước cho lan rồi đặt chậu hoa lên bệ cửa sổ. Chẳng ngờ hôm đó trời nổi cuồng phong, mưa lớn ầm ầm xối xả. Chậu lan rớt xuống đất vỡ tan. Những cánh hoa mỏng manh bị gió mưa vùi dập cũng gãy nát hết. Tiểu hòa thượng trông chậu lan vỡ tan tành thì vô cùng buồn bã và lo lắng.
Khi lão hòa thượng trở về, tiểu hòa thượng ủ rũ, tìm tới xin lỗi và chuẩn bị sẵn tinh thần đợi sư phụ trách phạt. Tuy nhiên khi ấy lão hòa thượng không trách cứ một lời, chỉ nở nụ cười hiền từ như không có gì xảy ra. Tiểu hòa thượng ngạc nhiên vô cùng, tự hỏi: “Đây chẳng phải là cây phong lan sư phụ yêu thích nhất sao?“.
Ngập ngừng quan sát nét mặt sư phụ hồi lâu, tiểu hòa thượng rụt rè hỏi: “Thưa sư phụ thầy không giận con sao? Tại sao thầy không trách cứ con khi con làm hỏng giỏ lan thầy yêu thích?“.
Lão hòa thưởng mỉm cười hiền từ và đáp: “Ta trồng lan không phải vì để tức giận“.
Một câu nói tưởng như đơn giản mà thực đã toát lên tấm lòng bao dung, tha thứ rộng lớn như biển cả của một người có tu dưỡng. Quả vậy, chúng ta trồng hoa không phải để tức giận. Nếu một khi cơn giận dữ đã khởi phát rồi thì vẻ đẹp kia, hương thơm kia của cánh hoa liệu có còn thuần khiết nữa? Giữa cái đẹp, niềm vui và sự tức giận, muộn phiền, bạn chọn điều gì?
Nếu mang tâm thù hận thì nhìn đâu bạn cũng thấy cuộc sống trớ trêu, đáng ghét.
Nếu mang lòng cảm ơn thế giới này, dù đi nơi đâu bạn cũng cảm thấy thoải mái, sung sướng.
Nếu bạn chín chắn mọi việc cũng đều có thể theo đó chín chắn, vẹn toàn hơn.
Nếu trong tâm luôn mang đầy tính toán thì nhìn đâu cũng thấy giá lạnh cõi lòng. Nếu có thể phóng khoáng, khoan dung thì lúc nào trong hồn cũng là mùa xuân tươi đẹp.
Không phải thế giới chọn lựa bạn mà là bạn lựa chọn thế giới này. Càng không phải số phận mang đến cho bạn cuộc sống như thế nào mà là bản thân bạn chọn cách sống ra sao.
Người có tấm lòng khoan dung, luôn lấy thiện đãi người thì dù gặp phải sóng gió, bão tố lớn đến đâu cũng đều chẳng động tâm, có được tâm thái bình hòa, nhìn thấy cơ hội từ trong thử thách. Chỉ khi xem nhẹ thế sự bể dâu thì người ta mới có được nội tâm bình yên vô sự.
***
Một đôi vợ chồng nọ sống với nhau vô cùng hạnh phúc, hòa thuận, vừa kỷ niệm 50 năm ngày cưới của mình. Ngay trước mặt quan khách dự lễ, người vợ chia sẻ bí quyết gìn giữ cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình rằng: “Từ ngày mới kết hôn, tôi đã liệt kê ra 10 khuyết điểm của chồng. Tôi tự dặn lòng mình rằng mỗi khi ông ấy phạm phải một lỗi lầm nào trong đó, tôi sẽ bỏ qua tất cả để giữ gìn mái ấm của mình“.
Có người tò mò hỏi: “Vậy 10 khuyết điểm đó của chồng bà cụ thể là gì?“. Người vợ mỉm cười trả lời: “Thực sự thì hơn 50 năm qua tôi chưa bao giờ liệt kê cụ thể những khuyết điểm ấy ra. Bất cứ khi nào ông ấy mắc lỗi và làm gì đó khiến tôi phát điên, tôi đều tự trấn an mình rằng, coi như lần này ông ấy đã phạm phải 10 khuyết điểm mà tôi có thể tha thứ“.
Trong “Thái Căn Đàm”, một trong những bộ sách hay nhất về thuật ứng xử, phép tắc lịch sự ở đời, tác giả Hồng Ứng Minh nói: “Cá bơi lội tự do vì biết quên đi nước, chim thuận gió bay lượn vì không biết có gió” (Ngư đắc thủy thệ, nhi tương vong hồ thủy, điểu thừa phong phi, nhi bất tri hữu phong). Khi cái tâm người ta không còn bị ngoại vật chi phối, tác động thì tự nhiên sẽ đạt được cảnh giới bình an, tĩnh tại, tùy kỳ tự nhiên vậy.
Khoan dung, hai chữ nói nghe nhẹ nhàng mà sao nặng tựa Thái Sơn trong lòng. Là người sống trên đời ai cũng có niềm ích kỉ riêng, muốn nghĩ cho người trước khi nghĩ cho mình thì khó hơn dời non lấp bể. Thế nên, điều tu dưỡng này chỉ nói ra miệng thôi là chưa đủ, phải thực sự thấu hiểu mới làm được.
Ghi hận thì dễ, khoan dung lại khó, ghét bỏ thì dễ mà yêu quý mới là gian nan. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thù hằn người đã phạm lỗi hoặc tưởng chừng như phạm lỗi với mình. Nhưng mấy ai dịu dàng chịu bỏ qua tất cả, không kết oán trong lòng đây? Bất cứ ai cũng có thể nghiêm khắc với người ngoài, dễ dãi với bản thân. Nhưng mấy ai làm được điều ngược lại, khoan dung với tất thảy nhưng nghiêm túc chấn chỉnh chính mình?
Thế gian này bao la nhất là biển cả, rộng lớn hơn biển cả chính là bầu trời và rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người. Sự tu dưỡng lớn nhất của đời người chính là khoan dung, tha thứ. Khoan dung không phải cho người, khoan dung là để cho mình. Trẻ biết khoan dung thì đường đời hanh thông, già biết khoan dung thì bình an, thanh thản.
Khoan dung không phải là nhu nhược mà là đồng cảm với khó khăn của người khác. Thay vì săm soi vào lỗi lầm, người khoan dung luôn nhìn vào ưu điểm của những người xung quanh. Do đó họ có thể dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác mà nhìn đời bằng con mắt thanh thản, bình an.
Người phương Tây có câu ngạn ngữ thế này: “Đừng khóc khi sữa đã bị đổ đi” (It is no use crying over spilt milk). Người Việt cũng có một câu tương tự: “Thôi đừng tiếc rẻ con gà quạ tha“. Chuyện hôm qua như nước chảy về đông, cố gắng bao nhiêu cũng không giữ được, cớ chi phải hận, phải sầu, trách cứ rồi oán thán đây?
An Nhiên/ vandieuhay