Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục nhẹ trong thời gian ngắn sau bữa ăn, ví dụ như đi bộ từ 5 - 10 phút, có thể giúp giảm lượng đường trong máu sau khi ăn.
Thông thường, đa số mọi người đều biết rằng đi bộ sau bữa ăn giúp thư giãn đầu óc và hỗ trợ tiêu hóa. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng chỉ cần dành ra vài phút để đi bộ sau bữa ăn có thể làm giảm lượng đường trong máu, giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2.
Trong một phân tích tổng hợp được công bố gần đây trên tạp chí Sports Medicine, các nhà nghiên cứu đã xem xét kết quả của bảy nghiên cứu so sánh tác động của việc ngồi, đứng hoặc đi bộ sau bữa ăn đối với sức khỏe tim mạch, bao gồm cả lượng insulin và lượng đường trong máu. Họ phát hiện ra rằng việc đi bộ với tốc độ chậm sau bữa ăn với thời lượng ít nhất là từ 2 - 5 phút có tác động đáng kể đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tiến sĩ Kershaw Patel, Bác sĩ Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Houston Methodist, Mỹ, cho biết: “Tất cả hoạt động thể chất đều đem lại lợi ích cho sức khoẻ, ngay cả khi đó là đi bộ với tốc độ chậm.”
Đi bộ giúp giảm lượng đường trong máu
Trong 5/7 nghiên cứu được phân tích, những người tham gia đều là những người khỏe mạnh và không ai có triệu chứng của tiền tiểu đường hoặc mắc tiểu đường loại 2. Hai nghiên cứu còn lại so sánh sức khoẻ của những người mắc tiền tiểu đường/tiểu đường loại 2 với những người hoàn toàn khỏe mạnh. Tất cả người tham gia được yêu cầu cứ mỗi 20-30 phút thì đứng lên hoặc đi bộ từ 2 - 5 phút.
Bảy nghiên cứu đều chỉ ra rằng dành vài phút đi bộ với cường độ nhẹ sau bữa ăn có thể cải thiện đáng kể lượng đường trong máu so với việc ngồi sau khi ăn. Khi những người tham gia nghiên cứu đi bộ trong khoảng thời gian ngắn, lượng đường trong máu của họ giảm dần xuống.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc hạn chế lượng đường trong máu tăng là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đứng sau bữa ăn cũng góp phần giúp giảm lượng đường trong máu, dù hiệu quả kém hơn đi bộ một chút. Aidan Buffey, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đứng cũng đem lại lợi ích nhỏ cho cơ thể. Tuy vậy, so với ngồi hoặc đứng sau bữa ăn, đi bộ với cường độ nhẹ vẫn là một biện pháp cải thiện lượng đường trong máu tốt hơn."
Điếu này là do đi bộ nhẹ nhàng đòi hỏi sự tham gia tích cực của các khối cơ nhiều hơn so với việc chỉ đứng yên một chỗ. Hoạt động cơ thể sẽ giúp các khối cơ sử dụng năng lượng và hấp thụ một phần glucose dư thừa sau bữa ăn.
Các lợi ích khác của đi bộ sau bữa ăn
1. Hỗ trợ tiêu hóa
Một lợi ích khác liên quan đến đi bộ sau bữa ăn là hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Hoạt động thể chất có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách thúc đẩy hoạt động của dạ dày và ruột, giúp việc tiêu hoá thức ăn diễn ra nhanh hơn.
Trên thực tế, hoạt động thể chất với cường độ nhẹ sau bữa ăn cũng được chứng minh là có thể ngăn ngừa các bệnh như loét dạ dày tá tràng, ợ chua, hội chứng ruột kích thích (IBS) và táo bón.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp và cholesterol LDL ‘xấu’ và giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Một nghiên cứu cho thấy rằng các bài tập thể dục nhỏ trong ngày kể cả đi bộ 5 đến 10 phút với cường độ nhẹ sau bữa ăn cũng có thể giúp giảm triglyceride trong máu - yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
3. Giúp giảm cân
Đi bộ sau bữa ăn có thể giúp bạn đốt cháy lượng calo đã nạp vào cơ thể trong bữa ăn và có thể hỗ trợ giảm cân.
Nên đi bộ bao lâu sau bữa ăn
Đi bộ khoảng 10 phút sau bữa ăn có thể đem lại những lợi ích tiềm năng cho cơ thể đồng thời có thể ngăn ngừa tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Thêm vào đó, đi bộ khoảng 10 phút không tốn quá nhiều thời gian và không gây ảnh hưởng nhiều đến lịch trình và kế hoạch khác.
Dành 10 phút đi bộ sau bữa sáng, bữa trưa và bữa tối cũng giúp bạn tích lũy được 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, từ đó đem lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cho cơ thể.
Kết luận
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng mọi người nên làm việc nhà hoặc vận động cơ thể bằng các cách khác nhau. Tăng cường hoạt động thể chất cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh góp phần giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Tiến sĩ Euan Ashley, Bác sĩ Tim mạch, Giáo sư Y học và Di truyền học tại Đại học Stanford, Mỹ, cho biết: “Hoạt động thể chất dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của bạn.”
Tiến sĩ Patel cho rằng lợi ích của hoạt động thể chất luôn đồng hành song song với sức khỏe. Tiến sĩ cho biết: “Bạn càng hoạt động thể chất nhiều, sức khỏe của bạn càng trở nên tốt hơn.”
Đi bộ sau bữa ăn đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ nhưng cũng cần lưu ý rằng bạn chỉ nên đi bộ với tốc độ vừa phải. Bạn nên tránh đi bộ nhanh hoặc chạy bộ ngay sau khi ăn vì nó có thể gây đau bụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đợi khoảng 10 - 15 phút sau bữa ăn để thức ăn kịp tiêu hoá bớt để hạn chế tình trạng kể trên.
(theo soha)