Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

8 bài học quý giá mà cha mẹ nên dạy cho con

Nuôi dạy trẻ em không bao giờ là chuyện đơn giản. Những bài học này sẽ giúp con phát triển vững vàng đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, lành mạnh với cha mẹ.


1. Giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử
Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đang tích hợp với các thiết bị điện tử hơn bao giờ hết. Vì thế, bạn không thể cấm con 100% không sử dụng điện thoại, máy tính bảng, TV. Nhưng cha mẹ hãy khuyên con giảm bớt thời gian cho các thiết bị đó để làm các hoạt động khác như đọc sách, giải câu đố, chơi đồ chơi, đi dạo…

2. Dạy con về lòng trung thành

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc “hủy kết bạn” chỉ đơn giản là một thao tác bấm nút trên màn hình. Đã đến lúc cha mẹ phải dạy cho con cái tầm quan trọng của lòng trung thành. Bạn hãy cho con thấy sự gắn kết và giúp đỡ người khác cần thiết cho cuộc sống này như thế nào.

3. Cha mẹ là tấm gương cho con

Không có gì bất ngờ ngờ khi trẻ em học hỏi bằng cách quan sát và làm theo hướng dẫn những người khác, đặc biệt là cha mẹ của chúng. Bạn không cần trở thành một người hoàn hảo nhưng hãy cố gắng cư xử nền nã, lịch sự, kiên nhẫn để con được học theo những đức tính đó.

4. Sự kết nối

Trẻ nhỏ khó lòng đưa ra những ý kiến thiết thực, khả thi, nhưng những gì chúng nói thể hiện cách tư duy và góc nhìn của chúng. Nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là thật lòng lắng nghe những điều con chia sẻ để hiểu con hơn. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái từ khi còn nhỏ sẽ dần phát triển thành một mối quan hệ lành mạnh, bền chặt sau này.

                                            (Nguồn: August de Richelieu/ pexels)
 

5. Coi trọng tính độc lập
Rất nhiều đứa trẻ cảm thấy sợ hãi khi chúng không giống với các bạn khác. Cha mẹ hãy nói với con rằng khác biệt không phải là điều gì xấu xa. Mỗi người đều có cách nhìn nhận vấn đề, môn thể thao yêu thích, màu sắc yêu thích…khác nhau. Con nên tập trung nghĩ về sở thích, thế mạnh của bản thân thay vì chỉ chạy theo đám đông. Những phẩm chất này sẽ giúp con xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và tính độc lập.

6. Chia sẻ thành công và thất bại
Thành công và thất bại luôn song hành với nhau, chặt chẽ như hai mặt của đồng xu. Là cha mẹ, là những người đi trước, bạn nên chia sẻ kinh nghiệm sống của mình về thành công cũng như thất bại với con cái. Hãy dạy con hiểu rằng trong tương lai chúng sẽ phải trải qua cả thành công và thất bại trong cuộc sống. Bạn hãy chia sẻ với con cách bạn xử lý thất bại của mình và sử dụng chúng làm kinh nghiệm học tập. Bạn hãy khuyến khích con đặt mục tiêu trong mọi việc và chăm chỉ đuổi theo mục tiêu đó. Nếu vấp ngã, con hãy đứng lên và cố gắng hơn gấp đôi.

                                        (Nguồn: Andrea Piacquadio/ pexels)
 

7. Hiểu những hạn chế của bạn với tư cách là cha mẹ
Áp lực trở thành bậc cha mẹ lý tưởng có khiến bạn mệt mỏi không? Đôi khi việc quan tâm, săn sóc quá mức của cha mẹ có thể khiến trẻ chán ghét. Bạn không cần phải cố trở thành tấm gương hoàn hảo trong mắt con. Hãy lắng nghe, quan sát và giải thích cho con mọi điều con quan tâm với tình yêu và sự kiên nhẫn. Sau đó, hãy để con tiếp tục tự suy nghĩ về những băn khoăn của chúng để rèn luyện tính độc lập và phát triển tư duy. 

8. Coi trọng kỷ luật

Bất cứ ai muốn trở thành một con người đúng đắn đều phải coi trọng kỷ luật. Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần phải rèn cho con một lối sống kỷ luật để con phát triển lành mạnh, vững vàng, ngoan ngoãn trong tương lai. Tùy thuộc vào độ tuổi của con mà bạn sẽ đưa ra hình thức rèn luyện kỷ luật phù hợp. Khi bạn rèn luyện kỷ luật cho con, hãy bắt đầu bằng việc lập ra một số quy định dễ hiểu. Khi áp dụng kỷ luật, bạn cần có sự nhất quán và đưa ra những nguyên tắc giúp trẻ thành công. Ngoài ra, đừng quên công nhận khi con làm tốt việc gì đó và luôn khuyến khích con làm điều tốt.


Minh Minh (Theo gcpawards)/trithucvn