Di chứng đột quỵ khá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, gánh nặng cho gia đình và xã hội như tàn tật, động kinh, sa sút trí tuệ... Do vậy, việc phòng chống các yếu tố nguy cơ có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giảm tần suất xảy ra đột quỵ.
Đột quỵ não đang là vấn đề lớn của y học, có tần suất 0.2% trong cộng đồng thường gặp ở tuổi trên 65 với tỷ lệ khoảng 1%. Trên thế giới tỉ lệ tử vong đứng thứ 3 sau các bệnh tim mạch và ung thư, tỷ lệ tàn tật chiếm hàng đầu trong các bệnh lý thần kinh.
Đột quỵ là hệ quả của các bệnh lý, có liên quan đến các bệnh: tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid máu..
Tuy có nhiều tiến bộ vượt bậc trong quá trình chẩn đoán nhờ các phương tiện thăm dò hiện đại kết hợp với quá trình điều trị nội- ngoại khoa đã mang lại nhiều hiệu quả song di chứng đột quỵ vẫn còn khá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, gánh nặng cho gia đình và xã hội: tàn tật, động kinh, sa sút trí tuệ..
Do vậy, việc phòng chống các yếu tố nguy cơ có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giảm tần suất xảy ra đột quỵ
Để phòng chống các yếu tố nguy cơ có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giảm tần suất xảy ra đột quỵ, bác sĩ Đỗ Thị Hoan tuộc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa đưa ra phương Châm “4 Duy Trì – 3 Kiểm Soát”.
4 Duy trì
Dưới đây là một số biện pháp giúp người bệnh giảm nguy cơ bị đột quỵ, trong đó việc khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng, giúp phát hiện những yếu tố nguy cơ, cũng như kiểm soát yếu tố hiệu quả phòng ngừa đột quỵ.
1. Theo đó, thứ nhất là cần duy trì chế độ ăn uống khoa học. Cụ thể, cần uống đủ nước hàng ngày theo khuyến cáo ( 0,4l/10 kg/24h ) , ăn đầy đủ vitamin, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật, nội tạng, hạn chế ăn mặn
Cần hạn chế rượu bia, việc lạm dụng rượu bia sẽ làm tăng áp lực máu, tăng đông máu, tăng triglycerid, bệnh cơ tim làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khuyến cáo nếu một ngày chỉ sử dụng 10-30 g ethanol với nam, 10-20 g với nữ thì an toàn và hữu ích thông qua tăng HDL, chống ngưng tập tiểu cầu.
Hạn chế thuốc lá, thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây đột quỵ và bệnh mạch vành thông qua làm biến đổi nồng độ lipid, làm giảm yếu tố bảo vệ HDL, tăng fibrinogen, tăng độ nhớt của máu, tăng kết dính tiểu cầu…
2.Thứ hai, là duy trì chế độ luyện tập phù hợp. Theo nghiên cứu cho rằng ít vận động thể lực làm tăng nguy cơ đột quỵ cho cả nam và nữ, việc hoạt động thể lực tác động đến các yếu tố nguy cơ: huyết áp, đái tháo đường, tình trạng lipid máu..
Tập thể dục làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ở nam giới: thường xuyên hoạt động đủ mạnh ướt đẫm mồ hôi giảm 20% nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục cường độ trung bình như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, hoặc bơi lội ít nhất 30 phút mỗi ngày là hữu ích.
Tập thể dục đều đặn góp phần cải thiện đường máu, giảm tỉ lệ kháng insulin, cải thiện chỉ số mỡ máu, giảm cân...
3. Thứ ba, duy trì cân nặng lý tưởng: Giữ chỉ số cơ thể < 25 với công thức tính: BMI = Cân nặng/ ( Chiều cao x chiều cao ), chỉ số khối cơ thể > 25 dễ dẫn đến nguy cơ mắc đột quỵ.
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và cũng làm tăng tỉ lệ tàn phế do đột quỵ não, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2…
4.Thứ tư, duy trì huyết áp mức lý tưởng. Tăng huyết áp được coi là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não. Tăng huyết áp lâu ngày gây tổn thương thành mạch, hình thành mảng xơ vữa, tạo huyết khối thành mạch.. gây cả đột quỵ nhồi máu và chảy máu não.
Vì vậy việc theo dõi huyết áp, ghi nhớ chỉ số huyết áp của mình là cần thiết. Ở người bình thường mức huyết áp duy trì dưới 140/90 mmhg, đối với bênh nhân có bệnh lý tiểu đường kèm theo mức huyết áp mục tiêu dưới 130/80 mmhg được coi là an toàn
3 Kiểm soát
Ba kiểm soát cụ thể là kiểm soát đường máu, kiểm soát các bệnh lý tim mạch, kiểm soát các chỉ số mỡ máu.
1.Kiểm soát đường máu: Bệnh tiểu đường làm tăng tỉ lệ măc bệnh đột quỵ não từ 2-6.5 lần, tăng tỉ lệ tử vong lên 2 lần do tiểu đường là yếu tô nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Nếu kiếm soát tốt đường máu sẽ làm đột quỵ xảy ra muộn hơn và biến chứng vi mạch xảy ra chậm hơn.
2.Kiểm soát các chỉ số mỡ máu: Tăng mỡ máu đặc biệt chỉ số Cholesterol toàn phần và LDL(cholesterol xấu) có nguy cơ cao dẫn dến bệnh lý đột quỵ.Cứ giảm 1 mmol / l nồng độ cholesterol LDL bằng liệu pháp statin, nguy cơ đột quỵ đầu tiên giảm khoảng 21%. Khuyến khích sử dụng liệu pháp statin và điều trị thay đổi lối sống để kiểm soát mỡ máu.
3. Kiểm soát các bệnh lý tim mạch: Rung nhĩ, các bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh lý van tim trong đó hẹp van 2 lá..là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ trong đó đột quỵ nhồi máu não hay gặp hơn cả. Vì vậy, tùy trường hợp cụ thể bác sỹ có những liệu pháp sử dụng thuốc chống đông phù hợp phòng ngừa đột quỵ não.
Phạm Hiền/soha