Nhiều quý vị hỏi tôi uống thuốc nào bổ thận. Bài viết này chỉ ra thận chúng ta không nhất thiết phải dùng thuốc bổ vì thận chúng ta là cơ quan tuyệt vời, có khả năng phục hồi. Chỉ cần chúng ta không hại thận là chúng ta đã "bổ thận" rồi.
Thận chúng ta là cái máy lọc chăm chỉ làm việc cả đời
- Mỗi ngày, mỗi quả thận chúng ta làm việc không ngừng nghĩ, lọc khoảng 200 lít máu mỗi ngày, loại ra khoảng 2 lít chất độc hại ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu và chất thải. Chúng ta có hai quả thận mà nếu chẳng may 1 quả hư thì quả thận còn lại vẫn lọc tốt. Các nghiên cứu chỉ ra chúng ta có thể sống bình thường chỉ với 1 quả thận. Thận ngoài chức năng lọc máu còn là cơ quan nội tiết ra hormone, hiệu chỉnh và cân bằng huyết áp, hiệu chỉnh các chất điện giải, và nhiều chứng năng quan trọng khác.
- Bên trong mỗi quả thận chúng ta là hàng triệu cái máy lọc li ti (nephron) nhỏ xíu, có một bộ lọc ở giữa. Bộ lọc này rất dễ bị tổn thương. Ví dụ như áp lực đổ về bộ lọc li ti nhiều quá (cao huyết áp) hay ít có nước vào bộ lọc này (như khi bị tụt huyết áp, thiếu nước) cũng làm bộ phận lọc bị hư. Nếu nước đổ về máy lọc bị "bẩn" như máu bị tiểu đường hay nhiễm mỡ, hay bệnh nhân dùng nhiều thuốc cũng có thể làm bộ lọc li ti này tổn thương.
- Thuốc uống, đặc biệt là thuốc giảm đau (NSAID) và thuốc trụ sinh (Antibiotic) là những thứ có thể làm hại thận nếu uống liên tục lâu dài.
- Thực phẩm chức năng và các thuốc khobg cần toa (OTC) cũng là lý do khác dẫn đến hư thận
- Vì vậy, chữa thận (hay làm bổ thận) bắt đầu bằng việc chỉnh lại áp lực (kiểm soát huyết áp) và làm sạch nguồn nước (chữa tiểu đường, cao mỡ, hay không dùng thuốc bừa bãi), ngủ đủ, và tập thể dục.
Thận hư dẫn đến các bệnh khác nguy hiểm hơn, giảm chất lượng cuộc sống và tăng rủi ro tử vong
- Một khi bệnh nhân bị hư thận (Chronic Kidney Disease) thì các bệnh khác có rủi ro tăng cao. Ví dụ như bệnh Gout nặng hơn do chất uric acid không lọc ra ngoài hoàn toàn, dẫn đến viêm khớp đau hơn. Thận hư còn dẫn đến các rủi ro về tiểu đường, tim mạch nặng hơn, dẫn đến rủi ro trụy tim hay đột quỵ.
- Khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo (Dialysis) thi các rủi ro tử vong càng cao. Nghiên cứu chỉ ra chỉ còn khoảng 50% bệnh nhân còn sống sau 5 năm chạy thận nhân tạo . Vì vậy, ngăn ngừa tử vong từ bệnh thận mạn tính bắt đầu bằng kiểm soát tốt các giai đoạn suy thận, và hạn chế, làm chậm quá trình tiến triển thành chạy thận nhân tạo
Bệnh thận (CKD) chủ yếu là do lối sống
- Nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) chỉ ra các lý do chính dẫn đến bệnh thận là từ các bệnh do lối sống của chúng ta.
1. Tiểu đường: là lý do hàng đầu dẫn đến hư thận. Các nghiên cứu chỉ ra cao đường huyết làm tổn thương vĩnh viễn các bộ lọc liti, làm tăng bệnh động mạch máu li ti ở cầu thận. Kiểm soát tiểu đường có thể làm phục hồi chức năng thận, nhiều trường hợp có thể phục hồi hoàn toàn nếu bệnh tiểu đường chưa nặng.
2. Cao huyết áp: là lý do hàng đầu khác dẫn đến bệnh thận mạn tính. Huyết áp cao làm tổn thương vĩnh viễn các bộ lọc li ti ở cầu thận, làm xơ cứng động mạch. Kiểm soát huyết áp thường sẽ cải thiện chức năng thận.
3. Các bệnh tự miễn hoặc di truyền: là những bệnh có thể chẩn đoán sớm, như lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm cầu thận hay bệnh hư thận do di truyền trong gia đình.
4. Thuốc (gồm cả thực phẩm chức năng) là những lý do tăng lên gần đây do bệnh nhân dùng thuốc quá liều. Thuốc giảm đau và thuốc trụ sinh làm bộ lọc thận bị viêm sưng, dẫn đến tổn thương lâu dài. Với thực phẩm chức năng, các hóa chất bảo quản và các chất phụ gia cũng có thể làm tổn thương bộ lọc thận.
- Tập thể dục thường xuyên giúp tim bơm máu đến thận điều hòa và hiệu quả, là cách hữu hiệu để bổ thận. Khi tậo thể dục, máu lọc qua thận tốt hơn, chúng ta uống nước nhiều hơn, càng làm việc lọc chất thải tốt hơn.
Chẩn đoán bệnh thận bắt đầu bằng chỉ số đo lường GFR (Glomerular Filtration Rate) và chỉ số Creatinin (Cr.)
- Do các giai đoạn sớm của bệnh thận mạn tính không có triệu chứng nên BS sẽ dùng các chỉ số lab để chẩn đoán bệnh thận. Chỉ số GFR ước tính thận chúng ta lọc được bao nhiêu ml mỗi phút. Đây là chì số lọc thận quan trọng nhất mà quý vị cần nhớ khi gặp BS. Tùy vào chỉ số này mà chúng ta có thể ước lượng sức khỏe lọc thận. Khi chúng ta càng lớn tuổi thì chỉ số GFR càng giảm theo thời gian.
- Lưu ý là khi đọc dịch chỉ số GFR BS phải kèm theo các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, hay cao mỡ, bệnh đau khớp (do dùng thuốc thường xuyên), hay nhiễm trùng (dùng trụ sinh) hay dùng thực phẩm chức năng vì những bệnh này có thể ảnh hưởng đến chỉ số GFR.
- Nhìn chung, chỉ số GFR càng cao thì càng tốt. Ví dụ như trên 90 là rất tốt, GFR khoảng 60-90 là bình thường nhưng cần theo dõi. Khi GFR dưới 60 là nguy hiểm. Lúc này thì chúng ta theo dõi xem xu hướng tăng hay giảm, và nếu giảm thì giảm nhanh hay giảm chậm. Ví dụ như GFR tháng này là 55, ba tháng sau vẫn là 55 và các chỉ số huyết áp,tiểu đường, và mỡ vẫn ổn định thì chúng ta tiếp tục theo dõi tiếp.
- Chỉ số Creatinin (Cr.) là chất thải trong cơ thể từ các cơ bắp và cơ quan. Thường thận sẽ lọc chất thải này ra ngoài nên chúng ta sẽ thấy chỉ số Cr. thấp. Khi thận thư thì khả năng lọc giảm nên chỉ số Cr. có thể tăng cao. Thường chỉ số Cr. thấp hơn 1.4 ở nam và thấp hơn 1.2 ở nữ. Khi máu co chỉ số Cr cao, kết hợp với giảm GFR thì khả năng cao là quý vị bị hư thận.
- BS sẽ cho quý vị chụp siêu âm, CT, hay MRI để xem cấu trúc thận. BS có thể sẽ cho các thử nghiệm khác để kiểm tra xem có bị nghẽn động mạch hay không để tìm ra lý do bị hư thận.
Chữa trị bệnh thận bằng chữa các lý do trên
- Các thuốc huyết áp, đặc biệt là dòng ACEI/ARB được dùng để hỗ trợ và phục hồi bệnh thận. Nghiên cứu chỉ ra ACEI giảm rủi ro các biến chứng về thận . Chữa tiểu đường, chữa các bệnh tự miễn, và dùng thuốc giảm đau không phải NSAID (như APAP) và dùng thuốc theo chỉ dẫn của BS sẽ giúp chữa trị bệnh thận mạn tính.
Tóm lại
- Hiểu tầm quan trọng của thận để nâng niu 2 trái thận ngay từ hôm nay bằng cách uống nước đầy đủ, kiểm tra huyết áp, kiểm soát tiểu đường, chế độ ăn uống vừa phải cân bằng. Quý vị xem lại các video của tôi về bệnh thận, ăn uống dành cho bệnh nhân (video #133)
- Khi đã mắc bệnh thận mạn tính thì chúng ta tìm cách giữ độ lọc thận GFR ổn định, nếu phục hồi được thì càng tốt. Gặp BS thận càng sớm càng tốt.
- Cẩn thận với các loại thuốc giảm đau, chỉ dùng chỉ cần thiết. Cẩn thận với các loại thực phẩm chức năng. Uống quá nhiều và bừa bãi sẽ dẫn đến hư thận thay vì bổ thận.
Bs. Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ