Tuyến tụy ( pancreas) tuy là nhỏ so với các bộ phận khác trong cơ thể người, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa đường Glucose. Vậy viêm tụy (pancreatitis) là gì và ảnh hưởng như thế nào, bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin chi tiết.
1. Viêm tụy là gì?
Tụy tạng là một tuyến phẳng dài nằm ẩn phía sau dạ dày ở vùng bụng trên. Tụy phóng thích các men tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn và tiết ra hormone insulin và glucagon để điều chỉnh đường huyết (glucose). Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mạn tính.Tụy là một tạng nằm vắt ngang trên ổ bụng, ngay sau dạ dày.
Viêm tụy cấp tính là tình trạng viêm đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn.
Triệu chứng của viêm tụy cấp bao gồm:
Đau bụng làn tỏa ra sau lưng; triệu chứng có thể trầm trọng hơn sau khi ăn các thực phẩm giàu chất béo.
Chướng bụng và đau
Buồn nôn và ói mửa
Sốt
Tăng nhịp tim
Độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi từ mức gây khó chịu nhẹ cho đến gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính đều hồi phục hoàn toàn sau khi được điều trị đúng cách. Trong trường hợp bệnh nặng, viêm tụy cấp tính có thể dẫn đến xuất huyết tụy, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và hình thành nang giả tụy. Viêm tụy nặng cũng có thể gây tổn hại cho cơ quan quan trọng khác như tim, phổi, thận.
Viêm tụy mạn tính: là viêm tụy lâu dài và thường xảy ra sau một đợt viêm tụy cấp tính. Uống rượu nhiều cũng là một nguyên nhân chính gây bệnh. Thiệt hại đến tuyến tụy từ việc sử dụng nhiều rượu có thể không gây ra triệu chứng trong nhiều năm nhưng sau đó đột nhiên phát triển các triệu chứng viêm tụy nặng.
Giống như viêm tụy cấp, tổn thương tụy mạn tính cũng đặc trưng bởi tình trạng đau bụng. Tuy nhiên, người bệnh có quá trình đau kéo dài tại thượng vị hay đôi khi chỉ là cảm giác căng tức. Cơn đau thường tăng lên rõ rệt vào mỗi bữa ăn hoặc khi có uống rượu. Đau lan xuyên ra sau lưng hoặc ra một nửa phần bụng trên, thỉnh thoảng lan xuống nửa dưới. Để hạn chế đau, người bệnh thường bất động trong tư thế khum người như ngồi cúi ra trước hoặc nằm co chân, rất hạn chế nằm ngửa hay ưỡn người vì sẽ khiến đau nhiều hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thường buồn nôn, nôn ói, chán ăn, ăn uống rất kém. Hệ quả là họ bị sụt cân liên tục đến mức suy kiệt. Nguyên nhân sụt cân phần lớn do ăn ít vì sợ đau bụng tăng lên hơn, một phần khác do kém hấp thu và tiểu đường không kiểm soát.
2. Xét nghiệm và chẩn đoán viêm tụy cấp
Khi xét nghiệm thấy nồng độ amylase trong máu và nước tiểu tăng cao.
Các chẩn đoán hình ảnh đặc biệt có giá trị trong viêm tụy cấp. Các chẩn đoán hình ảnh này bao gồm chụp phim bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính khi chụp không chuẩn bị hay siêu âm ổ bụng bị hạn chế do bụng quá trướng, thành bụng dày… thì phương pháp này sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết trong viêm tụy, mức độ viêm để có hướng xử trí phù hợp.
Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành hoại tử tụy, thường hoại tử tụy ít khi khu trú mà lan rộng do hiện tượng tự tiêu của tuyến tụy dưới tác động của các men tiêu protein và lipid được hoạt tác ngay trong lòng tuyến tụy. Tiếp theo đó sẽ dẫn đến chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng… muộn hơn sẽ biến chứng thành áp-xe tụy. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp có thể tới trên 15%, và tử vong trong viêm tụy cấp do rượu cao gấp 3 lần so với tử vong trong viêm tụy cấp do sỏi hoặc giun.
3. Điều trị Viêm tụy cấp
Quan điểm hiện nay thống nhất là điều trị bảo tồn trước hết bằng hút dạ dày, bù nước điện giải, điều trị biến chứng đông máu rải rác lòng mạch, tăng cường nuôi dưỡng qua ăn ống thông dạ dày hoặc tiêm truyền, dùng kháng sinh dự phòng và thuốc ức chế bài tiết để tụy nghỉ ngơi. Tùy theo thương tổn mà bác sĩ có những chỉ định, phương pháp xử trí phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý:
– Dừng uống bia rượu lại, nếu không thể dừng được hãy đến gặp bắc sỹ và bác sỹ sẽ cho liệu trình hoặc cách thức để có thể bỏ hoặc hạn chế rượu bia.
-Không nên hút thuốc lá, nếu đang hút thuốc thì nên dừng lại ngay lập tức, vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh viêm tuỵ .
-Nên chia những bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn đồ có nhiều chất béo.
-Khi mắc phải bệnh viêm tuỵ bạn uống thêm nhiều nước.