Bệnh thoái hóa được xem là những căn bệnh của tuổi già khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là tình trạng thoái hóa khớp gối. Vậy thì làm thế nào để phát hiện sớm bệnh cũng như lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối phù hợp mà hiệu quả tốt? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây
1. Điều trị thoái hoá khớp gối – Phẫu thuật nội soi làm sạch
Phẫu thuật nội soi làm sạch khớp áp dụng cho bệnh nhân có triệu chứng đau và hạn chế vận động nhưng điều trị nội khoa đạt kết quả hạn chế. Phương pháp này không áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân đã thoái hóa khớp gối giai đoạn 4, hoặc giai đoạn 2 và 3 trên nền viêm đa khớp dạng thấp, hoặc có những bệnh lý đi kèm có chống chỉ định phẫu thuật.
2. Điều trị thoái hoá khớp gối – Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn
Phẫu thuật này kích thích tủy xương qua nội soi khớp gối, được chỉ định đối với những bệnh nhân trẻ tuổi thoái hóa khớp gối thứ phát sau chấn thương, với diện tích khuyết sụn nhỏ hoặc vừa. Hiện phương pháp này được kết hợp với ghép tế bào gốc tự thân điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát giai đoạn 2 hoặc 3 mang lại kết quả tốt hơn.
3. Điều trị thoái hoá khớp gối – Ghép tế bào sụn tự thân
Ghép tế bào sụn tự thân được chỉ định cho những bệnh nhân trẻ tuổi, sụn mới tổn thương do nguyên nhân chấn thương, vị trí tổn thương đơn độc, và diện tích sụn khuyết nhỏ hoặc vừa. Ưu điểm của ghép tế bào sụn tự thân là lớp sụn mới có bản chất là sụn trong, có tính đàn hồi, tính bền vững cao, như sụn bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân cần trải qua hai cuộc phẫu thuật, phải mở khớp gối, đồng thời chi phí cho điều trị khá cao. Bên cạnh đó, sau khi ghép, mảnh ghép dễ bong khỏi vị trí ghép, khiến điều trị thất bại, hoặc sau ghép xuất hiện hiện tượng tăng sinh quá mức tổ chức sụn ghép, trở thành cản trở cơ học, gây dính và hạn chế vận động khớp gối.
4. Ghép xương sụn tự thân hoặc đồng loại
Ghép xương sụn có ưu điểm là tạo được sự liền xương tại nơi ghép (do mảnh ghép là phần sụn liền xương), qua đó sụn ghép sẽ sống, bám chặt và đảm bảo chức năng. Phương pháp này áp dụng cho những thương tổn sụn có diện tích không lớn (1 – 4 cm2), tổn thương đơn độc (thường gặp ở thoái hóa khớp gối thứ phát sau chấn thương).
Tuy nhiên, với phương pháp này bệnh nhân nếu lựa chọn ghép sụn tự thân sẽ phải chịu tổn thương mới tại nơi lấy sụn, nếu ghép sụn đồng loại sẽ phải đối mặt với vấn đề thải ghép. Bên cạnh đó, khi chưa liền xương, mảnh ghép có thể rơi vào khớp, trở thành dị vật gây kẹt khớp.
5. Đục xương sửa trục
Đục xương sửa trục thực chất là thay đổi trục cơ học của chân, thay đổi trọng tâm chịu lực của khớp gối, giảm áp lực lên bề mặt khớp thoái hóa, qua đó giúp bệnh nhân giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa. Phương pháp này thường chỉ định đối với thoái hóa khớp gối sớm, một khoang, hay gặp ở bệnh nhân có biến dạng chân kiểu vẹo trong hay vẹo ngoài. Tuy nhiên phương pháp này có thể gặp tai biến nghiêm trọng là liệt dây thần kinh mác chung. Ngoài ra, về lâu dài nếu bệnh nhân cần thay khớp sẽ phải đối mặt với vấn đề trục chi đã bị thay đổi.
6. Thay khớp gối
Thay khớp gối được áp dụng khi bệnh đã ở giai đoạn 3 hoặc 4, không thể điều trị bằng các phương pháp khác. Tuy nhiên đây là phẫu thuật lớn, chi phí bỏ ra rất cao. Thêm vào đó, tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ khoảng 10 – 15 năm, nên với bệnh nhân trẻ tuổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ thay lại khớp nhiều lần. Do đó với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám xét và tư vấn kỹ lưỡng.
(suckhoe&giadinh)