Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nhiều đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người từ 65 tuổi trở lên, người thừa cân, béo phì, phải làm việc ngoài trời hoặc người mắc một số bệnh mạn tính….
Những đối tượng có nguy cơ cao gặp vấn đề sức khỏe khi nắng nóng kéo dài
Nắng nóng khiến ai cũng khó chịu, mệt mỏi, nếu không được bổ sung nước kịp thời cũng như tránh nắng hợp lý, bệnh tật dễ "hỏi thăm". Có một số đối tượng có nguy cơ cao gặp vấn đề sức khỏe gồm:
-Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Người từ 65 tuổi trở lên.
- Những người thừa cân, béo phì.
- Những người hoạt động quá sức trong khi làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời.
- Những người có sẵn bệnh nền như bệnh tim, tăng huyết áp, những người đang dùng một số loại thuốc như thuốc trầm cảm, mất ngủ hoặc người gặp vấn đề về tuần hoàn…
Với những đối tượng trên, CDC Hoa Kỳ khuyên nên theo dõi sức khỏe thường xuyên hơn để phòng nguy cơ kiệt sức, mất nước hoặc say nắng . Với người thân, hãy quan tâm đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người có nguy cơ cao ít nhất một lần mỗi ngày.
Các cách làm mát cơ thể khi nắng nóng
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Uống nhiều nước: Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể con người rất dễ mất nước , cần uống nhiều nước hơn, đừng đợi đến khi khát mới uống.
Uống nước nhiều hơn bình thường là cách giảm nhiệt độ của cơ thể giữa trời nắng nóng.
Nếu bạn đang mắc bệnh không được uống nhiều nước, hãy hỏi bác sĩ của bạn về việc bạn nên uống bao nhiêu nước khi thời tiết nắng nóng.
Nên tránh xa đồ uống có cồn hoặc những thức uống chứa nhiều đường, bởi đây là những thực phẩm khiến cơ thể bạn mất nhiều chất lỏng hơn. Sử dụng đồ uống quá lạnh có thể gây co thắt dạ dày.
Cân nhắc bổ sung muối và khoáng chất khi trời nắng nóng, bởi vì nắng nóng làm cơ thể con người đổ nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể , mồ hôi sẽ mất đi cùng với muối và khoáng chất. Lúc này bạn có thể sử dụng nước điện giải hoặc nước có bổ sung chút muối. Tuy nhiên nếu mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hay đang phải thực hiện chế độ ăn ít muối, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các đồ uống có bổ sung muối.
Bảo vệ cơ thể trong thời tiết nắng nóng
Mặc quần áo phù hợp: Chọn quần áo mỏng, nhẹ, sáng màu và rộng rãi.
Ở trong nhà, nơi có bóng râm: Ở nơi có máy lạnh càng nhiều càng tốt. Nếu nhà bạn không có máy lạnh, hãy đến trung tâm mua sắm hoặc thư viện công cộng — chỉ cần một vài giờ ngồi trong phòng có máy lạnh cũng có thể giúp cơ thể bạn mát hơn.
Khi cảm thấy choáng váng, nhức đầu, chóng mặt, khát nước... rất có thể bạn đang bị say nắng, say nóng.
Sử dụng quạt có thể mang lại sự thoải mái, nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng cao, quạt mát khó có thể ngăn ngừa được các bệnh liên quan đến nắng nóng. Một trong những cách để giảm nhiệt độ cơ thể hiệu quả là tắm nước mát, nhưng tốt nhất vẫn là di chuyển đến nơi có điều hòa nhiệt độ. Hạn chế sử dụng bếp và lò nướng để không làm tăng nhiệt trong nhà của bạn.
Lên lịch cho các hoạt động ngoài trời: Nên hạn chế hoạt động ngoài trời vào những thời điểm nắng nóng trong ngày, chuyển các hoạt động đó vào buổi sáng sớm hay buổi tối. Thường xuyên nghỉ ngơi ở những nơi râm mát để cơ thể có cơ hội phục hồi.
Lắng nghe cơ thể: Trong những ngày trời nắng, cần cắt giảm khối lượng làm việc ngoài trời hay tập các bài tập thể dục ngoài trời, nên chuyển việc lao động, tập luyện tại nơi có bóng râm. Nếu muốn lao động, tập thể dục trong môi trường nóng, hãy bắt đầu bằng các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ. Cần phải nhớ rằng, khi làm việc, tập luyện gắng sức trong môi trường nhiệt độ cao, nếu bạn cảm thấy tim mình đập mạnh và hơi thở hổn hển, hãy dừng ngay mọi hoạt động, vào khu vực mát mẻ hoặc trong bóng râm và nghỉ ngơi. Một số dấu hiệu say nắng, say nóng trầm trọng hơn như choáng váng, hoa mắt, mệt mỏi, ngất….
Bôi kem chống nắng: Cháy nắng ảnh hưởng đến khả năng hạ nhiệt của cơ thể và có thể khiến bạn mất nước. Nếu bạn phải ra ngoài trời giữa thời tiết nắng nóng, hãy bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài. Sau khoảng 2-4 tiếng phải thoa kem chống nắng lại theo hướng dẫn của sản phẩm.
Tốt nhất, hãy tìm các loại kem chống nắng có ghi "chống nắng phổ rộng" hoặc "bảo vệ khỏi tia UVA / UVB" trên nhãn.
Không để trẻ em ngồi trong ô tô giữa trời nắng: Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người lớn "để quên" trẻ nhỏ trong ô tô, đặc biệt là vào mùa hè, nhiệt độ của ô tô tăng rất cao khi để dưới nắng kể cả khi mở cửa sổ. Trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh có nguy cơ bị say nóng thậm chí tử vong nếu bị "bỏ quên" trên ô tô.
Tránh các bữa ăn quá nóng và nhiều năng lượng: Mùa hè nên ưu tiên các thực phẩm giải nhiệt, dễ tiêu hóa. Tránh ăn các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ bởi chúng sẽ làm tăng nhiệt độ của cơ thể, tạo gánh nặng, khó hấp thu.
Theo CDC-Hải Yến/soha