Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao có thể gây ra những nguy hiểm đáng kể cho tim và cần thực hiện các bước để bảo vệ sức khỏe, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo
Nắng nóng gây nguy hiểm cho tim mạch.
Nhiệt độ cao và mất nước buộc tim phải làm việc nhiều hơn để tự làm mát bằng cách bơm nhiều máu hơn và chuyển máu từ động mạch xuống tới các mao mạch… dưới da.
Nghiên cứu cho thấy rằng khi nhiệt độ lên tới 42,7 độ C, số ca tử vong do bệnh tim có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba, và nhiệt độ càng dao động trong mùa hè, các cơn đột quỵ có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, trong khi các trường hợp tử vong và bệnh tật liên quan đến nắng nóng có thể phòng ngừa được, nhưng vẫn có nhiều người đã thiệt mạng vì nắng nóng khắc nghiệt hàng năm.
Đối với những người trên 50 tuổi hoặc thừa cân, những người bị tăng huyết áp , béo phì hoặc có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ... điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi nắng nóng để bảo vệ sức khỏe, TS Donald Lloyd-Jones, chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (AHA)cho biết.
Một số loại thuốc như thuốc chẹn thụ thể angiotensin-ARB, thuốc ức chế men chuyển -ACE, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu... ảnh hưởng đến phản ứng huyết áp hoặc làm cơ thể cạn kiệt natri, có thể làm tăng phản ứng của cơ thể với nhiệt… Ngay cả khi không dùng thuốc chữa bệnh tim, bạn cũng nên đề phòng nhiệt độ cao. Tuy nhiên, người bệnh không được ngừng thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ sự lo ngại nào.
Lloyd-Jones cho biết, giữ đủ nước là chìa khóa quan trọng. Cơ thể rất dễ bị mất nước ngay cả khi không khát. Uống nước trước, trong và sau khi ra ngoài trời nắng nóng. Đừng đợi đến khi thấy khát mới uống. Cách tốt nhất để biết bạn có nạp đủ nước hay không là theo dõi lượng nước tiểu và đảm bảo màu nước tiểu nhạt, không đậm hoặc đậm đặc.
AHA đã cung cấp các mẹo an toàn trong thời tiết nắng nóng:
Không ra ngoài trời vào đầu giờ chiều (khoảng giữa trưa đến 3 giờ chiều) khi mặt trời thường gay gắt nhất. Mặc quần áo nhẹ, sáng màu bằng các loại vải thoáng khí như cotton hoặc vải thấm mồ hôi; đội mũ và đeo kính râm; thoa kem chống nắng chống nước có ít nhất SPF 15(*) trước khi ra ngoài và thoa lại sau mỗi hai giờ. Uống một vài cốc nước trước, trong và sau khi đi ra ngoài hoặc tập thể dục; tránh thức uống có chứa cafein hoặc cồn. Nghỉ giải lao thường xuyên; dừng lại vài phút ở nơi râm mát và bổ sung nước. Tiếp tục dùng tất cả các loại thuốc theo quy định.
BS Lê Thị Tuyết /soha
----------------------------------------------
(*) Chỉ số SPF( sun protection factor) theo FDA là định mức đo lường khả năng chống lại tia UVB được dùng trong kem chống nắng. Chỉ số này được tính theo số giờ và tỷ lệ phần trăm chống tia UV khi sử dụng kem chống nắng trên da.
Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100, 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế những tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút.
- Hiểu theo thời gian chống tia UV: Nghĩa là lấy chỉ số SPF nhân 10 để tính được thời gian bảo vệ da chống tác hại của tia UVB tính bằng phút. Ví dụ kem chống nắng có chỉ số SPF là 30 thì thời gian bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB là 300 phút.
- Theo phần trăm chống lại tia UV: Khi đặt trong điều kiện hoàn hảo thì kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ chặn được khoảng 93,4% tác hại từ tia UVB, SPF 30 là khoảng 96,7%, SPF 50 là khoảng 98%. Tuy nhiên tỷ lệ này cũng mang tính chất tương đối trong một thời gian nhất định.